Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: "Ra đi cùng tiếng hát trên đường xa"
Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Lương Ngọc Trác đã ra đi hồi 10h15 ngày 08/5/2013 hưởng thọ 85 tuổi. Từ một nhạc công chơi đàn trong tiệm nhảy, ông trở thành một chiến sĩ chiến đấu cầm súng chiến đấu trên “Lũy Hoa” rồi thành nhạc sĩ gắn bó suốt cuộc đời với âm nhạc trong quân đội.
Trên tất cả, bạn bè đồng nghiệp thương nhớ một nhạc sĩ đoàn trưởng trong công việc luôn nghiêm túc hết mình, trong cuộc sống luôn tế nhị, chân tình, lịch lãm và tử tế. Âm nhạc của Lương Ngọc Trác mang nhiều chất nam tính, mạnh mẽ, rộn rã… đôi khi có nét kịch tính song vẫn ẩn chứa chất trữ tình, đôn hậu.
Tuổi thơ và âm nhạc
Lương Ngọc Trác tên thật là Nguyễn Quế Ngạch, sau đổi thành Nguyễn Quế Trác, sinh 03/7/1928 quê quán ở làng Giao Tất, Gia Lâm, Hà Nội.
Cụ thân sinh là chủ cửa hiệu bán mũ Bắc Lâm trên phố Nhà Thờ. Tuổi thơ cậu gắn với tiếng đàn Ác-mô-ni-um từ nhà thờ vang sang… Năm mới 11 tuổi cậu được tham gia đội hợp xướng nhà thờ, được linh mục Antoine Mari Đô rất quý dạy thêm về piano… Bố dẫn cậu Trác đến nhà thầy Lưu Quang Duyệt xin cho cậu học nhạc, ban đầu học violon sau chuyển sang học đàn piano. Sinh thời cụ muốn con trai học về kinh tế để giúp cụ quản lý cơ sở kinh doanh, nhưng cậu Trác lại chỉ thích âm nhạc; thấy con mình say mê âm nhạc cụ cũng chiều.
Nhạc sĩ Quyết tử quân Lương Ngọc Trác với các em Vệ út Trang Công Lũy (phải), 10 tuổi và Phạm Đình Luận (trái), 9 tuổi - những chú bé liên lạc gan dạ trên chiến lũy Liên khu 1 |
Vừa học phổ thông cậu Trác vừa được học đàn, rồi tham gia các ban nhạc nghiệp dư biểu diễn ở hội Từ thiện, hội Truyền bá Quốc ngữ, các hội này do Việt Minh tổ chức. Học xong bậc trung học ở trường Louis Pasteur, 17 tuổi cậu tham gia chơi nhạc chuyên nghiệp: là nhạc công chơi đàn piano ở các tiệm nhảy: LuckyStar, Moulin Rouger, phòng trà Thiên Thai… Khi học, toàn chơi nhạc cổ điển, khi đi kiếm sống thì chơi nhạc khiêu vũ (hồi đó nhận thu nhập khá cao).
Trong danh mục biểu diễn thường là những tác phẩm của nhạc sĩ châu Âu, rồi một lần chơi nhạc phẩm Bóng ai qua thềm của nhạc sĩ Văn Chung, Lương Ngọc Trác thấy hay quá, tự hào và ước muốn sáng tác bài hát của mình. Anh sáng tác bản nhạc vũ khúc nhỏ - chịu ảnh hưởng của loại valse thành Viên - Vũ khúc tưng bừng vào tháng 6/1945. Bản nhạc này đã được ban nhạc của anh chơi ở tiệm Lucky Star khiến mọi người thích thú.
Thời gian đó, Thủ đô sôi sục không khí cách mạng, anh được bạn là cán bộ Việt Minh giao cho việc rải truyền đơn Việt Minh ở rạp hát. Sau ngày 2/9/1945 Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức buổi hòa nhạc chào mừng lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên dàn nhạc gồm hơn ba chục nhạc công dàn kèn nhà binh, hai chục đàn dây nhóm Bình Minh của nhạc sĩ Minh Tâm, chính tác giả mới 17 tuổi chơi piano dưới sự chỉ huy của ông Đinh Ngọc Liên tác phẩm mà ông Minh Tâm đặt lại tên là Vũ khúc tươi sáng. Buổi hòa nhạc thành công ngoài dự kiến. Đến cuối năm 1945, nhạc sĩ Phạm Văn Xung đặt lời và nhạc sĩ Minh Tâm dựng múa cho các nữ sinh trường Đồng Khánh biểu diễn. Bốn chục năm sau Lương Ngọc Trác mới làm lời ca mới cho tác phẩm này.
Từ Thủ đô huyết thệ đến Trường chinh ca
Có lẽ hiếm nghệ sĩ nào được chọn làm hình mẫu nhân vật như Lương Ngọc Trác: đó là người chiến sĩ tay cầm súng, với cây đàn bất ly thân trên chiến lũy cho những tác phẩm nghệ thuật: kịch Lũy Hoa, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong tiểu thuyết Đất nước của nhà văn Hữu Mai. Sau này đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng phim Hà Nội mùa Đông năm 46 vẫn hiện lên hình ảnh người chiến sĩ dũng cảm, người nghệ sĩ tài hoa: vẻ hào hoa của người Hà Nội trên những dặm đường chiến tranh vệ quốc?
Ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến, anh tham gia tự vệ phố Nhà Thờ nơi gia đình anh ở. Đầu năm 1947, trung đoàn Thủ đô thành lập anh trở thành chiến sĩ trung đoàn. Tham gia trận dốc Hàng Mành và bị thương vào chân đúng mồng năm tết được cấp cứu ở quân y phố Hàng Buồm.
Nằm vừa đau vừa buồn bực, thấy tờ báo Vệ Quốc quân để bên cạnh có bài thơ của Mạc Tần, anh đọc thấy đúng tâm trạng mình quá. Như sau này anh đã ghi lại “Linh cảm thấy cuộc chiến đấu này, cuộc đời tôi đã thay đổi - Từ biệt vũ trường, tiệm rượu, từ biệt một trời son phấn thề quyết hy sinh phá ngục tù… Bài hát Mơ đời chiến sĩ được viết trong âm vang tiếng súng vọng từ chợ Đồng Xuân. Tôi cầm đàn hát trong Quân y phố Hàng Buồm nơi đang điều trị.
Sau đó cuộc rút quân thần kỳ trung đoàn đi dưới gầm cầu Long Biên vượt sông bằng thuyền, về vùng tự do thuộc huyện Đông Anh. Bài Mơ đời chiến sĩ được hát lên trước đoàn quân trong cuộc liên hoan đón đồng chí Võ Nguyên Giáp đến thăm trung đoàn gây xúc động trong mỗi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ngày ấy.
Năm 1947 đầy gian khổ, trực tiếp tham gia những trận chiến đấu đầy gian khó, những dặm đường hành quân là niềm cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác Thủ đô huyết thệ phổ thơ Trịnh Đình Báu, (27/3/1947), Ngày về phổ thơ của Chính Hữu (07/1947) khi vết thương chưa lành, sốt rét nặng áo rách tả tơi, thiếu ăn nhưng vẫn mơ về Thủ đô yêu dấu. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nhận xét: “Ngày về là một khúc aria opera, bài hát có tính cách và số phận của nhân vật”.
Chiến thắng của tiểu đoàn 42 trên bến Bình Ca gợi cảm hứng hào hùng để các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Duy và Lương Ngọc Trác cùng viết bốn tác phẩm. Khi anh đưa bản nhạc Lô giang cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đem in, anh dùng ghi bút danh Lương Ngọc (tức là người con lương thiện của ông Ngọc) ông Phước ghi một chữ Trác nho nhỏ để đánh dấu, ai ngờ cái bút danh đó gắn với ông cả đời, đến nỗi có lần ông kể vui vui “Gay nhất là ghi sai cả giấy cung cấp tài chính, cả giấy khen, giấy công nhận huân huy chương và cô con gái rượu Á hậu báo Tiền Phong năm 1988 Nguyễn Thu Mai cũng bị “nghi” là con nuôi bởi khác họ với mình
Tháng 1/1948 anh gặp trưởng ban chính trị trung đoàn Hoàng Đức Nghi, anh Nghi vui quá hồ hởi báo tin “Trác ơi, trung đoàn ta giỏi lắm! Chiến thắng, một cuộc vạn lý trường chinh, cậu phải có tác phẩm ngay đi”. Đêm đó ngồi bên bếp lửa ở bản Lắc, chợ Chu, Bắc Cạn anh phổ thơ Trường chinh ca của Lê Minh, một chiến sĩ cùng đơn vị (sau đó Lê Minh bị ốm nặng phải về nhà điều trị, anh được biết Lê Minh phải đưa sang Pháp điều trị, khỏi bệnh, Lê Minh ở lại Pháp học nghề và phấn đấu trở thành kỹ sư. Năm 1999 Lương Ngọc Trác bất ngờ nhận được tập thơ Quê hương của Lê Minh do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Cảm động về tình bạn xưa, anh đã phổ nhạc bài thơ Em với anh, tháng 3/2000 bài hát được phát trên đài chỉ mấy tháng sau thì Lê Minh qua đời).
Năm 1953 anh được phân phụ trách nhóm văn công dự Festival Thanh niên thế giới lần thứ 2 tại Rumani, chương trình của đoàn được nhiệt liệt hoan nghênh, được thu thanh ở các đài Bucharest, Moskva, Nam Ninh. Về tới Việt Nam được lệnh đi thẳng ra mặt trận phục vụ chiến dịch Điện Biên năm tháng trời.
...Giờ đây nhạc sĩ đã ra đi mãi mãi, trong tâm hồn những đồng nghiệp của ông vẫn mãi lưu giữ hình ảnh một người lính mái tóc bạc, dáng cao cao, luôn có nụ cười trên môi sẵn lòng chia sẻ với đồng đội những niền vui nỗi buồn.
Nghe một số ca khúc của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác
* Thủ đô huyết thệ:
* Trường Chinh ca:
* Mơ đời chiến sĩ:
* Những ô cửa sổ:
Vài nét về Lương Ngọc Trác Tự nhận công tác chính của mình là quản lý và chỉ đạo các đơn vị văn công quân đội, ban đầu ông là đội trưởng văn công Đại đoàn Quân Tiên phong 308 (1951) rồi trưởng ban nghệ thuật phòng Văn nghệ Quân đội (1955) đến... 4 lần được cấp trên giao nhiệm vụ đoàn trưởng chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Quân đội (Tổng cục Chính trị) những năm 1954, 1958, 1966, 1983. Gia tài âm nhạc ông để lại không nhiều, ông tự chọn ra phần sáng tác chỉ gồm 55 ca khúc, và 15 tác phẩm khí nhạc. Ông được trao huân chương “Chiến sĩ” 1952, huân chương Độc lập hạng Ba 1996, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú 1997, đồng tác giả sáng tác nhạc cho vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT 2001. Ông đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001. |
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)