Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Dành trọn tình yêu cho trẻ thơ
Tháng 7/2013 vừa qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất. Mỗi tác phẩm của ông là quà tặng quí giá mà ông dành tặng cho cuộc đời này. Ngồi trò chuyện với nhạc sĩ trong căn phòng phần nhiều diện tích dành cho sách, trước nụ cười hồn hậu thường trực, tôi hiểu phần nào vì sao nhiều thế hệ thiếu nhi lại yêu mến ông đến thế.
Sáng tác từ chất liệu dân ca
Chúng ta biết đến những ca khúc: Con kiến mà leo cành đa, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Cái cò đi đón cơn mưa, Tu hú là chú bồ các, Rềnh rềnh ràng ràng, Con chim chích choè… là những sáng tác từ những khúc hát đồng dao dựa trên những câu văn vần cổ và âm hưởng dân ca của các vùng quê.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Theo trào lưu mới, các bạn nhỏ bây giờ rất thích ca khúc quốc tế, các nhạc sĩ phải bắt kịp được sở thích đó, các bài hát đồng dao tuy dựa vào lời cổ, được thổi vào một âm hưởng dân gian nhưng vẫn có một số tiết tấu rộn ràng, dễ nhớ, dễ hát nên đã đi vào lòng bạn nhỏ yêu nhạc”.
Ông còn quan niệm rằng: “Cái khó của ca khúc thiếu nhi là phải thích hợp ngay cả những lúc các em vui chơi”. Khúc hát đồng dao đã làm được điều đó, lúc chơi đồ hàng đóng giả bà cháu đã có bài hát Cái bống, lúc nghịch ngợm thì có Ba bà đi bán lợn con... hay chính từ khúc hát mà các em sáng tạo ra các trò chơi, đóng kịch nhập vai như: Bà còng đi chợ giời mưa… Những điều rất đơn giản như vậy đã tạo nên một thể loại ca khúc mới được trẻ em ưa thích.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường
Hồn nhiên, trong sáng, dễ hát, dễ nhớ, đó là những đặc điểm dễ nhận ra trong các bài hát cho thiếu nhi của ông. Và đi đến đâu ông cũng để lại cho các em ở đó một ca khúc xinh xắn: Chú voi con ở bản Đôn (Đắc Lắc), bài hát được sáng tác vào mùa hè năm 1983 khi nhạc sĩ đi thực tế tại Đắc Lắc.
Ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đến nơi thì được nghe các cán bộ kể chuyện về những con voi được thuần dưỡng ở Buôn Đôn. Trong lòng ai cũng háo hức được tận mắt nhìn thấy những chú voi Buôn Đôn. Nhưng khi đoàn tới Buôn Đôn thì đàn voi lớn đã theo những người trong bản lên rừng hết, quanh bản chỉ còn lại những chú voi con.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên có nói với mọi người trong đoàn một câu: “Không có voi to thì viết về voi con”. Tưởng ông chỉ nói chơi vậy thôi, ai ngờ nhạc sĩ sáng tác được bài hát về những chú voi con thật. Ngay tối hôm đó bài hát: “Chú voi con ở bản Đôn” đã chào đời. Ca khúc nhanh chóng được mọi người trong bản thuộc và hát mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ các em thiếu nhi mà ngay cả các cụ già cũng gật gù nhẩm theo giai điệu “Chú voi con ở bản Đôn”.
Bài hát trở thành niềm tự hào, và biểu tượng của người dân Đắc Lắc. Bất ngờ hơn là bài hát còn được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh truyền hình Đắc Lắc và nhanh chóng lan tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày nay, dù là ở Tây Nguyên hay ở đồng bằng, miền xuôi hay miền ngược, khán giả đều biết đến và yêu thích giai điệu hóm hỉnh, vui tươi của “Chú voi con ở bản Đôn”.
Sau khi “Chú voi con ở bản Đôn” ra đời, năm 2001 cán bộ và nhân dân Đắc Lắc đã mời nhạc sĩ quay trở lại thăm Tây Nguyên. “Khi về, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc tặng cho tôi bức phù điêu hình ảnh chú voi bên cạnh có một đôi trai gái và hình ảnh nhà rông biểu tượng của Tây Nguyên”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại. Bức phù điêu được nhạc sĩ treo vào nơi trang trọng nhất trong căn phòng. “Đó là giải thưởng cao quý nhất mà ông đã đạt được trong suốt quãng thời gian sáng tác nhạc. Giải thưởng của nhân dân trao tặng, đó là tình cảm yêu mến của nhân dân, điều mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được”, ông chia sẻ niềm tự hào.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: "Phạm Tuyên là một đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ". |
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa mà ông chia sẻ: Hồi ấy ông có cô con gái học ở Trường mầm non Thợ Nhuộm. Một hôm, cô giáo biết bố nó là nhạc sĩ nên xúi về bảo bố viết về trường mình. Nó "dọa" yêu rằng nếu bố không viết thì con không đi học đâu. Và thế là ca khúc "Trường chúng cháu là trường mầm non" ra đời. Và chẳng bao lâu sau, ca khúc này lan rộng trong Nam ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn cải biên lại theo ước muốn dễ thương của mình như "Trường của cháu đây là trường Hoa Sen", hay "Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc tuổi mười ba"…
Trong tổng số đồ sộ hơn 600 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có hơn 200 tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. Ngay từ khi ở chiến khu Việt Bắc ông đã có Em vào thiếu sinh quân, Lớp học rừng (1950), Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa (1950), tiếp theo là Tiến lên Đoàn viên (1954) với lời lẽ nhẹ nhàng mang tính ước mơ, với tình cảm trong sáng nhưng thật tha thiết “Tiến lên Đoàn viên em ước ao bao ngày, xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này…”. Bài hát đã nhanh chóng được các em đón nhận một cách nhiệt tình, và còn được ngân vang đến ngày nay.
(Nguồn: http://gdtd.vn)