Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Âm nhạc đỉnh cao: Cần hội tụ được một số yếu tố

04/07/2016

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thực tế mà nói, trong một nền âm nhạc, hay nói rộng ra là một nền nghệ thuật, bao giờ cũng có một mô hình là hình nón với những phần là đại chúng, bề rộng, và những phần thuộc đỉnh cao.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng nhạc trưởng Nhật bản, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
tại buổi công diễn "Lá Đỏ"


Nhà văn Phạm Việt Long: Chúng ta đang trăn trở về tác phẩm đỉnh cao. Vậy nhạc sĩ cho biết quan niệm
của ông về Âm nhạc đỉnh cao, và vấn đề Âm nhạc đỉnh cao ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đỉnh cao cần hội tụ được mấy yếu tố: nghề nghiệp – chuyên môn, kinh nghiệm… Đỉnh cao còn được thể hiện bằng tác phẩm, không phải là một lúc mà tạo được đỉnh cao, mà phải qua nhiều bậc thang, nói đúng hơn là phải có truyền thống. Phải tiếp nối được truyền thống, học tập, tiếp thu từ những đỉnh cao đã có từ quá khứ. Từ đó phát triển, sáng tạo, xây dựng đỉnh cao mới. Còn về đỉnh cao cụ thể về mặt tác phẩm ở nước ta, các nhạc sĩ tiền bối đã đặt được những đỉnh cao trên nhiều mặt, trong đó có ca khúc, tất nhiên không phải đo bằng chiều cao, mà cốt lõi là những giá trị về nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, đóng đinh vào từng thời điểm một, như Du kích sông Thao, Tiến về Hà Nội, Người Hà Nội, Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác… Trong thời kì chống Mĩ cứu nước, có rất nhiều bài hát về Trường Sơn, về công cuộc giải phóng miền Nam… được gọi là tác phẩm để đời, tác phẩm đi cùng năm tháng…

Riêng về lĩnh vực khí nhạc, khó hơn một chút, ít có điều kiện quảng bá, số lượng tác phẩm không nhiều, chúng ta còn thiếu những điều kiện để trình diễn, phổ biến, quảng bá giúp công chúng thưởng thức, ngấm dần các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ khác nhau, để họ tự nhận ra những thể loại, những tác phẩm, những phong cách mà họ ưa thích, nhưng anh em cũng phấn đấu để xây dựng một nền khí nhạc chuyên nghiệp, hướng tới đỉnh cao bằng cách tiếp thu tinh hoa âm nhạc nước ngoài, đồng thời vận dụng nguồn vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc, rồi cũng phải học tập những thế hệ đi trước xem họ đã xây dựng tác phẩm khí nhạc như thế nào, từ Hoàng Việt, Hoàng Vân, đến Chu Minh, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh… Con đường đi lên đỉnh cao âm nhạc là con đường không mệt mỏi và cũng là cái hướng đúng, luôn luôn phải phấn đấu để có những tác phẩm chuyên nghiệp; từ những tác phẩm chuyên nghiệp đó hội tụ những yếu tố như đã nói để đến lúc nào đó nó đọng lại, được công nhận.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...