Vẫn rộn tiếng ca của người nhạc sĩ

12/12/2016

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính (photo: Nguyễn Thị Minh Châu)

Ngày ấy cách đây đã rất lâu, tôi không nhớ rõ năm nào, hình như là 1984 - 1985 gì đó, tôi có mấy sáng tác cho tuổi thơ, đem đến Nhà xuất bản Mỹ thuật âm nhạc (sau này là DIHAVINA) muốn in vào các tập bài hát thiếu nhi. Người ta nói tôi gặp Ngô Quốc Tính là người phụ trách biên tập mảng ca khúc dành cho trẻ em. Trước đó, tôi chưa có dịp gặp anh, nhưng nghe nói có vẻ “khụng khiệng”, không dễ tiếp xúc như các biên tập viên khác. Tôi hỏi lại mọi người: “Có nghĩa là anh ta kiêu?” Họ nói : “Không hẳn như vậy. Ở đây, Tính là đàn em và toàn những người nổi tiếng, có tác phẩm ai cũng biết thì sao lại kiêu được”. “Vậy sao lại khụng khiệng?”. “Thì cứ muốn tỏ ra ta cũng là một nhạc sĩ có hạng”. Tôi nghĩ - À ra thế. Đúng là cái từ “khụng khiệng” mọi người dùng không có nghĩa là kiêu. Đã vậy, không những tôi không ngại mà lại càng muốn sớm gặp Ngô Quốc Tính. Nhớ lại lần gặp đầu tiên tại Nhà Xuất bản âm nhạc (43 Lò Đúc, Hà Nội). Khi tôi đến, cố nhạc sĩ Thái Cơ giới thiệu:

-  Đây, Ngô Quốc Tính đây. Còn đây là …

Tác giả Rặng trâm bầu nổi tiếng xướng tên tôi, có ý giới thiệu với nhạc sĩ họ Ngô. Tôi thấy một anh chàng hơn tuổi mình, trông khá bảnh bao, có thể nói là điển trai với dáng người cao ráo, hồng hào, mái tóc bềnh bồng, vận bộ quần áo bò khá model. Trông anh có vẻ một vận động viên thể thao hoặc diễn viên sân khấu hơn là một nhạc sĩ. Trước đây, nghe nói anh từng là công nhân, làm đủ mọi nghề lam lũ trước khi vào học trường âm nhạc, tôi cứ hình dung khác, không nghĩ lại chải chuốt, ra dáng “tay chơi” thế này.

- Chào bạn. Tôi có biết bạn. Hôm nay cũng mới gặp.

Kèm lời chào có phần hơi kẻ cả là một cái bắt tay rất xã giao của Ngô Quốc Tính dành cho tôi. Tôi quyết định ngay buổi gặp đầu tiên phải gây ấn tượng với anh chàng nhạc sĩ “ khụng khiệng” này, dẫu anh ta có tự ái mà không nhiệt tình in tác phẩm của mình, cũng cam lòng. Tôi nói luôn:

- Từ lâu tôi đã biết bài “Đôi bồ câu đang bay về hương” của anh. Nay mới được gặp. Thật là “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.

Tôi cố tình chỉ xướng lên câu đầu tiên của bài hát đến đó và cũng cố ý đọc tiếng hướng thành tiếng hương (không có dấu sắc). Ngô Quốc Tính cười, tỏ rõ sự sung sướng vì được người khác biết mình. Song, anh cũng ngay lập tức có chút phật ý:

- Ông này buồn cười. Ông cũng là nhạc sĩ mà chẳng khác gì đám công chúng ngoại đạo. Tại  các hội diễn, có khi vài ba người cùng hát bài này tại một sân khấu mà cứ đều giới thiệu tên bài là Đôi bồ câu …Lại còn không biết tác giả là ai.

- Thế càng hạnh phúc chứ sao. Người ta yêu thích hát bài của mình mà quên tên tác giả mới hay đấy, chứ không thiếu gì vị có tên tuổi lừng lững mà nào có ai biết được bài gì. Như Truyện Kiều đó. Ngay cả nông dân cũng nhớ được một, vài câu trong tác phẩm này nhưng họ làm sao biết được tên ông Nguyễn Du.

Ngô Quốc Tính lúc này vui hơn hẳn trước và câu chuyện giữa chúng tôi lần ấy thật rôm rả. Anh nhắc lại để tôi rõ tên tác phẩm của anh:

- Bài của mình là Trên công trường rộn tiếng ca chứ không phải là Đôi bồ câu. Đó chỉ là mấy chữ mở đầu.

Tôi biết rõ nhưng vẫn giả vờ:

À ra thế.

Và bây giờ mới bắt đầu “tấn công” tác  giả Trên công trường…

- Này, anh Tính. Tôi xin lỗi vì dám mạo muội góp ý cho anh. Câu mở đầu của anh là “Đôi bồ câu đang bay về hướng anh cùng em ta ra chốn công trường…”, nhưng “hướng” khi hát đúng nốt nhạc lại thành “hương”, tức là mất dấu sắc, mà không thể sửa nhạc cho rõ chữ “hướng” vì sẽ không hay. Lại nữa : Tiếng “hướng”( thành “hương” như đã nói), anh lại cho ngân dài, nghe không ổn. Lẽ ra sau tiếng này phải hát liền mới có nghĩa (về lô - gích cú pháp).

Ngô Quốc Tính nhíu lông mày lắng nghe, rồi nói:

- Bài hát đã nổi tiếng mất rồi. Nhưng theo ông, có thể đặt lời khác sao? Vấn đề là phải đúng cái ý: Đôi chim bồ câu bay cùng một hướng với đôi bạn trẻ, mà hướng ấy chính là ra công trường.

- Quá dễ. Sao không viết : “Về nơi” thay cho “về hướng”? Sợ “nơi” không vần với “trường” sau đó chứ gì?” Vậy thì thế này sẽ rất ổn: “Đôi bồ câu đang bay về phương anh cùng em ta ra chốn công trường”.

Hai cố nhạc sĩ Thái Cơ và Xuân Giao lúc ấy ngồi bên cạnh tỏ sự đồng tình với tôi, cũng nghiêng về việc muốn “góp” cho Ngô Quốc Tính. Nhưng Thái Cơ đã rất tế nhị:

Thôi, dẫu sao bài hát cũng đã “vào” quần chúng. Người ta đã chấp nhận. Thế là quý rồi.

Ngô Quốc Tính đã “trình làng” bằng một ca khúc như thế. Bài này được ông sáng tác từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, lúc chỉ là một người viết nghiệp dư, nghe nói khi ấy đang làm công nhân ở Ninh Bình. Nghe bài hát, ta hình dung ra ngay được bối cảnh lúc đó: Một không khí lao động xây dựng sôi nổi, hào hứng dậy lên ở khắp nơi. Có thể về kỹ thuật sáng tác còn nhiều vụng về, nhưng bù lại, bài hát có giai điệu tươi trẻ với tiết tấu rộn rã, đã cuốn hút người nghe. Cặp song ca nam nữ Mạnh Hà – Thúy Hà đã thể hiện rất hiệu quả bài hát này để nhanh chóng lan truyền trong công chúng. Nhớ lại dạo ấy, trên sân khấu các hội diễn ca nhạc quần chúng, dường như đâu đâu cũng vang lên: “Đôi bồ câu đang bay về hướng…”.

Sau khi bài hát trên ra đời, Ngô Quốc Tính lên Hà Nội làm đủ mọi nghề kiếm sống. Anh sinh hoạt ở Nhà nghệ thuật quần chúng Hà Nội (tiền thân của Nhà văn hóa thành phố Hà Nội sau này). Đến nay, mỗi khi cơ quan này nói đến thành tích đã góp phần vun đắp những cây bút không chuyên trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, bên cạnh những người khác, đã không quên nhắc đến Ngô Quốc Tính. Sau khi trang bị được chút ít vốn liếng ban đầu về âm nhạc tại đây, Ngô Quốc Tính học hệ tại chức sáng tác ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam). Học xong, anh về làm biên tập tại Nhà xuất bản Mỹ Thuật - Âm Nhạc (nay là DIHAVINA). Trước khi về hưu mấy năm, anh chuyển sang Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm Chánh văn phòng (Nhiệm kỳ GS. NSND Trọng Bằng làm Chủ tịch).

Ngoài bài hát đầu tay được nhiều người biết đến đầu tiên, Ngô Quốc Tính còn có một số ca khúc khác: Niềm vui cô thợ dệt, Hương hồi xứ Lạng, Mai em 17, Tiếng ru trong ánh điện sông Đà, Ánh trăng xanh…đồng thời, anh đã thử mình trong lĩnh vực sáng tác hợp xướng và khí nhạc: Huyền thoại Trường Sơn (ballet), Đôi cánh Điện Biên, Theo chân Bác (hợp xướng), Ánh mắt mùa xuân (giao hưởng thơ), Thái Bình Dương (giao hưởng 3 chương), Một góc quê hương (biến tấu cho bộ gõ, violon và violocelle). Ngoài ra, Ngô Quốc Tính còn sáng tác nhạc cho sân khấu và múa, đáng kể là những vở Lời thề thứ 9, Lập Xuân, Nàng Si - Ta…

Ngô Quốc Tính đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận trong sáng tác, trước hết là do ông có lòng hăng say cộng với một tinh thần lao động cần mẫn, kiên trì. Ông từng nói quan điểm của mình - Tài năng lớn thì sáng tác bài nào đậu bài nấy. Tài năng vừa phải thì viết hàng chục bài, thậm chí mấy chục bài sẽ phải được một bài. Từ lao động sáng tác đến biên tập rồi cuối đời làm Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đều làm hết mình. Hồi sang làm Chánh Văn phòng, không ít người ì xèo: Làm nhạc sĩ kiêm biên tập ca khúc, được thảnh thơi sáng tác, lại đem niềm vui đến cho những tác giả có bài được in không muốn, tự nhiên lại sang Hội làm công việc quanh năm đầu chầy, đít thớt, lo việc dầu, đèn, kèn, trống, chỉ hầu các sếp là chính. Nhưng Ngô Quốc Tính chỉ cười hề hề mà rằng - Ai cũng nghĩ thế thì ai làm đây? Và Ngô Quốc Tính đã làm khá tốt, thành thạo, tỏ ra rất yêu nghề…Chánh Văn phòng.

Con người ta thường được Thượng đế ban cho một cái duyên nào đó, bên cạnh những cái không may, thiệt thòi. Riêng Ngô Quốc Tính, quả là có hai cái duyên. Thứ nhất: Ngay bài hát đầu tay, lúc còn là nghiệp dư 100%, ghi âm chưa thạo đã có bài hát được công chúng lan truyền như đã nói. Thứ hai: Luôn giật Giải trong nhiều cuộc thi hoặc vận động sáng tác, và Giải thưởng Hội Nhạc sĩ hàng năm. Nhiều người nói ông “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Hay dở thế nào không biết, đến nay chẳng rõ có ai nhớ được những tác phẩm đó không, chỉ biết Ngô Quốc Tính luôn đạt Giải. Lần thì Nhất (hoặc A), lần thì Nhì, Ba (B, C). Bản thân ông cũng không thể nhớ hết. Quả là không thấy có người thứ hai có duyên với những Giải thưởng như ông.

Sinh ngày 18 - 8 - 1943 tại huyện Bình Lục (Hà Nam), nhưng Ngô Quốc Tính luôn trẻ trung, phong độ hơn so với tuổi. Trở lại lời đồn đại ban đầu về ông. Nếu tiếp xúc lâu, nhất là quan hệ nhiều, sẽ thấy ông chẳng hề “khụng khiệng” mà xuề xòa, dân giã, dễ sống, dễ chơi của một chàng công nhân thuở trai trẻ năm xưa. Mấy năm gần đây, ông tậu đất, làm nhà ở gần chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Nhưng không phải để ăn chay, niệm Phật mà để ẩn dật chốn điền viên. Cách đây mấy năm, ông bị tai biến. Đang đi xe máy thì lăn quay giữa đường. Người ta đưa ngay ông vào bệnh viện. Tất cả đã được thông báo là chuẩn bị đưa tiễn ông rời cõi tạm trần gian về …trời. Nhưng cái số thế nào, trời vẫn chưa chiụ  “đón” mà “bắt” ông phải tiếp tục “ở trọ trần gian” thêm, không biết đến bao giờ. Và hiện hại, ông lại khỏe y như lúc chưa có cơn đột quỵ kia. Vẫn viết lách, gõ đàn suốt ngày. Tổng phổ chi chít, chằng chịt trong căn phòng. Thật hú hồn và may thay!

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...