Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Âm nhạc phải được sự đồng cảm của công chúng

30/01/2015

 * Phóng viên: Khi nói tới các ca khúc viết về Đảng thì nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn là người được công chúng nhắc nhớ đầu tiên. Ông chia sẻ gì về mảng đề tài lớn này?

* Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN: Khi viết những bài hát này, tôi không nghĩ rằng mình viết theo đề tài chính luận hay gì khác mà viết theo tình cảm. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm. Trước đây, ông Trần Lâm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, trước khi nghe nhạc của tôi thường nói: “Này, âm nhạc không nói dối được đâu, tình cảm thế nào sẽ thể hiện như vậy qua âm nhạc”. Bất ngờ là đầu năm 2000, theo bình bầu của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho những ca khúc hay nhất về Đảng thì có 3/10 bài của tôi. Có lẽ những bài hát đó đã nhận được sự đồng cảm, đáp ứng được tình cảm của nhân dân. Tôi viết không phải để đứng lên hô hào mà là cách để bày tỏ tình cảm của mình đối với đất nước.

* Trong bài hát Màu cờ tôi yêu, dù không nhắc đến từ Đảng nhưng mỗi câu hát đều tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, chứa chan tình yêu với Đảng?

* Màu cờ tôi yêu được viết nhân kỷ niệm thành lập Đảng năm 1980, bài này tạm gọi là bài cuối cùng tôi viết mừng sinh nhật Đảng. Lần đó vào TPHCM, gặp nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, hai anh em bàn nhau là sắp đến sinh nhật của Đảng nên có bài gì? Cuối những năm 70 đầu 80, trước thời kỳ đổi mới, lúc ấy viết về Đảng rất khó vì nhìn xung quanh có nhiều hiện tượng tiêu cực quá. Tôi bàn với anh Tuyền, anh ấy cũng bảo là rất khó khăn, nhưng khó khăn thì phải động viên mọi người, hai anh em tự nhủ với nhau như vậy. Trên đường rời TPHCM, Diệp Minh Tuyền tiễn tôi và nói em có viết mấy câu lục bát và gửi cho tôi xem có thể phổ biến được không. Khi lên máy bay tôi mới mở thơ ra đọc và thấy đây đúng là tâm tư của chúng tôi, đúng là tình cảm của những người tâm huyết với việc xây dựng Đảng. Về tới Hà Nội, tôi phổ nhạc luôn bài đó. Đây là bài thơ lục bát của người vừa làm thơ vừa làm nhạc nên rất dễ hát. Màu cờ tôi yêu, cả bài hát không hề có chữ Đảng nhưng đó là những lời tâm can dành cho Đảng.

* Không chỉ thành công với những ca khúc viết về Đảng mà nhiều ca khúc của ông đã ghi dấu ấn với những sự kiện lịch sử lớn của đất nước?

* Có nhiều người nói với tôi rằng: Tôi chính là một nhà báo khi thể hiện các tác phẩm báo chí qua âm nhạc và thông điệp âm nhạc có tính báo chí mạnh mẽ, nhất là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Nhà thơ Bế Kiến Quốc lúc còn sống cũng có lần chia sẻ rằng những bài hát của tôi là cột mốc về lịch sử, là biên niên sử bằng âm nhạc. Anh dẫn chứng rằng: Văn Cao có Tiến quân ca, Đỗ Nhuận có Giải Phóng Điện Biên, Lưu Hữu Phước có Giải phóng Sài Gòn còn Phạm Tuyên là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Khi đó, tôi cũng trả lời rằng không dám nhận lời khen ấy song tôi cảm ơn môi trường báo chí, chính nó đã khiến tôi khác với một số nhạc sĩ khác. Họ thiên về tình cảm riêng tư, không có gì sai nhưng có được sự đồng cảm của mọi người thì phải tiếp nhận vấn đề chung của đất nước nhiều hơn.

Bạn hỏi tại sao tôi viết nhiều bài liên quan tới sự kiện, tôi cho rằng đó là môi trường. Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới… cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Sáng ngày 17-2-1979, ngay sau khi nghe tin quân Trung Quốc đổ bộ xuống biên giới nước ta, lòng tôi rộn lên cảm xúc khó tả, và những câu đầu tiên trong bài Chiến đấu vì độc lập tự do được bật lên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”… Nó như ngọn lửa sục sôi với mong muốn từng người dân nước Việt hãy đứng lên bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc mình.

* Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng cũng ra đời nhờ những cảm xúc của tác giả khi làm việc trong môi trường báo chí?

* Hồi đó tôi là Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu tháng 4-1975, anh Trần Lâm, Giám đốc đài, dặn, sắp có chiến thắng lớn rồi, mời một số nhạc sĩ viết tác phẩm hoành tráng chuẩn bị đón chào. Tôi cũng chuẩn bị viết một hợp xướng 4 chương nhưng cứ ngồi vào đàn là thấy lý trí quá, không viết được, lại tiếp tục theo dõi tin tức. Tối 28-4, bản tin 7 giờ rưỡi tối phát: Có một phi công ngụy ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Về sau mọi người biết đó chính là Anh hùng Nguyễn Thành Trung của chúng ta. Thế là chắc chỉ còn vài hôm nữa là giải phóng Sài Gòn thôi! Trong đầu tôi nảy ra hình dung: Giải phóng, nhà nhà, người người sẽ đổ ra đường, mình phải góp tiếng reo vui của mọi người và cũng là của mình. Mấy chục năm theo kháng chiến, lúc nào mình chẳng mong ngày đó. Tôi ngồi vào đàn, bỗng nhớ câu thơ của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tôi viết ngay điệp khúc trước: “Việt Nam Hồ Chí Minh”, sau đó viết từ đầu: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.

Chưa có bài hát nào đến với công chúng nhanh như vậy! Đến tận lúc này tôi luôn thấm thía rằng khi tình cảm của người sáng tác bộc lộ chân thành, phù hợp với đông đảo mọi người thì nó sẽ có được sự cộng hưởng. Đó là phần thưởng cho người sáng tác.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...