Ca khúc Trần Kiết Tường đậm chất dân tộc, trữ tình
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ra trong một gia đình yêu thích ca nhạc dân tộc. Cụ ông biết chơi đàn kìm (nguyệt), thỉnh thoảng lại hòa nhạc với mấy người bạn đàn cò (nhị), đàn tranh (thập lục)… Tiếng hát ru của cụ bà khiến Trần Kiết Tường yêu thích các làn điệu dân ca ngay từ thuở ấu thơ.
Chính niềm say mê đàn hát của các cụ thân sinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng sáng tác sau này của ông. Khi đã có những tác phẩm nổi tiếng, Trần Kiết Tường từng tâm sự rằng các sáng tác của ông hầu hết đều có âm hưởng dân tộc chính do ảnh hưởng từ tiếng đàn, tiếng ca của các cụ thân sinh và từ những điệu hò đêm đêm vang lên trên dòng sông Ô Môn ở quê nhà.
Năm lên 6 - 7 tuổi, Trần Kiết Tường đã được cụ ông dạy đàn vài bài miền Bắc. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tập chơi đàn mandoline. Cây đàn này theo ông từ quê nhà Ô Môn, đến Cần Thơ khi học cấp 2, ra tận Huế lúc học cấp 3 và tiếp tục theo ông trong kháng chiến chống Pháp. Khi học ở Huế, mỗi lần về nghỉ hè, Trần Kiết Tường thường hòa đàn mandoline với tiếng đàn guitare của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, cùng quê Cần Thơ, lớn hơn Trần Kiết Tường 3 tuổi.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường
Lúc 19 tuổi, năm 1943, ông chợt nghĩ: Tại sao Lưu Hữu Phước sáng tác được mà mình lại không làm được, thế là lấy giấy ghi chép nét nhạc mới nghĩ ra. Thế là bài Vui gặp gỡ, sáng tác đầu tay ra đời, mô tả niềm vui của đôi trai gái cùng múa hát dưới trăng. Sau này, chúng tôi có dịp hỏi Trần Kiết Tường hiệu quả của bài hát đầu tay thế nào, ông cười vui cho biết chỉ có một người thích hát bài hát này, đó là cô em gái của Trần Kiết Tường. Khi đó ông cảm thấy buồn chán, nghĩ rằng mình không có năng khiếu sáng tác. Nhưng trong lòng vẫn rạo rực ham muốn viết nhạc, không dứt ra được.
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, rồi Nam bộ kháng chiến, Trần Kiết Tường vừa đúng 21 tuổi, tham gia công tác ở Phòng Tuyên truyền huyện Ô Môn, sau chuyển về Châu Đốc. Sở trường chơi đàn mandoline của anh đã góp phần rất đắc lực cho công tác tuyên truyền. Anh em trong trong đơn vị nói: “Anh cứ chơi đàn cho hay, đồng bào nghe có đàn hát, họ tới nghe chúng ta nói chuyện đông hơn”.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1948, bên bờ kinh Dương Văn Dương, Đồng Tháp, dưới ánh đèn dầu tù mù, Trần Kiết Tường phổ nhạc một bài thơ của Dân Thanh thành bài Chiến sĩ vô danh nói về bà mẹ âm thầm tiễn người con yêu quý của mình đi chiến đấu. Lần đầu tiên ca sĩ Quốc Hương hát bài này ở miền Tây Nam bộ. Chiến sĩ và đồng bào rất xúc động khi nghe hát. Sau bài này, ông còn viết hàng loạt bài khác như Thiếu sinh quân hành khúc, Theo dấu Cụ Hồ, Nhớ Bác Hồ, Công binh Việt Nam… và khá nổi tiếng là bài Anh Ba Hưng, một ca khúc vui tươi, lạc quan lại ra đời trong kháng chiến gian khổ.
Sau này, nhạc sĩ Trần Kiết Tường kể lại với chúng tôi: Năm 1950, ông sáng tác bài Anh Ba Hưng ở Rạch Giáù, chịu ảnh hưởng bài dân ca Con chim manh manh có mấy câu quen thuộc Con chim manh manh, nó đậu cây chanh… Ông “bật mí” một điều ít người biết là lúc đầu ông viết lời bài này như sau: Có anh Ba Hưng, vốn thiệt con cưng/ Lưng lớn ba vừng, mà hổng chịu tòng quân/ Thằng Sáu thấy anh nó cười, thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn/ Nó trêu nó trêu anh hoài/ Nó nói cái lưng anh dài, nó nói cái mặt anh chai/ Thanh niên sao không đi lính cũng không cấy cày/ Anh Ba đỏ mặt tía tai, về nhà xin đi lính đã hơn năm trường/ Vừa rồi mới được huân chương, thằng Sáu thấy anh nó mừng / Láng giềng hỏi thăm sự tình, tôi nói có anh Ba Hưng… Một vài cán bộ lãnh đạo lúc ấy gợi ý với ông nên sửa lại những câu chê bai trong ca từ để bà con nông dân khỏi tự ái. Trong lòng, ông không nhất trí, nhưng rồi mấy hôm sau, ông cũng chịu sửa: Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân / Đi lính hơn năm trường, vừa mới được huân chương / Thằng Sáu thấy anh nó mừng, thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn… Anh Ba Hưng là người có thật ngoài đời chứ không phải là nhân vật do nhạc sĩ hư cấu. Đó là anh Hứa Hòa Hưng ở Bạc Liêu, nhập ngũ năm 1947, 1954 tập kết ra Bắc, 1962 đi chiến trường B, 1986 về hưu với quân hàm đại tá.
1954, hòa bình lập lại, Trần Kiết Tường ra tập kết ở miền Bắc, đây là thời gian ông sáng tác được khá nhiều tác phẩm nổi tiếng. 1956, ông viết bài Cánh tay miền Nam trên đất Bắc thể hiện tinh thần xây dựng miền Bắc của những người con miền Nam tập kết. Tiếp đến là bài Áo bà ba (1956), nhớ đến người vợ thân yêu - Tố Linh - đang còn ở miền Nam. Đến năm 1957, vợ con Trần Kiết Tường đi máy bay từ Phnôm Pênh ra Hà Nội. Sau đó Trần Kiết Tường còn sáng tác nhiều bài khác nữa, trong đó đáng chú ý có các bài Bánh xe lăn, Đàn bò của tôi, Bài ca chiến thắng... và rất nổi tiếng là bài Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên người đến nay còn phổ biến.
Trần Kiết Tường sáng tác bài này vào năm 1962. Sinh thời khi nói về cảm xúc của mình lúc sáng tác bài hát này, ông tâm sự: “Đang ở tại Hà Nội, tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tôi nghĩ, miền Nam đau thương càng muốn sống và chiến đấu, khi nhớ tới Bác. Người là niềm tin yêu của nhân dân, đặc biệt là của nhân dân miền Nam. Tôi sáng tác bài hát này xuất phát từ trái tim mình. Ca ngợi Bác, chính là ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng, vì Bác cũng từ nhân dân mà ra...”.
Hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ đã gợi ý cho Trần Kiết Tường xác định chủ đề của bài hát Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người. Ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ô Môn, Cần Thơ, nên chất liệu dân gian hò Cần Thơ mà ông đã sớm nghe trên sông nước quê hương từ thuở ấu thơ, giờ đây lại được sử dụng và phát triển thành ca khúc. Trong câu mở đầu và câu kết (coda), điệu hò Cần Thơ được tái hiện. Trong đoạn B của bài, điệu thức oán của dân ca Nam bộ được sử dụng làm cho giai điệu thêm tha thiết: Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người/ Là một niềm tin, Hồ Chí Minh. Khi sáng tác, ông viết nhạc trước, viết lời sau nhưng không bị gò ép. Ca từ hay, đẹp như thơ, mang nhiều hình tượng văn học.
Ca sĩ thể hiện đầu tiên bài Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người là Quốc Hương, giọng hát của anh vừa thiết tha vừa trân trọng khi hát bài này. Qua giọng hát của anh và của nhiều ca sĩ hai miền Nam - Bắc, bài Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người đã nhanh chóng bay cao, bay xa, sống mãi trong lòng quần chúng.
Sau khi đất nước thống nhất, về lại miền Nam, nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác khá nhiều, trong đó quần chúng yêu thích nhất là bài Mimôza khá duyên dáng. Tháng 10-1980, nhân đi công tác ở Đà Lạt, ông được mời đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở đây. Tình cờ trông thấy một bụi hoa đẹp, hỏi ra mới biết đây là hoa mimôza, lại được nghe kể truyền thuyết: Một cô gái gặp số phận bất hạnh trong tình yêu đã chết biến thành hoa Mimôza. Tưởng tượng như có một cô gái đẹp đang đứng trước mặt mình, ông buột miệng hỏi: Mimôza từ đâu em tới? Và đó cũng là nét nhạc mở đầu của một ca khúc mới. Sau đó nét nhạc lại trở nên thanh thoát, mượt mà trong nỗi vui sướng vì đã tìm ra lời giải đáp Anh đã biết rồi, em ơi, vì sao em tới/ Anh đã biết rồi, em ơi, vì em yêu cuộc sống trên cao có thông reo rì rào/ Vì em yêu dòng thác Cam Ly như cuộc sống đang dâng trào… Cô gái đẹp ở đâu tới không biết, nhưng đã gắn bó mãi mãi nơi đây vì đã quá yêu thành phố xinh đẹp nên thơ này. Cảm xúc chợt đến với nhạc sĩ đã biến thành lời ca điệu nhạc đằm thắm, yêu thương như thế đấy!
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ngày 10-2-1924 tại Ô Môn, Cần Thơ, mất năm 1999 tại TPHCM. Ông vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật trong đợt đầu tiên năm 2001.
(Nguồn: http://sggp.org.vn)