Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: “Giận hờn tình yêu cũng có cái vui, sao cứ bi lụy?”
Với ngành y, ông là một nha sĩ trứ danh còn với âm nhạc ông lại là tác giả của rất nhiều tình khúc hồn nhiên, trong trẻo và lãng mạn.
Hai công việc tưởng chừng không liên quan lại trở thành mối lương duyên trong cuộc đời và làm nên một Nguyễn Ngọc Thiện với sắc thái âm nhạc rất riêng biệt. Trong suốt cuộc đời với nhiều vai trò ấy, nếu nghề nha sĩ mang lại những giá trị về vật chất buộc ông sống với những ồn ào của cơm áo gạo tiền thì âm nhạc lại buộc ông sống với nhiều khoảnh khắc lặng lẽ.
Một người viết nhạc thành công như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vẫn có lúc phải xót xa thốt lên: “Tôi chưa bao giờ ảo tưởng có thể sống được bằng những nốt nhạc”.
Thoáng nhìn nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện người ta khó tin ông là một nhạc sĩ nổi tiếng, càng khó hình dung ở ông nét nghệ sĩ tài hoa. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện có gương mặt tròn, mái tóc cắt ngắn gọng gàng, ăn vận sạch sẽ. Một hình ảnh gần với nghề nha sĩ mà ông gắn bó mấy chục năm nay.
Ông là một người viết nhạc lặng lẽ
Bởi thế khi biết ông là tác giả của những giai điệu nổi tiếng như “Nếu em là người tình”, “Ơi cuộc sống mến thương”, "Chia tay tình đầu", "Cô bé dỗi hờn"... không ít người giật mình. Cái tên Nguyễn Ngọc Thiện dần trở nên rõ nét và ấn tượng.
Điều gì đã giúp âm nhạc có thể níu kéo, duyên nợ trọn đời với người đàn ông giản dị mà thực tế ấy. Tất cả chỉ có thể lý giải bằng niềm đam mê mà ông đã trót trao cho âm nhạc.
Giống như một người Sài Gòn thực thụ, ông mở lòng từ những phút trò chuyện đầu tiên.
“Thời điểm mà những ca khúc buồn như nhạc Trịnh lên ngôi thì những bài ca vui nhộn như Ơi cuộc sống mến thương, Nếu em là người tình rất khó để tìm ca sĩ, khán giả. Một hôm tôi giật mình thốt lên: Sao âm nhạc Việt Nam lại buồn thế. Thế giới có biết bao nhiêu bài hát vui mà vẫn hay vẫn được đón nhận? Và thế là tôi viết những ca khúc của riêng mình, trong thế giới âm thanh hồn nhiên, trong trẻo của tình yêu”.
Tôi nghĩ trong những đổ vỡ, giận hờn của tình yêu cũng có cái vui, sao cứ phải bi lụy làm gì?”.
Yêu và gắn bó với âm nhạc nhưng để nuôi dưỡng niềm đam mê này ông lại phải tìm đến một nghề khác, không hề liên quan đến âm nhạc: Nghề nha sĩ.
“Tôi chưa bao giờ ảo tưởng rằng mình có thể sống được với nghề viết. Thế hệ chúng tôi, mỗi người đều phải sắm nghề tay trái để nuôi nghề tay phải, lấy ngắn nuôi dài. Ca sĩ đi hát còn có tiền cát- sê còn chúng tôi, những người viết nhạc, sáng tạo trong bóng tối, nếu không có một cái nghề theo kiểu có thực mới vực được đạo thì rất khó để có thể sống với đam mê.
Trong mắt nhiều người ông còn là một doanh nhân
Thời đó nhạc sĩ rất nghèo. Ngay cả với anh Trịnh Công Sơn, anh nổi tiếng như vậy nhưng vẫn nghèo, rất nghèo. Nghề sáng tác không mang lại thu nhập cho anh ấy. Anh Sơn phải mở quán. Kể cả nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín, Anh Chín sống chủ yếu bằng nghề đánh đàn Piano.
Những năm 80, bạn bè xung quanh tôi đa số ngày đi kiếm tiền, tối về thì viết, thi thoảng có đi diễn nhưng là diễn miễn phí. Nhiều người phải đi dạy thêm, đi làm hành chính. Như anh Từ Huy thì làm người ghi chép bên báo Phụ nữ Thành phố, anh Vi Nhật Tảo làm sân khấu, tôi làm bác sĩ làm trong bệnh viện. Chúng tôi đều yêu và lo lắng cho nền âm nhạc Việt Nam nhưng vẫn phải mưu sinh với cuộc sống để mong trụ được với nghề sáng tác.
Thế mà vẫn không yên được. Những kỳ vọng về âm nhạc thời điểm đó khiến tôi có lúc rơi vào thất vọng, thậm chí tuyệt vọng.
Có lần đứng trên ban công nhà nhìn xuống, tôi ngẫm thấy quá thất vọng về bản thân, về cuộc đời. Trong đầu luẩn quẩn ý nghĩ hay là mình nhảy xuống đường cho rồi, vì cảm thấy sống đến chừng này tuổi rồi mà vẫn chưa làm được cái gì ra hồn thì buồn quá. Nhưng âm nhạc và những người bạn đã níu kéo mình lại, giúp mình vượt qua những phút yếu lòng.
Thế hệ của chúng tôi sống với nhau rất hồn nhiên. Giúp đỡ nhau trong các sáng tác âm nhạc mà không hề có sự so đo, tính toán. Trái với đời sống âm nhạc hiện nay. Người ta nói rằng bây giờ chủ yếu đi xem nhạc chứ không phải đi nghe nhạc. Nghệ sĩ lên sân khấu cũng phải đầy đủ cả về phần tiếng lẫn phần hình. Có khi phần hình lấn át cả phần tiếng.
May thay đến những năm 80, cả nước bắt đầu rộ lên phòng trào sáng tác các ca khúc chính trị. Âm nhạc được giao một trọng trách mới đó là làm sống dậy phong trào thanh niên xung kích, bắt đầu từ những ca khúc trẻ trung, vui nhộn. Đó là cơ hội để tôn vinh những ca khúc như Ơi suộc sống mến thương hay Nếu em là người tình ...
Vì là phong trào nên người viết những ca khúc theo thể loại cũng đông lắm. Tuy nhiên số lượng bài hát, nhạc sĩ được đông đảo công chúng đón nhận thì không nhiều.
TPHCM sau giải phóng như một thế giới khác hẳn. Giới trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa, âm nhạc khác nhau nhưng lại thiếu một nền âm nhạc mang tính định hướng. Ca khúc ca ngợi về đời sống thanh niên xung phong không nhiều trong khi phong trào thanh niên giai đoạn này lại phát triển rất rầm rộ.
Về kỷ niệm khi sáng tác “Ơi cuộc sống mến thương”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Hôm đó là buổi học chính trị, giữa giờ học, ông nhìn ra cửa sổ, thấy trên tán cây xanh, là một bầu trời rất xanh, nắng vàng và đâu đó văng vẳng tiếng chim non. Ông nghĩ đến thời sinh viên sôi nổi của mình. Nghĩ đến những chàng trai, cô gái với những tấm áo bạc màu vì nắng nông trường, ông lấy bút ra viết: “Có chú chim non nho nhỏ. Cất tiếng líu lo như muốn ngỏ...”. Đó là những lời đầu trong ca khúc “Ơi cuộc sống mến thương”.
Một năm sau khi ra đời, nó được chọn làm chủ đề chính của Liên hoan ca khúc Chính trị của Lực lượng TNXP TP HCM. Khi cô TNXP giới thiệu chương trình: “Mong các bạn hãy luôn sống và làm việc như bao thế hệ TNXP” thì toàn sân khấu rộn lên những ca từ, giai điệu bài hát này của những người TNXP.
(Nguồn: http://dantri.com.vn)