Lời nói đầu sách tuyển chọn “Chu Minh - những dấu ấn thời gian”
ĐÔI DÒNG MỞ VỀ ÔNG
NHÀ SOẠN NHẠC – NHÀ GIÁO CHU MINH
Nếu như trong một bản giao hưởng hoặc Sonate, đôi khi có phần mở đầu (Introduction) trước khi chủ đề chính xuất hiện, thì những dòng chữ này xin làm phần MỞ về ông – Nhà soạn nhạc – Nhà giáo Chu Minh.
Cùng với các nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại (1954), nhạc sĩ Chu Minh đã có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng – nền âm nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI. Sự nghiệp sáng tạo của ông nổi bật trên 2 lĩnh vực chính: Sáng tác và Đào tạo.
Về sáng tác: Ông là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ của mình thành công trong cả hai loại hình: thanh nhạc và khí nhạc. Cũng như các nhạc sĩ lớp đàn anh đi trước: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Văn Chung… Ông làm quen với thế giới âm nhạc bằng việc học đàn (từ năm 11 tuổi ông đã tập kéo đàn Violon) và sau đó bắt đầu sáng tác bài hát. Bút danh Chu Minh (tên thật của ông là Triệu Đạt Hiền, sinh năm 1931 tại Hà Nội) đã được biết đến trong kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc với các ca khúc như: Chiến thắng biên giới, Ta yêu Cụ Hồ, Ánh lửa niềm tin…
Nhưng phải đến đầu những năm 60, khi ông được cử đi học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (1961 – 1965), được tiếp xúc với nền âm nhạc kinh điển từ châu Á sang châu Âu, từ cổ điển đến đương đại, lại được các thầy dạy giàu kinh nghiệm (Trung Quốc, Nga) chỉ giáo về kỹ thuật và phương pháp sáng tác thì con đường âm nhạc của Chu Minh mới thực sự mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn chuyển mình từ người viết ca khúc (song-write) trở thành nhà soạn nhạc (composer).
Từ đây, TƯ DUY KHÍ NHẠC đã hình thành trong ông và luôn chi phối các hoạt động sáng tác và giảng dạy của ông sau này.
Bằng những tác phẩm như Tổ khúc Giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu” hoặc tác phẩm thanh nhạc “Người là niềm tin tất thắng”, “Ta tự hào đi lên, Ôi! Việt Nam” (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Chu Minh đã góp phần làm sáng tỏ bản chất công việc sáng tác âm nhạc là gì: sáng tác không chỉ là những phút giây cảm xúc ngẫu hứng được ghi lại qua giai điệu và ca từ (dẫu rằng viết được một bài hát hay là rất khó!) mà trong công việc sáng tạo còn bao hàm tính tư tưởng, tính triết học, tính khoa học. Đó là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, sự trải nghiệm cá nhân được đúc kết từ cuộc sống. Chính vì thế, ngoài ca khúc, người nhạc sĩ cần hướng tới các hình thức lớn hơn như Hợp xướng, Khí nhạc…
Lĩnh vực Khí nhạc những năm 60 (thế kỷ XX) đối với đất nước chúng ta là mới mẻ, nhưng trên thế giới nó đã có lịch sử hàng trăm năm… chính Khí nhạc sẽ là mảnh đất đầy tiềm năng và hy vọng cho những tác phẩm lớn, nói được những vấn đề lớn của lịch sử, đất nước, con người…
Từ nhận thức đúng đắn về vai trò, chức năng của âm nhạc, của người nhạc sĩ sáng tác, cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt với Giao hưởng “Quê hương”, Tô Hải với Hợp xướng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy”, Đỗ Nhuận với opera “Cô Sao” và các nhạc sĩ khác Chu Minh đã góp phần vào công cuộc xây dựng một nền âm nhạc HOÀN CHỈNH – với phương châm “KHOA HỌC – DÂN TỘC - ĐẠI CHÚNG”, bước đều trên cả “hai chân”: Thanh nhạc và Khí nhạc.
Trong lĩnh vực thanh nhạc, Chu Minh sáng tác từ rất sớm, các ca khúc “Việt Trung Xô”, “Chiến thắng biên giới” (1950), “Hoa sen” (1951) , “Ánh lửa tình yêu” (1954) , “Lúa hợp tác” (1957), “Ngợi ca” (1959)… đã được phổ biến rộng rãi, nhưng phải đến “Người là niềm tin tất thắng” (1969) và “Ta tự hào đi lên, Ôi! Việt Nam” (thơ Hoàng Trung Thông) (1972) thì ông mới khẳng định một phong cách riêng, một giọng điệu riêng, không lẫn với bất cứ phong cách nào trước ông, và sau này cũng không ai “bắt chước được phong cách độc đáo của ông. 2 tác phẩm thanh nhạc đã gắn tên tuổi ông vào lịch sử những Bài ca đi cùng năm tháng là “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, Ôi! Việt Nam”. Đây không chỉ là những ca khúc thông thường mà có thể coi đó là một thể loại thanh nhạc mới mang đậm tư duy khí nhạc với âm hưởng chủ đạo là: Hùng ca – Triết lý. Đây là một đóng góp quan trọng của Chu Minh vào nền thanh nhạc Việt Nam. Những tác phẩm thanh nhạc của ông không dễ hát (kể cả những bài tình ca) cũng không dễ nghe, dễ thuộc như các dòng nhạc khác. Nhưng không có ông góp giọng thì trong bản Hòa ca dân tộc Việt thiếu đi hẳn một bè trầm, một chất Bi hùng – Trữ tình – Hào sảng.
Về Khí nhạc: cùng với các nhạc sĩ Hoàng Vân, Phạm Đình Sáu, Trần Ngọc Xương, Ngô Sĩ Hiển, Huy Duy… và các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tân, Nguyễn Văn Nam, Trọng Bằng, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho… Chu Minh đã chứng minh khả năng phản ánh hiện thực của khí nhạc, trong đó chứa đựng tính tư tưởng, tính nhân văn, sức truyền cảm, tác động hiệu quả đến người nghe, gần gũi với cuộc sống. Việc tiếp thu có chọn lọc những kỹ thuật, thủ pháp sáng tác (hòa thanh, phức điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm…) kết hợp với việc khai thác và sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc, tính giai điệu, tiết tấu… là hướng mở cho nền khí nhạc non trẻ ở nước ta, mà Chu Minh là người có công gây dựng từ thuở ban đầu.
Nghe những tác phẩm khí nhạc của ông từ thính phòng như: “Bài ca không lời” cho Piano, Trio cho Violon, Cello và Piano đến Tổ khúc Giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu”, Concerto cho Piano và Dàn nhạc “Tuổi trẻ”, Ouverture “Thành phố Hồ Chí Minh”, hoặc âm nhạc trong các phim truyện…. ta thấy lấp lánh những âm hưởng dân ca (Bắc Bộ, Nam Bộ) cảm nhận được hơi thở cuộc sống đã được trưng cất lại, hòa trộn trong một tổng thể âm thanh nhiều màu sắc, hấp dẫn, lôi cuốn, dễ nghe vì luôn có tình. Đôi khi ta cảm thấy cả những giọt nước mắt của ông (Chu Minh là người hay khóc!) qua những âm thanh không lời và cả trong những khoảng lặng (repose).
TƯ DUY KHÍ NHẠC đã chi phối, ảnh hưởng phần nào đến tính cách và lối sống của ông. Ngoài đời ông là con người có phần nghiêm túc, trầm lắng kiệm lời, luôn khắt khe với bản thân mình. Nhưng trong tâm hồn ông cháy bỏng một khát khao, yêu người yêu đời đến lãng mạn, si mê. Hình như ông sống nhiều với thiên nhiên, cây cỏ, khí trời bằng một năng lượng tình yêu không suy cạn qua thời gian, năm tháng. Ông còn sống bằng những mối giao lưu bạn bè, đồng nghiệp xa gần, học trò cũ, mới và bằng cả những giao cảm trong ký ức.
Chu Minh sở hữu một sự nghiệp đồ sộ hoành tráng, nổi trội hơn người, mà không phải ai cũng biết tường tận và đánh giá đúng về công lao của ông. Đó là sự nghiệp trồng người – nghề dạy sáng tác âm nhạc (sáng tác là một nghề!). Hơn nửa thế kỷ qua, thầy Chu Minh miệt mài truyền dạy cho các lớp nhạc sĩ, mà nhiều người trong số họ nay đã lên ông, lên bà, đã thành danh nổi tiếng, nhưng không ai có thể nối tiếp và vượt qua kỷ lục đào tạo như ông.
Dạy sáng tác là một nghề đặc biệt, vô cùng khó! Không phải ai sáng tác được (thậm chí sáng tác hay) là dạy người khác được. Ông là một trong số ít nhạc sĩ thành đạt hội tụ đầy đủ phẩm chất, trình độ và nhân cách của một người nhạc sĩ sáng tác - một người thầy. Nhiều năm liền ông giữ trọng trách là Chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành sáng tác (từ trường Âm nhạc Việt Nam, đến Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Suốt 50 năm liên tục ông đã “cho ra lò” hàng trăm sinh viên từ trung cấp, đại học, cao học, tại chức… mỗi người mỗi vẻ, nay hầu hết hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp khắp các vùng miền trong cả nước.
Thầy Chu Minh là thế! Truyền hết những gì tinh túy nhất cho học trò thân yêu với hy vọng họ sẽ là thế hệ nối tiếp mạch nguồn âm nhạc trong tương lai. Hy vọng đó của ông một phần đã trở thành hiện thực!
Ở ông có hai niềm say mê: Sáng tác và Dạy học. Cả hai lĩnh vực ông đều đi đến tận cùng, yêu đến tận cùng và dâng hiến đến tận cùng.
Ông quan niệm: Âm nhạc phải đi bằng “hai chân”: Thanh nhạc và Khí nhạc. Từ thời trai trẻ đến nay đã ngoại “Bát thập niên” ông vẫn cứ đi miệt mài trên những cung bậc thăng trầm của cuộc đời bằng “đôi chân” vững vàng đó. Chính đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp sáng tạo của ông.
Thế hệ nhạc sĩ và công chúng yêu nhạc hôm nay và mai sau có quyền tự hào và sung sướng khi nhắc đến tên ông: Ôi! Nhạc sĩ CHU MINH!
Hà Nội, ngày Lao động quốc tế mồng 1 tháng 5 năm 2014 NS Đỗ Hồng Quân |