Với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn những ngày đông lạnh

06/01/2016

Một buổi chiều đông cuối năm 2015 trời se lạnh, Tạp chí âm nhạc đã có buổi tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, rất ưu ái, cởi mở ông đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện thoải mái, ấm áp và chân thành.


(Ảnh: Internet)

PV: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, xin nhạc sĩ cho biết ông bắt đầu sáng tác âm nhạc vào thời gian nào và tác phẩm đầu tiên của ông ?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: Năm 1944 khi 15 tuổi tôi theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở Hà nội và 1946 lên đường đi kháng chiến. Sự chuyển hướng sang lĩnh vực âm nhạc của tôi cũng bắt đầu từ đó. Ca khúc đầu tiên tôi viết từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám mang tên “Ca ngợi cuộc sống mới” và “Bé nhè” viết cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ có nhận xét như thế nào về những tác phẩm âm nhạc của thời kỳ kháng chiến với những tác phẩm âm nhạc sau này ?

Những sáng tác ngày xưa chúng tôi thường tự mình hát và đưa ca khúc cho các đoàn thanh niên, thiếu niên giúp họ tập, rồi tự viết ra những tờ rơi in trên giấy để tuyên truyền.

Các nhạc sĩ ngày ấy sáng tác xong tự mang những đứa con tinh thần của mình ra Sở văn hóa Hà Nội duyệt rồi in lên giấy, những bài hát Cách mạng ngày ấy sôi nổi và sống mãi tới ngày nay. Tôi còn nhớ rất rõ đội ngũ nhạc sĩ khi đó lớn mạnh và sức sáng tác dồi dào thế nào, ai cũng gắn bó không điều kiện với công việc, sự nghiệp của mình, thời kỳ ấy qua đi rất nhanh nghĩ lại thấy nhớ và thương quý lắm anh em nhạc sĩ, những đồng đội tài giỏi một thời của tôi, giờ đây phần lớn họ đã mất cả rồi...

Những năm 1953-1954 khi tiếp quản Thủ đô chúng ta có một nền nghệ thuật âm nhạc rất vững chắc, chúng tôi sáng tác bằng tất cả tình cảm, tâm huyết của mình, phục vụ đất nước không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi gì, mặc dù cuộc sống của các nhạc sĩ người nào cũng hết sức khó khăn.

Nhạc sĩ có thể cho biết một kỷ niệm trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông.

Có một lần vào năm 1960, tôi lập bản danh sách nhuận bút cho các tác giả Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Doãn Nho và Nguyễn Đức Toàn đưa lên Cục tuyên huấn, ông Hoàng Minh Thi - Cục trưởng lúc bấy giờ đã trao đổi cùng nhà thơ Tố Hữu rồi ghi xét duyệt vào bản nhuận bút là : “Chống Mỹ cứu nước”(Hoàng Minh Thi), nghĩa là đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tất cả anh em nhạc sĩ chúng tôi đều rất vui vẻ tuân thủ với quyết định trên…

Trong thời kỳ kháng chiến giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc, người nào không có lòng dũng cảm khó có thể dám xông pha vào những trận địa khốc liệt để làm nên những chiến công, kể cả những chiến sĩ trong mặt trận văn hóa văn nghệ nếu không xung phong vào trận mạc, thậm chí chịu tù đày, hy sinh, họ khó có thể có những tác phẩm bất hủ sống mãi tới ngày nay…

Những sáng tác sau này có nhiều ưu ái, nhiều cơ hội hơn theo trào lưu phát triển kinh tế xã hội khi đất nước đã được giải phóng, nhưng đa số tác phẩm mang âm điệu ủ ê không có khí phách như xưa, khó có sức sống lâu bền, nó sẽ trôi tuột đi và không để lại được ấn tượng cho người nghe. Đây cũng là một thách thức cho các nhà chuyên môn và các nhạc sĩ của chúng ta trong thời kỳ đổi mới.

Ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu là tác phẩm rất nổi tiếng của ông viết về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu ra đời đã gần 60 năm nhưng nhiều thế hệ đều thuộc những câu hát yêu thương ca ngợi hình ảnh bất tử của chị Võ Thị Sáu, chắc chắn nhạc sĩ còn nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi sáng tác ca khúc này, xin nhạc sĩ chia sẻ những tình cảm của ấy với đọc giả về tác phẩm đó.

Những hình ảnh thiêng liêng, trong sáng, ý chí kiên cường bất khuất của chị Võ Thị Sáu đã in sâu vào tâm hồn, trái tim tôi và năm 1958 những câu hát đầu tiên Mùa hoa lê ki ma nở ở quê em miền Đất đỏ... một chuỗi âm thanh với lời ca không ngừng tuôn trào và tác phẩm ra đời trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ. Từ khi tôi viết xong ca khúc đó, chị Võ Thị Sáu người con gái huyền diệu, linh thiêng như che chở cho tôi vào sinh ra tử, bao lần đối diện với hiểm nguy nhưng đều vượt qua và trở về lành lặn cho đến ngày nay...

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, kính chúc nhạc sĩ luôn mạnh khỏe, trong sáng và xanh mãi như tâm hồn nghệ thuật và âm nhạc của ông.

_________________

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam - bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ thời niên thiếu. Ông đã viết: Quê em miền Trung du(1948), Tình vệ quốc(1949), Lúa mới, Chiều hậu phương (1953), Mời anh đến thăm quê tôi, Đào công sự, Bài ca người lái xe, Khâu áo gửi người chiến sĩ...

Nhiều ca khúc ngợi ca các chiến sĩ anh hùng Cách mạng như: Noi gương Lý Tự Trọng, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thươngBiết ơn chị Võ Thị Sáu...

Bên cạnh đó còn có những ca khúc trữ tình rất nổi tiếng như: Chiều trên Bến Cảng, Tình em biển cả, Mùa xuân đất nước và nhất là Hà Nội, trái tim hồng...; nhiều tác phẩm giao hưởng, khí nhạc, nhạc cho phim và kịch nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 2 năm 2000 cùng nhiều huân chương, huy chương.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...