Sức sống mới của Dân Huyền

24/09/2013

Người ta biết đến nhạc sĩ - nghệ sĩ Dân Huyền, sinh năm 1938 (Mậu Dần), qua những ca khúc nổi tiếng như: Bên lăng Bác Hồ, Gửi anh một khúc dân ca, Lắng tiếng quê hương… từng phát lên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với ông tâm hồn vẫn chưa ngừng nghỉ. ông viết nhạc, làm thơ, viết báo…

Năm 2010 là "năm tuổi" của nhạc sĩ, nhưng ông đã làm một "cú đúp": Một trong những khách mời quan trọng của chương trình ca nhạc "Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước vì dân"; giải thưởng âm nhạc, giải ba những bài báo hay… nhưng có điều lớp trẻ cũng rất khâm phục ông bởi sự tiếp cận cái mới khá nhanh nhạy của ông. Đó cũng chính là lý do mà bài vở, ảnh của nhạc sĩ Dân Huyền gửi tới tòa soạn đều qua con đường e-mail.


Hàng ngày nhạc sĩ Dân Huyền vẫn sáng tác nhạc trên máy vi tính

Có dịp ông bộc bạch:

“Tớ cứ lọ mọ là ra hết cậu ạ, cái chính là phải biết nguyên lý hoạt động của nó, ví như máy tính bước đầu là phải qua "Enter", rồi có những trang web của "kính thưa" các loại thông tin bổ ích có, thông tin rác có… nhưng cái chính là do mình cập nhật những thông tin lành mạnh. Từ ngày có cái máy tính, tiện ra phết, chẳng phải đi đâu cả, ngay ảnh của các cháu, tớ chụp xong thế là nối vào máy thỉnh thoảng bật lên xem, ai cũng thích!. Không chỉ có vậy, ông biết khai thác máy tính đến độ thành thạo.

Đã vượt ngưỡng "cổ lai hy", nhưng ông rất thích tin học. Thú học tin đã giúp ông thực hành trên máy vi tính những bài thơ, những bài báo và nhất là tiếp cận với các phần mềm xử lý và sáng tác âm nhạc. Từ "Encore 4.0", "4.2" rồi "4.5" và bây giờ là "5.0", ông đã làm một cuộc "đi tắt, đón đầu" để khỏi lạc hậu với thời cuộc. Vẫn biết là thế, nhưng cứ đi vào lĩnh vực tin học thì thấy mình còn lẽo đẽo theo sau bao người khác, mình cứ phải gồng người lên mà vẫn không theo kịp những cái mới và liên tục đổi mới. Với ông là cả một sự cố gắng, bởi tuổi tác nhiều thêm, bởi vốn tiếng Anh còn ú ớ, bởi trình độ tiếp thu hệ con rùa.

Nhiều khi, muốn xa cái "vi tính", nhưng trót "yêu" nó rồi, lại tự động viên mình, được cái vợ khuyến khích, các con cũng tạo điều kiện, nên nghị lực như được nhân đôi, ông tự giác mà học. Ông chịu khó đọc sách, báo, tạp chí, nhiều bài viết, những "mẹo vặt" và các trang "giải đáp thắc mắc"… đã làm cho ông say mê hơn, thử sức mình để "khám phá Computer", ít ra, cũng tạo được sự phản ứng nhanh trước "hai con đường": "Yes" và "No". Sách báo và internet đã trở thành người bạn đồng hành của ông, bởi càng đọc, càng thực hành, mới thấy mình hụt hẫng quá nhiều về trình độ, ông tự nhủ lòng cần bền bỉ bổ sung. Cứ thế, mỗi lần "en-tơ" là một lần thở phào nhẹ nhõm. Ông đang cố học sự "chịu chơi" trong môn "thư điện tử" (email) và "Nhật ký điện tử" (blog). Nó "luyện" cho ông có thêm thói quen "quên ngủ", mà thức đến quá nửa đêm, chờ khi "đường thông, hè thoáng" trên không trung, nhằm "tải xuống" (down-load), "phóng lên" (upload) cho "sành điệu".

Hi vọng ông sẽ tiến bộ hơn trong học tập, ứng dụng tốt cho nghề nghiệp của mình và hạn chế bớt sự "lão hóa" của bộ nhớ. Với phương châm "Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học", đó cũng là niềm vui. Ông còn nói vui: “Ngộ nhỡ về nơi chín suối thì xuống dưới đó cũng… dễ xin việc".

(Nguồn: http://gdtd.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...