Thương nhớ NSƯT Hoàng Mãnh
Góp phần tạo nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại cùng với các chiến sĩ trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận còn có công lao của các chiến sĩ – nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ piano Hoàng Mãnh. Ông vừa ra đi ở tuổi 83, để lại niềm thương nhớ sâu sắc cho gia đình và các đồng nghiệp.
Nhạc sĩ Hoàng Mãnh trong thời gian biểu diễn ở Hungary
Hoạt động nghệ thuật từ năm 15 tuổi, ông đã có một cuộc đời luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từng được trao tặng nhiều giải thưởng văn nghệ và danh hiệu cao quí, nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với Hoàng Mãnh là tình yêu và lòng mến mộ của đồng bào trong cả nước.
Hoàng Mãnh tên thật là Võ Đức Quý, sinh năm 1933 tại Sài Gòn trong một gia đình âm nhạc. Bố là Võ Đức Thu, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Ông cũng là Hội viên Hội nhạc sĩ, là tác giả của nhiều ca khúc và bản nhạc thính phòng nổi tiếng. Ngay từ nhỏ, cậu bé Quý đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc đặc biệt và được cha mẹ tạo điều kiện học tập. Chính cha ông là người thầy đầu tiên dẫn dắt ông vào con đường nghệ thuật. Vô cùng đau lòng trước cảnh quê hương chìm trong nước sôi lửa bỏng, trước cảnh thực dân ra tay đàn áp dã man đồng bào ta, Hoàng Mãnh sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân của học sinh sinh viên Sài Gòn đồng thời hoạt động trong tổ chức bí mật từ năm 1948.
Một năm sau, ông đã rời bỏ chốn xa hoa, từ bỏ cuộc sống khá giả của gia đình để đi theo kháng chiến. Trong thời kỳ ở chiến khu, cây đàn accordeon đã gắn bó với ông suốt chặng đường kháng chiến phục vụ cách mạng. Hoàng Mãnh cùng nghệ sĩ Quốc Hương đi khắp các chiến trường phục vụ các buổi lễ, các cuộc hội nghị của Trung ương cục Miền Nam và không quản ngày đêm phục vụ anh em Vệ quốc đoàn, đồng bào trong khu kháng chiến. Trong điều kiện vô cùng gian khổ, ở sâu trong vùng hẻo lánh nước ngập quanh năm, ông cùng các đồng chí, đồng nghiệp làm việc tận tụy luôn đảm bảo cho các chương trình phát sóng được thông suốt, kịp thời.
Đầu năm 1954 Hoàng Mãnh tập kết ra Bắc và được phân công công tác tại Đoàn ca nhạc Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Trở lại với cây đàn piano, ông ngày đêm hăng say luyện tập không quản sức mình để tự hoàn thiện với lòng mong mỏi ngày càng trình diễn được hay hơn, được nhiều tác phẩm hơn qua làn sóng Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ - giải phóng và thống nhất đất nước. Hồi đó, hầu hết các ca khúc sáng tác đều không có phần đệm của tác giả, ông nhiều đêm thức trắng trăn trở suy nghĩ tìm cách sáng tạo bè đệm cho ca khúc Việt Nam. Trong vòng hơn hai mươi năm ông sáng tác và đệm cho hầu hết các ca sĩ qua làn sóng Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam như: Quốc Hương, Thanh Huyền, Thương Huyền, Bích Liên, Thanh Trì… và góp phần quan trọng vào sự thành công của họ. Ngoài ra ông còn thu thanh hàng nghìn băng nhạc và đĩa hát. Đã nhiều lần cơ quan sắp xếp cử ông đi học đại học âm nhạc ở nước ngoài, nhưng vì yêu cầu công tác cấp thiết, ông tình nguyện ở lại phục vụ. Mãi sau đó vào năm 1961, ông mới tạm ngừng công tác và tham gia khóa đại học âm nhạc đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) dưới sự chỉ đạo chuyên môn của nghệ sĩ Thái Thị Liên và chuyên gia nước ngoài. Trong những năm học tập Hoàng Mãnh luôn hiện diện như một nghệ sĩ xuất sắc với tài năng hiếm có và thẩm mỹ nghệ thuật cao.
Sau khi tốt nghiệp, trở về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, con đường nghệ thuật của Hoàng Mãnh đã bước sang một trang mới. Ngoài các chương trình thu thanh của Đài, Hoàng Mãnh liên tục xuất hiện trong các buổi biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng, nhạc vũ kịch Việt Nam và được mời tham gia một số đoàn nghệ thuật của Bộ Văn hóa biểu diễn ở Liên Xô (trước đây), Trung Quốc, Cu Ba, Cộng hòa dân chủ Đức, Hung-ga-ri, Na Uy, Thụy Điển, Indonexia… Trong đó ông đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ của mình với tư cách nghệ sĩ độc tấu cũng như nghệ sĩ đệm đàn cho hầu hết các tiết mục từ dân ca, tốp ca, múa… từ đầu cho đến hết chương trình. Trong thời gian biểu diễn tại Liên Xô, năm 1966 Hoàng Mãnh được Bộ Văn hóa Liên Xô tặng bằng khen và đặc biệt khi về nước ông đã vinh dự được Bác Hồ tiếp đón và được Bác tặng thưởng huy hiệu của Người. Trong những tháng ngày đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bất chấp sự nguy hiểm tính mạng, ông ngày đêm trực chiến ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam để kịp thu thanh các bài hát nhằm động viên và ca ngợi chiến công oanh liệt của quân và dân Thủ đô.
Những ai đã từng nghe Hoàng Mãnh biểu diễn chắc cùng có chung nhận xét rằng: người nghệ sĩ này có biệt tài cuốn hút thính giả, ông không chỉ hiểu sâu sắc âm nhạc và thể hiện tác phẩm một cách tinh tế mà còn buộc người nghe phải hòa mình vào với dòng cảm xúc âm nhạc. Đó là điều không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Mãnh trở về quê hương và công tác tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Có nhà văn đã viết rằng: “Ông là người đệm nhạc nền cho hai cuộc kháng chiến và những năm tháng xây dựng Chủ nghĩa xã hội". Cả cuộc đời ông nêu tấm gương sáng của người nghệ sĩ cách mạng, cuộc đời của một người nghệ sĩ chân chính. Hoàng Mãnh ra đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp âm nhạc của ông còn sống mãi với âm nhạc Việt Nam.