Thanh tùng – ông hoàng tình ca thời đổi mới

26/04/2016

Nhìn vào hiện trạng dư thừa, lạm phát nhạc tình trong đời sống ca nhạc có thể khiến nhiều người ngán ngẩm, quên đi cơn khát của nó kéo dài suốt nửa thế kỷ ở miền Bắc và tiếp tục ở miền Nam sau năm 1975. Trên thực tế, tình ca đã bị đứt gãy một khoảng thời gian khá dài đủ để đi từ tình trạng bất cập sang thái quá như hiện nay. Ca khúc Việt Nam nói chung từng bị trói chặt vào hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng và bảo vệ tổ quốc” trong suốt thời gian miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam sau ngày giải phóng. Tình trạng đơn điệu, tẻ nhạt đã đẩy sân khấu ca nhạc vào cuộc khủng hoảng kéo dài đến đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Đời sống âm nhạc vận hành theo tư duy bao cấp, những sáng tác ăn theo hoạt động sản xuất, phản ánh đời sống theo kiểu phóng sự hoàn toàn quay lưng, thờ hơ trước thị hiếu, nhu cầu đại chúng. Trôi nổi trên thị trường băng đĩa chủ yếu tập tập trung ở mảng ca khúc sản xuất tại hải ngoại. Đến năm 1987, Trần Tiến là nhạc sĩ đầu tiên giải phóng tư tưởng sáng tạo bằng loạt ca khúc nhạc Rock mang tên “Đối thoại 87”. Chương trình này thực sự đã tạo nên bước ngoặt trong lĩnh vực ca khúc, một cú hích mang tính đột phá trong hoạt động văn nghệ. Nó vẫn còn để lại dư âm trong lịch sử bằng tinh thần dấn thân cao độ của người sáng tạo. Tất nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật, khó thể nói ai đã “hích” ai. Nhưng, đứng trước nhu cầu đổi mới, “Đối thoại 87” đã tạo nên một luồng sinh khí thổi vào đời sống văn hóa, văn nghệ. Đương thời,hành động này xuất phát từ nhu cầu nội tại, một sức mạnh bứt phá mạnh mẽ, chứ không phải chạy theo cái mới. Vì, nếu không đổi mới, cả nền âm nhạc đại chúng Việt Nam càng đi sâu vào bế tắc.

Năm 1986 là thời điểm đất nước chuyển từ tình trạng cách ly sang xu hướng lựa chọn. Trong lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện những cuộc thử nghiệm mang tính chất “vượt rào”. Trên sân khấu, kịch nói của Lưu Quang Vũ “làm mưa làm gió”suốt từ Bắc vào Nam, tiểu thuyết Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp… tất cả tạo nên bầu không khí mới mẻ trong xã hội. Tình trạng lạm phát “nhạc vàng” bắt đầu giảm dần, ca khúc chính trị, ca khúc “phóng sự” đi đến hồi thoái trào, thay vào đó là những bản tình ca nhẹ nhàng, trong sáng, mang tính chất tự tình ra đời, như “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Cám ơn mùa thu”, “Ngôi sao cô đơn”, “Hoa tím ngoài sân”, “Giọt nắng bên thềm”…. Hàng loạt bản tình ca phóng khoáng, đậm chất Pop của nhạc sĩ Thanh Tùng xuất hiện đúng vào giai đoạn nguồn cơn khát khao thay đổi đang bùng lên. Giữa thời buổi thiếu thốn đủ bề, từ vật chất đến tinh thần, tình ca Thanh Tùng đã cung cấp cho thính giả một “thực đơn” mới nhằm phục hồi tình trạng mệt mỏi về thẩm mỹ. Ngôn ngữ âm nhạc của Thanh Tùng mới từ lời ca đến giai điệu.

Xét về lời ca, chúng hoàn toàn thoát khỏi khuynh hướng “Hiện thực xã hội chủ nghĩa”, cũng như dư âm của Chủ nghĩa lãng mạn mà vươn tới một “Hiện thực huyền ảo”. Bởi vậy, ở nhiều ca khúc, Thanh Tùng rất khéo “dựng chuyện”: từ “Chuyện tình của biển” được dựng lên trên biển - trời một huyền thoại về tình yêu cho đến “Ngôi sao cô đơn”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Hoa tím ngoài sân” và đặc biệt là “Giọt nắng bên thềm”. Ở “Giọt nắng bên thềm”, Thanh Tùng khéo đưa người nghe lạc vào một thế giới đầy biến ảo: “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm…” hay “Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi”... Trật tự trong nhân sinh quan, thế giới quan của Thanh Tùng nằm trong sự biến ảo, một vẻ đẹp vĩnh cửu hình thành bởi sự xê dịch, xáo trộn. Qua tác phẩm, ta thấy sự vật, sự kiện sắp xếp cạnh nhau một cách vô tình, nhưng hữu ý để chúng tự nói lên chủ ý, lồng ghép thâm ý và đi sâu vào chiều suy tưởng. Bởi vậy, tình ca Thanh Tùng vừa gần gũi đại chúng, vừa đứng riêng như một “Ngôi sao cô đơn”. Tiêu đề ca khúc cũng là một điếm nhấn cho thấy tác giả đã sử dụng ngôn từ một cách hữu hiệu nhằm phác họa không gian, bối cảnh cho ngôn ngữ tình cảm là âm nhạc cất tiếng, như: “Lối cũ ta về”, “Hoa tím ngoài sân”, “Giọt nắng bên thềm”, “Ngôi sao cô đơn”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Trái tim không ngủ yên”, “Chuyện tình của biển”, “Giã biệt mùa hè”, “Cám ơn mùa thu”… Đa số tiêu đề đều có kết cấu bốn chữ giống như thành ngữ, giàu hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu...

Trong âm nhạc, Thanh Tùng rất chuộng điệu tính trưởng. Hầu hết ca khúc của ông đều viết ở giọng trưởng. Nếu miễn cưỡng ví hai điệu tính trưởng - thứ như giới tính con người, thì tình ca Thanh Tùng thể hiện khá rõ chất “đàn ông” - một mẫu người lịch lãm, hào hoa, phong lưu… giàu tình cảm, nhưng mạnh mẽ, không lụy tình, thậm chí có khí phách “bất cần đời”, như trường hợp “Giọt nắng bên thềm” chẳng hạn: “Lâu lắm rồi em không đến chơi. Cây sen đá lá bạc như vôi. Sỏi đá rêu phong, sỏi đá không quên chân người. Bài hát rêu phong, bài hát viết không nên lời đã vội lãng quên…”

Nhiều sáng tác của Thanh Tùng được viết ở hình thức hai đoạn, đoạn đầu mang tính chất tình tự, thủ thỉ, nhỏ to, kể lể, tâm tình, nhịp điệu tự do, co giãn, ẩn chứa nhiều không gian khai phá, sáng tạo. Trong cách xử lý câu, Thanh Tùng quan tâm đến tiểu tiết, phá vỡ câu dài thành từng tiết ngắn, như những mệnh đề mang tính chất tự sự, như: “Em đâu có biết - lúc mặt trời sinh ra - mặt trời là nước mắt - suốt cuộc đời mẹ cha…” hay “Mùa xuân đến – đạp xe trên phố - tóc xõa vai mềm…”, “Hoa vẫn hồng trước sân nhà – chim vẫn hót sau vườn nhà tôi - giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm”… Cách thức thể hiện tưởng chừng như rời rạc, vụn vặt, câu chữ bị chẻ nhỏ thành từng tiết, nhưng tác giả đã khéo móc nối thành chuỗi ở đoạn điệp khúc. Và có thể nói, tất cả nội lực, tác giả tập trung vào điệp khúc. Cảm xúc được dồn nèn, gia tăng liên tục tại đây để đẩy lên thành kịch tính. Cao trào thường đan xen những nét giai điệu có tính chất hát nói nhờ sử dụng nhiều ca từ neo đậu trên cùng một cao độ,như: “Dù gió - có – trút - lá - úa - xuống vườn chiều. Bước chân – ai - đem - lang - thang về cô liêu” hoặc “mùa xuân lại đến - với - những - tiếng - hát - bát - ngát”, “em – ơi – nghe – chăng – tình – yêu”… Cách làm này đem đến cho giai điệu khả năng độc lập cao nhờ tách khỏi sự lệ thuộc vào thanh điệu ngôn ngữ, đồng thời lời ca lại được lựa chọn những từ có cùng dấu thanh điệu để vỏ âm thanh và ruột ngữ nghĩa không bị méo mó, biến dạng.

Trong ca khúc, Thanh Tùng là một trong những nhạc sĩ sử dụng khá nhiều thủ pháp trang sức. Xét về phương diện này, ông áp dụng rất thành công. Thanh Tùng biết cách “làm đỏm” nhờ cho vào tác phẩm một lượng vừa phải chất “mỹ phẩm” giúp cho tình khúc của mình mang hơi thở thời đại, đồng thời không bị rơi vào “điệu đà”, trang sức diêm dúa, lòe loẹt… Những câu: “con đường xưa chưa quen bàn chân. Bàn chân ai lãng quên con đường nhỏ” được trang sức ở cuối đã làm mềm câu nhạc và được người nghe nhạc đón nhận như một cách làm mới, thể hiện phong cách nhạc nhẹ, hợp thời. Và đương nhiên, lúc bấy giờ, tác giả chủ động đưa thủ pháp trang sức vào tác phẩm với một “nồng độ” cho phép, có chủ ý, chứ không giống như sau này, khuynh hướng ấy đã bị lạm dụng, sử dụng một cách tùy tiện, tràn lan, phản tác dụng. Rất nhiều ca khúc của ông kết thúc ở giai đoạn cao trào chưa kịp hạ nhiệt, giai điệu đang còn chất chứa nhiều năng lượng chờ khai phóng, nhờ vậy hiệu quả âm thanh được gia tăng kịch tính, cảm giác rực lửa, đam mê, chất ngất...

Như trên đã nói, điệp khúc là thế mạnh trong tình ca Thanh Tùng, có những bài, câu nhạc liên tục được đẩy lên cao trào tạo kịch tính rồi mới giải quyết về chủ âm, như: “Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên. Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên”, rồi tác giả chẻ vụn câu hát thành từng tiết nhỏ, đưa đẩy xúc cảm lên cao bằng hàng loạt “mệnh đề”: như “Trả lại cho tôi - trả lại cho em - trả về hư không - giọt nắng bên thềm”.

“Giọt nắng bên thềm” như một “công án” chứa đựng nhiều bí ẩn khiến cho người nghe lạc vào thế giới hình sắc biến ảo để chơi trò “ú tim”. Tác giả sắp xếp tình tiết một cách khéo léo nhằm chuyển đi bức thông điệp về quy luật hợp tan muôn đời. Thanh Tùng đã thể hiện tình yêu qua những cung bậc tình cảm luôn biến đổi nhằm vươn tới vẻ đẹp mong manh, hư vô, muôn đời trong vũ trũ. Đương thời, rất nhiều ca sĩ thử thách với “Giọt nắng bên thềm” và ai cũng có thể tìm thấy ở đó không gian tự do sáng tạo.

Đến cuối thập niên 90, thế kỷ XX, nhạc Việt (nội địa) đã giành được khán, thính giả cho mình. Điều đó còn được đánh dấu bởi sự ra đời của Chương trình bình chọn ca khúc Làn sóng xanh phát trên Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Và trong xu hướng “lên ngôi” của nhạc Việt, có thể nói Thanh Tùng đã mở màn bằng những bản tình ca nhẹ nhàng, tình tứ. Ca khúc Thanh Tùng từng àm khuynh đảo trên sân khấu ca nhạc nhẹ. Trong khoảng thời gian 10 năm, âm nhạc của Thanh Tùng đi từ tính chất nhẹ nhàng, mênh mang, như: “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Cám ơn mùa thu” đến chiêm nghiệm, suy tưởng, như: “Hoa tím ngoài sân”, “Giọi nắng bên thềm”, “Em và tôi”, “Hoa cúc vàng”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Mưa ngâu”, “Phố biển”, “Một thoáng quê hương” (viết chung với Từ Huy) và vinh quang cuối cùng với những tác phẩm, như: “Giã biệt mùa hè”, “Lối cũ ta về”, “Trái tim không ngủ yên”, đặc biệt, có lẽ xứng đáng liệt vào hàng tuyệt phẩm trong sự nghiệp sáng tác của ông, đó là ca khúc “Một mình”.

Khác với lối viết “kiểu cách”, đan xen thủ pháp hoa mỹ, ở ca khúc “Một mình”, mỗi ca từ ứng với một cao độ, trơ trọi, lẻ loi. Cấu trúc câu nhạc khá cân phương, đoạn đầu mang dáng dấp của một đoạn Dẫn (Intro), giai điệu vây quanh nhiều âm không ông định, đến cuối mới về được chủ âm! Lời ca tập trung nhiều “câu hỏi”: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên? Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên?...”, chuyển tải trên nét giai điệu mang tính chất tự sự, nhịp điệu tự do, xuất hiện nhiều dấu “mắt ngỗng”... Đến đoạn điệp khúc, giai điệu mới bắt đầu đi vào ổn định với lời ca thiên về hoài niệm, cấu trúc âm nhạc tạo bởi một âm hình lặp đi lặp lại đều đều, nhịp điệu chậm rãi như “Kinh cầu trong mưa”:

Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai
Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng bóng em gầy…

Xét về bối cảnh, động cơ sáng tác, ca khúc này không khỏi khiến chúng ta ngạc nhiên. Đây là một trường hợp đặc biệt, một tác phẩm của người chồng viết cho vợ. Viết về người tình thì nhiều vô kể, nhưng viết cho vợ, có lẽ vẫn đếm trên đầu ngón tay!

Như trên đã đế cập, đa số tình ca của Thanh Tùng đều viết ở giọng trưởng, ca khúc “Một mình” lại viết ở giọng thứ, một điệu buồn trong gia tài âm nhạc của ông. Nó báo hiệu những thay đổi trong cuộc đời con người,“khép lại” chuỗi ngày tháng chói chang để bước vào buổi hoàng hôn..

Đối với một nhạc sĩ, được làm và làm được những gì mình theo đuổi đã là thành công, huống hồ Thanh Tùng đã ghi dấu vào lịch sử như một cột mốc. Cột mốc ấy đóng vai trò chuyển hướng trong nền âm nhạc đại chúng. Sau 30 năm Đổi mới nhìn lại chặng đường đã đi qua, tên tuổi Thanh Tùng nổi lên như một nhạc sĩ mở ra thời kỳ mới. Thanh Tùng từng tâm sự, lúc bấy giờ: “nói yêu em là điều khó khăn”.Vậy mà ông đã nói được, làm được, một cách nhẹ nhàng, dịu êm như gió. Nhiều ca sĩ nổi danh nhờ tình ca Thanh Tùng. Thời kỳ đó, tác phẩm vẫn đóng ở vị trí trung tâm đời sống âm nhạc. Giống như trên sân khấu kịch nói, nhiều diễn viên nổi tiếng nhờ Lưu Quang Vũ. Sau này, quy luật trên đã bị đảo chiều, nhạc sĩ ngày càng phụ thuộc vào ca sĩ, nhà viết kịch phụ thuộc vào diễn viên và hệ quả của nó để lại trên chính tình trạng sa sút của đời sống văn hóa, văn nghệ hôm nay.

“Trái tim không ngủ yên” giờ đã ngủ yên. Chẳng gì còn có thể đánh thức được “trái tim” ấy nữa, chỉ chúng ta mới biết thức tỉnh để nhớ về một thời có biết bao trái tim từng xao xuyến, thổn thức trước giai điệu ngọt ngào trong những bản tình ca Thanh Tùng.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...