Nhà cải tiến Tạ Thâm: Tài năng, sự cương trực và cái giá phải trả
Nói đến Tạ Thâm, có lẽ trong giới âm nhạc không ai không biết bởi ông đã cải tiến được 44 loại nhạc cụ cổ truyền trong gần 40 năm lao động cần cù. Những nhạc cụ này được người sử dụng rất ưa chuộng vì đã tạo thêm "đất" để họ thỏa sức sáng tạo khi biểu diễn.
Năm 1987, tại cuộc thi "Những công trình cải tiến đàn dân tộc" do Bộ Văn hóa - Thông tin khi ấy tổ chức, Tạ Thâm tham gia 5 công trình thì tất cả đều đoạt giải cao với 3 giải A, 2 giải B trong tổng số 10 giải thưởng của cả cuộc thi. Kết quả rực rỡ này đã không phụ tấm lòng và công sức của nhà cải tiến nhạc cụ tài năng đã vượt qua gần như cả một đời thầm lặng, đơn độc trong cơ cực, cay đắng để lao động sáng tạo không biết mệt mỏi.
Thành quả cải tiến nhạc cụ dân tộc gắn với tên tuổi Tạ Thâm thì nhiều người đã rõ. Nhưng cuộc đời đầy sóng gió, bi kịch của ông thì không mấy người biết.
Tài năng, sự cương trực và cái giá phải trả
Tạ Thâm sinh năm 1929, quê gốc Thái Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia vào đội Thanh niên xung phong mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại (1954), do có năng khiếu âm nhạc và chơi được một số nhạc cụ phổ thông, ông được điều về Đoàn Văn công Thanh niên xung phong. Ít lâu sau, được đi học bổ túc âm nhạc ở trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bây giờ).
Ở trường này, Tạ Thâm học thêm nhị và vi-ô-lông. Thấy Thái Thị Liên đánh pi-a-nô, chơi các bản nhạc đặc sắc của thế giới với kỹ thuật diễn tấu rất phong phú, trong khi nghệ sỹ Việt Nam kéo nhị quanh đi quẩn lại chỉ "con cò bay lả bay la…" với mấy nốt quá đơn giản, ông thấy tủi và nghĩ: Sở dĩ hai đàn pi-a-nô và vi-ô-lông hoàn chỉnh được như ngày nay cũng phải trải qua một quá trình cải tiến của người nước ngoài. Vậy không lẽ nhạc cụ dân tộc của Việt Nam chỉ nghèo nàn vậy sao?
Người ta cải tiến được, tại sao mình không? Ý nghĩ ấy cứ thôi thúc Tạ Thâm suốt chặng đường ông trở về Tây Bắc. Chàng trai trẻ Thái Bình vừa được trang bị kiến thức âm nhạc tại một trường chính quy, đang phơi phới lạc quan lại bắt gặp trên đường những cô gái Cống Khao xinh đẹp vừa đi vừa đánh đàn Hưn Mạy bên các chàng trai H'Mông thổi khèn thật dìu dặt, lãng mạn đã thôi thúc chàng tìm đến nhiều nhạc cụ khác của các dân tộc thiểu số như tính tẩu, pí poặt, pí đôi, tăng bẳng, tăng bu, khau cút…
Nhà cải tiến Tạ Thâm.
Năm 1957, Tạ Thâm chính thức đề đạt lên Bộ Văn hóa ý định cải tiến 54 nhạc cụ dân tộc. Một chàng trai mới 28 tuổi, lại chưa ai biết đến mà dám đề nghị lên Trung ương đòi cải tiến những 54 nhạc cụ dân tộc. Ai cũng cười nhạo báng, cho rằng anh chàng này "hâm". Vì vậy nên ông phải tiến hành công việc một cách giấu giếm chẳng khác gì làm việc gian dối, phi pháp.
Năm 1959, Tạ Thâm trở về Trường Âm nhạc học sáng tác trung cấp khóa 4 năm (chưa có đại học). Học xong, ông được điều về làm việc ở Đoàn Văn công khu tự trị Tây Bắc. Tuy đi học nhưng ông vẫn không sao nhãng việc cải tiến nhạc cụ dân tộc. Vừa được trang bị thêm nhiều kiến thức âm nhạc quý báu, vừa thấy nước bạn cũng chẳng có gì ghê gớm về cải tiến nhạc cụ sau khi được sang Trung Quốc, nghe các nghệ sỹ nước này đánh đàn dân tộc của họ đã được cải tiến, ông càng thêm thôi thúc, quyết tâm tiếp tục thực hiện việc đang theo đuổi. Đúng lúc này, ông được điều sang phụ trách Khoa Âm nhạc ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc mới thành lập và làm việc tại đây cho tới lúc nghỉ hưu.
Tạ Thâm hy vọng giảng dạy ở trường sẽ cho mình nhiều điều kiện để thực hiện hoài bão. Nhưng việc cải tiến nhạc cụ cần nhiều tiền để mua nguyên vật liệu, thuê thợ mộc. Ông không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào. Gia cảnh lại quá nghèo, tưởng như không thể vượt qua. Nhưng Tạ Thâm không nhụt chí. Ông bán hết mọi thứ trong nhà có thể bán, đi mót lúa, làm bất cứ việc gì có người thuê mướn và ra sông Đà bắt cá bán lấy tiền. Mấy lần suýt bị chết đuối.
Vốn bản tính ngay thẳng, ăn to nói lớn, lại không được khéo léo trong cách ứng xử, Tạ Thâm chẳng những không được người hiệu trưởng ủng hộ mà còn gây khó dễ, cản trở công việc. Người này đã gọi ông là "cu-lắc" và cho rằng ông chỉ thích làm giàu cá nhân. Ông ta còn gạch tên Tạ Thâm khỏi danh sách đối tượng kết nạp Đảng. Quan hệ giữa ông và "sếp" mỗi ngày một xấu thêm. Cứ khi ông không đến trường là lập tức bị cắt lương. Vợ ông lúc đó làm thủ quỹ của trường, là người hiền hậu, đối tượng kết nạp Đảng nhưng cũng bị người hiệu trưởng nói thẳng: "Chị có người chồng bất trị như anh Thâm thì có vào rồi cũng sẽ ra thôi nên chúng tôi không thể kết nạp chị được".
Gia cảnh Tạ Thâm càng lúc càng gieo neo. Ông bán hết mọi thứ trong nhà. Có đồng tiền nào dồn hết vào việc cải tiến nhạc cụ. Người vợ hiền thục, tảo tần rất thương chồng nhưng dĩ nhiên là không thể hiểu hết được lý tưởng chồng mình đang theo đuổi, chỉ thấy cảnh nhà quá bi đát, túng thiếu nên tuy không đòi ly dị nhưng đã quyết định đưa con về quê sống với lời nói quá tội nghiệp: "Tôi về quê sống những ngày cuối cùng để khi chết thì chết ở quê hương bản quán, vì sống thế này thì không thể kéo dài được lâu". Tạ Thâm ráng nuốt nước mắt, chịu đựng. Nhưng ông nghĩ chừng nào còn sống, còn thực hiện bằng được ý định, không thể vì bất cứ lý do nào mà bỏ cuộc.
Là người có tính khí ngay thẳng, cứ thấy điều gì không phải là nói "toạc móng heo" nên quan hệ giữa Tạ Thâm và người hiệu trưởng ngày càng căng thẳng. Ở trường, cứ có ai uất ức điều gì là lại tìm đến ông và ông không nề hà gì để bênh vực họ khiến người hiệu trưởng rất tức tối dẫn đến một hành vi quá khích mà suốt đời Tạ Thâm không thể quên.
Đó là sáng mùng 1 Tết năm 1973, tự nhiên hiệu trưởng cho đứa con gái sang chúc Tết ông và hẹn buổi chiều ông sang chúc Tết lại ông ta. Nhưng Tạ Thâm linh cảm thấy có chuyện bất thường nên đã "cảnh giác", không sang. Thế là đến 22 h hôm đó, ông ta đến nhà Tạ Thâm. Vừa ngồi xuống ghế đã nói với chủ nhà bằng giọng rất hằn học: "Tôi đã chủ động cho con tôi sang chúc Tết ông, hẹn chiều ông sang tôi. Nhưng ông đi qua mà không thèm vào. Ông khinh tôi quá đấy - Rồi hất hàm hỏi - Thế nào? Hồi này ông còn cải tiến nhạc cụ nữa hay thôi?". Thay vì trả lời, chủ nhà chỉ tay lên bàn thờ có treo dòng chữ: "Tất cả vì nền nhạc cụ truyền thống Việt Nam" và ở dưới là khẩu hiệu: "Bảo thủ là kẻ thù của khoa học".
Người hiệu trưởng tái mặt, bỗng rút từ trong túi ra khẩu súng lục đen ngòm chĩa thẳng vào mặt Tạ Thâm, dõng dạc tuyên bố: "Tôi đến đây có nhiệm vụ: Một là bắn ông. Hai là để ông bắn tôi".
Với mối quan hệ rất xấu giữa hai người lúc đó và thái độ của vị khách không mời, Tạ Thâm nghĩ mình hoàn toàn có thể bị cảnh cáo nên đã nhanh trí tìm cách cướp được khẩu súng từ tay đối thủ. Sau đó, ông nộp cho Bí thư Đảng ủy nhà trường. Một viên đạn đã được lên nòng, nghĩa là đối tượng không chỉ dọa. Sau đó vì Tạ Thâm không đề nghị truy tố hình sự nên người hiệu trưởng kia chỉ bị Bộ Văn hóa kỷ luật cảnh cáo.
Nhà báo bị đe dọa
Những năm 1987-1988, tôi làm việc ở Báo Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin). Được tiếp xúc với Tạ Thâm và chứng kiến ông lên nhận 5 giải thưởng tại cuộc thi cải tiến nhạc cụ (như đã nói), tôi có ý muốn tìm hiểu con người độc đáo này (từ vẻ bề ngoài lập dị đến tài năng cải tiến nhạc cụ và cả diễn tấu của ông). Đúng lúc này, báo tôi nhận được nhiều đơn thư của quần chúng ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc - nơi Tạ Thâm công tác - tố cáo những bê bối, tiêu cực của lãnh đạo trường này.
Đồng chí Tổng Biên tập đã giao cho tôi lên trường tìm hiểu sự thật để viết bài phản ánh rõ thực, hư. Tôi hăm hở bắt tay ngay vào công việc. Trường đóng ở Chăm Mát, cách thị xã Hòa Bình mấy kilomet về phía Tây Bắc. Lúc này người hiệu trưởng cũ đã được thay thế bằng hiệu trưởng mới nhưng quần chúng ở đây cho rằng còn tệ hơn cả người tiền nhiệm. Tôi quyết định không đến ăn ở nhà khách của trường theo lời mời của hiệu trưởng mà tự lo việc này để bảo đảm tính khách quan trong việc nhìn nhận vấn đề và viết bài.
Ngay từ đầu, việc này đã khiến lãnh đạo nhà trường phải "cảnh giác" với tôi. Thế là sau đó, tôi nhận được rất nhiều lời mua chuộc, phỉnh nịnh rồi gợi ý nhiều quyền lợi mà bất cứ ai đi công tác cũng dễ thích thú. Tôi đề nghị vị hiệu trưởng cứ để tôi chủ động tìm hiểu qua nhiều nguồn (quần chúng, các tổ chức đoàn thể, nhân dân nơi trường đóng). Khi cần tôi sẽ xin làm việc với lãnh đạo.
Mua chuộc tôi không được, họ phát ngán. Rồi tôi bị một nhóm thanh niên bặm trợn đón đường, nói thẳng: "Nếu anh biết điều, nhà trường sẽ không để anh thiệt và sẽ có xe đưa anh về Hà Nội. Bằng không, anh sẽ khó có đường về…". Vì quá đột ngột nên tôi không chuẩn bị máy ghi âm nên không thể có bằng chứng. Chỉ còn cách là tạm thời như là chấp nhận lời đề nghị của họ để thoát hiểm. Ngay tối hôm đó, tôi nhờ một người quen nơi tôi tá túc đến báo với Công an Hòa Bình sự việc bị đe dọa. Những buổi làm việc sau đó, tôi nói với người hiệu trưởng rằng tài liệu thu thập được thì nhiều. Tuy nhiên, không phải tất cả sẽ đưa lên báo mà có chọn lọc để có cách giải quyết tốt nhất. Tôi cứ nói chung chung như vậy cốt cho xong việc ở trường để về Hà Nội được an toàn.
Sau đó, tôi viết bài "Bất công, ngang trái một tiếng đàn" đăng 2 số báo liên tiếp, được đồng chí Tổng Biên tập và Bộ Văn hóa khen ngợi về chất lượng bài báo, biểu dương về tinh thần khôn khéo, không mắc mưu đối tượng khi viết bài đấu tranh chống tiêu cực.
Sau đó, nhân vật hiệu trưởng mới này lại bị "đổ". Còn nhà cải tiến nhạc cụ Tạ Thâm thì sống đến năm 1997, để lại một khối lượng đáng kể nhạc cụ dân tộc được cải tiến, đến hôm nay vẫn phát huy tác dụng trên khắp các sân khấu biếu diễn ở mọi nơi.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)