Nhạc sĩ Văn Cao và những sáng tác về đề tài cách mạng

15/09/2016

Trong dòng âm nhạc cách mạng, Văn Cao là người đầu tiên chắp những đôi cánh lãng mạn, những ước mơ lớn vào các ca khúc, hành khúc chiến đấu.

Cuối năm 1974, hay tin nhạc sĩ Văn Cao không được khỏe, các nhạc sĩ Văn An, Nguyễn An và tôi đến thăm ông ở số 108 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Tôi mới đi Bắc Giang về, mang theo “cút” rượu Làng Vân, anh Văn An bỏ vào túi chai Vosca Nga, còn anh Nguyễn An kèm theo hộp sữa. Nhạc sĩ Văn Cao rời cây đàn Piano nói với chúng tôi: mình chỉ hắt hơi sổ mũi thôi mà.

Trong khi Anh Văn đi lấy chén để uống rượu, tôi tò mò nhìn vào bản nhạc trên giá đàn có hai chữ viết tắt là MX (tôi đoán là bài hát về mùa xuân). Ngứa tay ngồi xuống đàn thử lướt mấy nhịp đầu, cả đôi anh An xúm lại và khen giai điệu hay. Đây là ca khúc mà sau này ông thêm hai chữ để có tên là “Mùa xuân đầu tiên” viết về mùa xuân đầu tiên của đất nước thống nhất và được phổ biến rộng rãi: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…”.


Nhạc sĩ Văn Cao

Sự nghiệp sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao rực rỡ hơn cả so với sự nghiệp thơ, hội họa, viết báo, sáng tác giao hưởng và nhạc phim của ông.

Con đường ca khúc Văn Cao kéo dài chủ yếu trong khoảng mười năm (1940-1949) từ khi ông mới 17 tuổi cho đến 26 tuổi. Quê gốc ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định, nhưng ông sinh ra ở Hải Phòng. Căn nhà nhỏ của người cai Nhà máy nước nhìn thẳng ra bến Bính là nơi cậu bé Văn Cao cất tiếng khóc chào đời. Nguyễn Văn Cao học chữ ở trường Bon nan (nay là trường trung học Ngô Quyền) và học nhạc ở trưởng Xanh giô Dép (nay là trường phổ thông cơ sở Ngô Quyền). Xóm Lạc Viên hẻo lánh khi xưa còn ghi dấu một thời tá túc, khởi nghiệp tân nhạc của ông cùng Phạm Duy.

Sau những bài hát đầu tiên, ở Văn Cao hình như tân nhạc không chỉ là sự ghi ra của 7 nốt nhạc theo kiểu Tây phương. Nó còn chứa đựng sự cộng lại của “tam thiên, tứ địa”. Nó mang cả cuộc “vuông tròn” của vũ trụ bao la. Nó gắn cùng ông trong mối liên quan thiên – địa – nhân. Vì thế, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, sau ca khúc “Buồn tàn thu” Văn Cao đã “tìm” đến “Thiên thai”.

Cái cô đơn của nhất thể toát ra từ “Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn  riêng ta…” đã đẩy Văn Cao tìm đến sự hòa nhập lớn lao thời ấy – hòa nhập vào phong trào cách mạng, con người của lịch sử hướng Văn Cao vào mối tương quan này theo ông là đồng chí Vũ Quý. Chính do yêu cầu của Vũ Quý thay mặt “tổ chức”, Văn Cao đã viết “Tiến quân ca” mà sau cách mạng tháng 8 thành công được Quốc hội và Hồ Chủ tịch chọn làm “Quốc ca Việt Nam”.

Cùng năm 1941, bên cạnh “Thiên thai”, là “Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang”, một tác phẩm diễn tả chiến thắng của quân dân ta đối với giặc Nguyên Mông. Tác giả vận dụng bước đầu những nét đặc sắc của dân ca Hò kéo gỗ và Hò qua sông hái củi của Dân ca Việt Nam.

Năm 1942, mặc dù ra đời cùng với “Suối mơ” nhưng “Gò Đống Đa” là một ca khúc yêu nước. Lần đầu tiên, trong âm nhạc công khai xuất hiện hình ảnh “máu đào đồng bào biết hòa cùng máu quốc kỳ”, hình ảnh những “dũng sĩ ái quốc… nối nhau đi cuộc hành bình qua”…

Rồi năm sau, 1943, bên cạnh “tiếng cầu kinh xa vắng” trong nhạc phẩm lãng mạn mang tên “Cung đàn xưa”, là tiếng “gần xa hò hét. Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành” trong nhạc phẩm yêu nước có tên “Thăng Long hành khúc”.

Một Thăng Long oai hùng của quá khứ hiện về với tiếng loa tiếng trống, với cờ xí rợp trời và hình ảnh “Lữ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông”. Một Thăng Long hôm nay hiện lên với muôn ngàn tiếng hò reo quật khởi tin ở ngày mai thắng lợi:“Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long ngày mai… Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng”.

Buồn tàn thu và nhất là “Thiên thai”, “Gò Đống Đa”, “Suối mơ”, “Trương Chi” và “Thăng Long hành khúc” đều được chào đón vô cùng nồng nhiệt trong thanh niên, học sinh và sinh viên Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn.

Từ năm 1944 đến năm 1946 là một bước ngoặt lớn, một bước phát triển nhảy vọt của Văn Cao. Từ dòng lãng mạn lành mạnh – yêu nước hùng tráng, Văn Cao chuyển ngay sang dòng âm nhạc cách mạng, chuyển ngay sang dòng thác dữ dội của cách mạng giải phóng dân tộc. Chuyển một cách mau lẹ, tự nhiên, vững chắc, không qua một giai đoạn quá độ, không qua một giai đoạn mò mẫm “nhận đường”.

1944, năm mở đầu giai đoạn thứ hai, anh chỉ sáng tác một nhạc phẩm: “Tiến quân ca”. Hai mươi năm sau, 1976, trong bài báo: “Tại sao tôi lại viết Tiến quân ca”, chính Văn Cao đã xác nhận tên và lời “Tiến quân ca” là một sự tiếp tục từ “Thăng Long hành khúc” và “Gò Đống Đa”.

Sự xác nhận ấy của chính tác giả càng giúp chúng ta thấy rõ: từ “Gò Đống Đa” và từ “Thăng Long hành khúc” (hai nhạc phẩm yêu nước), anh chuyển thẳng sang “Tiến quân ca” (nhạc phẩm cách mạng) không qua một giai đoạn quá độ nào.

Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên trong âm nhạc cách mạng xuất hiện những đội quân chủ lực, những đội quân chính quy từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên trong âm nhạc cách mạng xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng nhuốm màu các liệt sĩ mang hồn nước. Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên Quân giải phóng Việt Nam chính thức có một hành khúc hùng tráng, trang nghiêm và lôi cuốn. Với “Tiến quân ca”, lần đầu tiên toàn thể các tầng lớp nhân dân Việt Nam có chung một hành khúc trên đường ra trận. Trước đó, chúng ta chỉ có những nhạc phẩm yêu nước của tuổi trẻ thủ đô, của thanh niên, học sinh, sinh viên và hướng đạo sinh. “Tiến quân ca” là cái mốc bằng vàng đánh dấu sự toàn thắng của âm nhạc cách mạng về cả tư tưởng lẫn về nghệ thuật.

Chính vì vậy, “Tiến quân ca” lập tức lan rộng khắp đất nước: từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, từ vùng tạm chiếm đến chiến khu.

Trên đà toàn thắng của năm 1944, năm 1945 Văn Cao cho ra đời một loạt ca khúc mới lạ, chủ yếu viết về các lực lượng vũ trang cứu nước: “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân”, “Chiến sĩ Việt Nam” (lúc đầu có tên là Chiến sĩ Việt Minh). Trí tưởng tượng phi thường, chủ nghĩa lãng mạn chiến đấu tràn ngập ba tác phẩm nói trên. Trong dòng âm nhạc cách mạng, Văn Cao là người đầu tiên chắp những đôi cánh lãng mạn lớn, những đôi cánh ước mơ lớn vào các ca khúc cách mạng, vào các hành khúc chiến đấu của quân đội.

Từ năm 1947 đên năm 1949  giữa cuộc kháng chiến chống Pháp. Văn Cao cho ra đời các ca khúc như: “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”, “Công nhân Việt Nam”, “Bắc Sơn”, “Trường ca Sông Lô”…

Đặc biệt với ca khúc “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao đã góp sức mình sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, cùng với trung đoàn Thủ đô trở về với 36 phố phường trầm mặc và 5 cửa ô tung cửa đón chào, trong rừng hoa, trong nụ cười và nước mắt của người Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Một giai điệu ngời ngợi chủ nghĩa lãng mạn, đầy chất thơ và chất thép.

Cách đây đúng 70 năm trong khóa họp thứ nhất Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) bài hát “Tiến quân ca” đã chính thức chọn làm Quốc ca của đất nước. Hôm 15/7/2016 vừa qua tại Hà Nội, Quốc hội đã long trọng đón nhận bài hát “Tiến Quân ca” từ gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho đất nước. Nhân dịp này Quốc hội đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao, đồng thời Chính phủ cũng tặng bằng khen cho bà Thúy Băng, vợ nhạc sĩ. (Trước đây ông đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật và Huân chương độc lập hạng nhất).

Tấm bia đá trên mộ nhạc sĩ Văn Cao khắc ghi: 15/11/1923 – 10/7/1995 - song ông vẫn sống mãi với đất nước, với âm nhạc hào sảng, với thơ ca giàu hình ảnh và  với hội họa đậm phong cách riêng. “Tiến quân ca” đã tạc vào lịch sử một biểu tượng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bản Quốc ca ấy vẫn luôn vang lên trong và ngoài nước, luôn vọng mãi trong niềm tự hào của dân tộc. Và ông, một con người tài hoa chắc đang mỉm cười nơi chín suối./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tags:

H

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...