Huy Thục: 'Nốt nhạc nào của tôi cũng có hình bóng vợ hiền'
Ở tuổi 82, tác giả "Tiếng đàn Ta Lư" thổ lộ, tuy ông không viết riêng bài hát nào tặng vợ, tình yêu dành cho người bạn đời luôn dạt dào, bền bỉ theo thời gian.
- Việc làm mới nhạc cách mạng mang đến những ý kiến trái chiều thời gian qua. Là tác giả của nhiều nhạc phẩm đi cùng năm tháng, ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Cách tân nhạc cách mạng là một vấn đề hết sức cần thiết. Tôi hoan nghênh các nhạc sĩ trẻ đã kỳ công làm mới nhạc của một thời máu lửa. Tôi hiểu, nhiều bản phối cũ chỉ phù hợp với những thời kỳ nhất định, do vậy người làm nhạc cần "thổi làn gió mới" vào sáng tác cũ, để chúng không xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta không thể giữ khư khư một bản phối hết năm này qua năm khác.
Khi tôi nghe ca khúc Tiếng đàn Ta Lư được phối mới trong chương trình "Giai điệu tự hào", tôi thấy rất thích thú. Bản phối này giúp ca khúc trẻ trung, mới lạ hơn, đồng thời kết hợp với một giọng hát tốt và phần dàn dựng đẹp nên khó ai có thể chê được. Tuy nhiên tôi cho rằng sự đổi mới trong âm nhạc không nên hướng đến một đối tượng cụ thể, mà cần nhắm tới mục tiêu là xây dựng nền âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc, không chấp nhận sản phẩm lai căng. Một bài hát hay không chỉ là sự hòa quyện của kết cấu, giai điệu tốt, giọng ca tốt mà còn là sự đánh giá của quần chúng. Với tôi, một tác phẩm âm nhạc chỉ được coi là thành công khi được quần chúng ủng hộ và tán thưởng.
Nhạc sĩ Huy Thục. Ảnh: Quang Đức.
- Ông lấy cảm hứng từ đâu để ca khúc chiếm được tình cảm của quần chúng?
- Chính thời gian tham gia mặt trận đã khiến tôi và âm nhạc xích lại gần nhau. Chính trong những tháng ngày gian khổ của chiến tranh, tôi nảy sinh ra nhiều đề tài, ý tưởng để sáng tác ca khúc. Nhạc của tôi vì thế mà giản dị, tự nhiên chứ không cầu kỳ, hàn lâm hay khó hiểu.
- Thường các nhạc sĩ hay "đóng dấu" sáng tác của mình bằng một giọng ca nào đó để khán giả dễ nhớ, ông thì sao?
- Nhạc của tôi được nhiều giọng ca thể hiện. Mỗi người lại có dấu ấn riêng trong các giai đoạn khác nhau. Thời chiến không ai thể hiện thành công Tiếng đàn Ta Lư hơn Tường Vi. Nhưng mới đây khi Phạm Thu Hà hát ca khúc này, tôi đã phải tỏ sự khen ngợi vì nữ ca sĩ hát quá tuyệt. Bài Trăng khuyết cũng từng "đóng đinh" Thu Hiền, nhưng đến năm 2005 Tân Nhàn thể hiện ấn tượng và đạt được Huy chương vàng. Hay như bài Ơi Dòng suối La La trước đây chỉ dành cho tốp nữ nhưng bây giờ Lan Anh hát đơn cũng thành công không kém.
Tôi cũng như nhiều nhạc sĩ lão thành luôn hy vọng sáng tác của mình được tiếp nối qua các thế hệ chứ không chỉ của riêng một thời đại nào. Tôi thực sự cảm thấy vui khi các ca sĩ trẻ mạnh dạn hát ca khúc cách mạng. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những cách để trân trọng thành quả của quá khứ.
Sau cơn đột quỵ cuối năm ngoái, sức khỏe của nhạc sĩ Huy Thục yếu đi.
Thời gian rảnh rỗi ông chỉ ở nhà đọc sách, xem tivi và chơi đàn.
Ảnh: Quang Đức.
- Ông trả lời sao trước nhận xét, trong các ca khúc của Huy Thục không bao giờ có hình ảnh người vợ?
- Nhiều đồng nghiệp cũng hỏi tôi như thế, rằng vì sao anh không viết một bài tặng vợ. Tôi trả lời là, không viết bài hát nào để tặng riêng cho bà ấy nhưng nốt nhạc nào tôi viết ra cũng đều có hình bóng của người vợ hiền. Tình yêu của chúng tôi quyện vào nhau, và đi đâu cũng có nhau. Tôi đi chấm thi hay đi tham quan đều có vợ đi cùng. Có thể nói chúng tôi không rời nhau một bước. Tình yêu của người lính là vậy, giản dị mà thấu hiểu. Không nhất thiết phải nói "anh yêu em" mà vẫn cảm nhận được tình yêu của nhau đó mới là điều trân quý.
Bất cứ nhạc sĩ nào cũng gửi gắm tình yêu của mình vào âm nhạc. Tất nhiên mỗi người có một cung bậc cảm xúc, một khía cạnh tình cảm khác nhau. Với tôi, tôi gửi vào trong âm nhạc tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc và cả tình yêu đôi lứa. Nhưng dù là tình yêu nam nữ thì đó vẫn là cái "ta", tức cái chung của cộng đồng, chứ không phải cái "tôi" riêng lẻ. Tôi muốn tác phẩm của mình ai nghe cũng có thể đồng cảm chứ không chỉ dành riêng cho ai cả.
Huy Thục tâm sự, vợ chồng ông rất quấn quýt, đi đâu cũng có nhau. Ảnh: Quang Đức.
- Sau hơn 60 năm sáng tác, điều gì ông còn trăn trở?
- Điều tôi trăn trở là tôi chưa trả nợ hết cho đời. Tôi còn nợ đời nhiều lắm. Mỗi ngày tôi đều nghĩ đến những người đồng đội đã ngã xuống và cả những đồng đội thiếu may mắn của mình. Tôi và bà xã đều là người lính, đã vào sinh ra tử ở chiến trường, chúng tôi hiểu những mất mát mà đồng đội phải gánh chịu.
Tôi thấy hạnh phúc khi những đứa con mình sinh ra không bị tật nguyền nhưng tôi cũng buồn khi nhìn những đứa con của đồng đội không được lành lặn. Tôi gửi vào âm nhạc một tinh thần lạc quan, trong sáng cũng là vì lẽ đó. Tôi mong các sáng tác của tôi sẽ góp phần làm giảm đi những đau thương mà cuộc chiến mang lại.
- Cuộc sống hàng ngày của ông bây giờ ra sao?
- Tôi vừa bị đột quỵ vào cuối năm ngoái nên sức khỏe hiện giờ đã yếu đi nhiều. Tôi chỉ quanh quẩn ở nhà để bà xã chăm sóc chứ không đi đâu xa. Thời gian rảnh rỗi tôi đọc sách, xem tivi và chơi đàn. Cả tôi và bà xã đều là dân nhạc, biết chơi piano nên chúng tôi dành nhiều thời gian để dạy đàn cho các cháu. Với tôi cuộc sống như vậy là viên mãn.
Nhạc sĩ Huy Thục, tên khai sinh Lê Huy Thục, sinh năm 1933 tại Hà Nam. Ông được biết đến với các ca khúc cách mạng như:Tiếng đàn Ta Lư, Ơi dòng suối La La, Cô gái Pa Kô, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân... Ông đã xuất bản hai Tuyển tập ca khúc và album Tiếng đàn Ta Lư. Ông nhận được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1993 và 1995), Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994).
Nhạc sĩ Huy Thục là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)