Chúng tôi đã sống như thế

08/01/2014

Lời dẫn của Phạm Tôn: Mở đầu năm 2014, chúng tôi vui mừng giới thiệu với bạn đọc trung thành và yêu quí tác phẩm Chúng tôi đã sống như thế của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, con dâu học giả Phạm Quỳnh, người bạn đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên, do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản cuối năm 2013, năm Phạm Quỳnh tròn 120 tuổi.

Cuốn sách khổ 13×20, 5cm này dầy 420 trang. Đặc biệt sách này không bán.

Vì thế, chúng tôi cố gắng trích giới thiệu được càng nhiều, càng tốt, mong đáp ứng phần nào mong muốn tìm hiểu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2011, và nhất là tìm hiểu sâu hơn về Thượng Chi – Phạm Quỳnh một học giả lỗi lạc của lịch sử văn hóa dân tộc ta thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Dưới dây là bài viết tâm huyết, chí tình của Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã gắn bó với PGS TS Nguyễn Ánh Tuyết từ ngày ông còn là một thần đồng mới mươi tuổi đầu.

Quý vị và các bạn đang có trên tay một cuốn sách đặc biệt. Cuốn sách của nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết: Chúng tôi đã sống như thế.

Đối với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, cái tên Nguyễn Ánh Tuyết không còn xa lạ. Bà là một nhà khoa học, một nhà giáo mẫu mực, tác giả của trên 30 đầu sách, với nhiều thể loại: sách Nghiên cứu, sách Phổ biến khoa học, sách Giáo trình Đại học. Trong đó có nhiều cuốn giá trị, đặc biệt là công trình nghiên cứu dày 600 trang: Giáo dục mầm non Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Cuốn sách đã tổng kết cả 30 năm lao động khoa học của bà, đặc biệt là những cống hiến của bà cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Giáo sư – Viện sĩ Phạm Minh Hạc đánh giá rất cao công trình này của bà: “Đúng là ở đây đã tìm thấy cả những vấn đề lý luận và thực tiễn của ngành Giáo dục Mầm non nước ta cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI… thật là một báu vật”.

Nguyễn Ánh Tuyết sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng ở Quảng Bình. Bà là con liệt sĩ. Bố hy sinh khi bà mới có 9 tuổi. Cả bố và mẹ bà đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Bà còn là phu nhân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, con dâu của học giả Phạm Quỳnh. Đó là những tên tuổi lớn. Rất lớn.

Cuốn sách này là những trang ký ức của bà về những năm tháng vất vả gian nan, những ngọt bùi cay đắng mà bà đã trải. Hay nhất trong cuốn sách này vẫn là những mảng bà viết về học giả Phạm Quỳnh và nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Cha chồng của bà, học giả Phạm Quỳnh là một tên tuổi lớn, có số phận vô cùng nghiệt ngã. Thời gian càng lùi xa, thì tên tuổi của cụ càng ngời sáng. Bác Hồ bảo: “Cụ Phạm là người của lịch sử, rồi sẽ được lịch sử đánh giá lại”. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi cụ là “một trong những ông khổng lồ của thế kỷ XX”. Những năm gần đây, nhờ công cuộc đổi mới của Đảng, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản. Trong đó có không ít cuốn sách của cụ viết bằng tiếng Pháp cũng được chọn dịch. Ta có thêm tư liệu để hiểu cụ một cách thấu đáo mới hay cụ là một người yêu nước luôn đấu tranh cho độc lập dân tộc. Chính cụ đã nói với nhà cầm quyền Pháp: “Người An Nam chúng tôi chỉ thờ một vua chứ không có hai vua. Người An Nam không thể coi nước Pháp là Tổ quốc của mình, bởi người An Nam đã từng có một Tổ quốc”. Ngay từ năm 1924, trong dịp kỷ niệm Nguyễn Du, ngày 10 tháng 8, cụ cũng đã nói một câu bất hủ: “Truyện Kiều còn – Tiếng ta còn – Tiếng ta còn – Nước ta còn”. Ngay trong bản phúc trình “tối mật” đề ngày 1 tháng 8 năm 1945 của Khâm sứ Trung kỳ Haelewyn gửi Toàn quyền Đông Pháp Jean Decoux, và Tư lệnh, Đại tướng Mordant: “Những yêu sách của Phạm Quỳnh là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam kỳ, tiến tới hình thành một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý quý ngài về sự kiện này, bề ngoài tuy Phạm Quỳnh nhã nhặn, hòa hoãn, nhưng ông ta là phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta, dù chúng ta đã dành cho ông ta một chức vị tối danh dự đã có”.

Một trong những đóng góp rất lớn của Phạm Quỳnh là mở mang dân trí, gây dựng nền quốc văn, quốc học và nền văn hóa mới theo phương châm “Thổ nạp Âu Á”. Nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng đã dành những lời trang trọng nhất ca ngợi cụ: “Tạp chí Nam phong được rực rỡ cũng vì có người chủ trương là một nhà văn học vấn uyên bác, lại có biệt tài, có lịch duyệt… Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong. Nó là cuốn Bách khoa toàn thư bằng quốc ngữ”.

Qua cuốn sách của Nguyễn Ánh Tuyết, ta cũng hiểu thêm cụ phần nào. Đặc biệt là những chuyện trong gia đình. Có thể xem đây là một mảng tư liệu khá mới mẻ.

Phần viết về nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vậy. Nghĩa là rất thú vị. Nguyễn Ánh Tuyết cũng đưa ra những lý giải, giúp ta có tư liệu để hiểu thêm các ca khúc nổi tiếng của ông. Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc. Có thể tóm tắt bằng hai câu thơ xuất thần của Phạm Tiến Duật, một trong những thính giả rất yêu âm nhạc của ông:

Cây cúc đăng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay…

Cái khả năng không phải ai cũng có được của Phạm Tuyên là biến nỗi đắng đót trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng cho người đời chiêm ngưỡng. Ngắm sắc vàng lộng lẫy ấy, chẳng ai còn thấy vị đắng đâu nữa, lại ngỡ như không hề có nỗi cay đắng trong cõi đời này. Bởi thế, khi bàn về những chặng đường âm nhạc của Phạm Tuyên, một nhà báo trẻ cứ dồn đuổi ông rằng: Tại sao nhạc của ông vui thế, lúc nào cũng thấy phơi phới. Hình như trong ông không có cái “tôi” riêng. Đó là một cái nhìn nông cạn, có phần bồng bột và xốc nổi.

Trong thưởng thức âm nhạc, ta thường gặp trường hợp thế này: Có ca khúc nghe lần đầu thấy hay. Lần sau nghe lại, không còn thấy hay nữa. Ngược lại, có ca khúc thoạt rất khó nghe, thế rồi nghe mãi lại thấy thú vị. Nhưng cũng có những ca khúc thoạt nghe đã thấy thích rồi, nhiều lần sau nghe lại cũng không thấy nhạt.

Không ít các phẩm của Phạm Tuyên thuộc trường hợp thứ ba này.

Có thể nói, Phạm Tuyên là một nhạc sĩ vạm vỡ. Ông có khả năng tung hoành trên nhiều đề tài, nhiều thể loại: ca khúc chính trị, ca khúc trữ tình, ca khúc thiếu nhi, rồi ca khúc về các ngành nghề. Ở mảng đề tài nào, Phạm Tuyên cũng có những bài hát “găm” được vào trí nhớ công chúng. Đặc biệt là những ca khúc chính trị. Đây là một đề tài rất khó viết, và nếu có viết được thì cũng rất khó hay. Vậy mà Phạm Tuyên có cả một loạt bài. Trong đó có không ít bài rất ấn tượng. Phạm Tuyên có khả năng biến những sự kiện chính trị thành tình cảm, xúc cảm với những giai điệu đẹp. Ở lĩnh vực này, có thể nói, Phạm Tuyên như một người chép sử bằng âm thanh. Trước mọi biến động của lịch sử đất nước, ta đều tìm thấy trong âm nhạc của Phạm Tuyên. Ông viết khỏe, viết nhanh mà không hề sống sít. Có thể dõi theo từng ca khúc của Phạm Tuyên mà tìm thấy từng bước đi của Cách mạng. Ngay buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Sài Gòn vừa được giải phóng, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng. Thật hào sảng, khi Phạm Tuyên đã thay mặt cho toàn thể nhân dân tuyên bố cho thế giới biết:

Ba mươi năm đấu tranh dành trọn vẹn non sông
Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến đã thành công

Bài hát như một tiếng reo vui của tất cả mọi tầng lớp người ở mọi lứa tuổi. Giai điệu và lời ca đều rất giản dị. Hầu hết những ca khúc thành công của Phạm Tuyên đều như thế. Nghĩa là rất giản dị. Giản dị đến mức, nhiều người nhầm tưởng là nhạc bình dân, nghe có vẻ như là nôm na, cảm giác như ai cũng có thể viết được và rất dễ viết. Nhưng thực tình, nhạc Phạm Tuyên chỉ dễ viết khi ông đã viết ra rồi.

Phạm Tuyên đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2011 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 về Âm nhạc.

Những trang ghi chép của Nguyễn Ánh Tuyết về Phạm Tuyên rất sinh động. Qua ngòi bút của bà, ta hiểu được tấm lòng ông. Số phận ông. Ta còn biết hoàn cảnh ra đời từng bài hát cụ thể của ông. Chính Phạm Tuyên cũng ngạc nhiên. Có lần ông bảo tôi: “Cũng có người khuyên mình viết hồi ký. Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải viết. Điều gì cần nói thì mình cũng đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhiều bài mình viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép lại rất tỉ mỉ! Mình đọc cảm động quá”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên không viết hồi ký. Nhưng người vợ dịu hiền của ông đã lặng lẽ làm thay công việc đó cho ông. Bạn đọc yêu mến Phạm Tuyên, yêu mến Phạm Quỳnh có thể tìm được nhiều điều bổ ích và lý thú khi đọc cuốn sách này.

Và tôi tin, rất tin cuốn sách này sẽ làm bạn đọc yêu thích.

(Nguồn: phamquynh.wordpress.com) 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...