Kỉ niệm 110 năm ngày sinh: Aram Khachaturian

01/04/2013

Aram Illyich Khachaturian (1903-1978)

Aram Illyich Khachaturian sinh ngày 24 tháng 5 (theo lịch mới là 6 tháng 6 năm 1903 tại Tiflis (ngày nay là Tbilisi, thủ đô Gruzia), mất ngày 1 tháng 5 năm 1978 tại Moscow.

Tiểu sử Aram Khachaturian, nhà soạn nhạc vĩ đại người Armenia, rất thú vị. Ông sinh ra tại Tifflis, thủ đô Gruzia, trong gia đình thợ đóng sách người Armenia. Cha mẹ ông không hề học nhạc, nhưng là những người rất tài năng trong lĩnh vực này, vì thế ngôi nhà của họ luôn tràn đầy các giai điệu âm nhạc, các bài ca và những điệu múa. Nhà soạn nhạc tương lai yêu thích âm nhạc từ thuở ấu thơ, biết chơi các nhạc cụ dân gian từ rất sớm, tuy vậy cho đến tận năm 19 tuổi Aram không hề học nhạc lý, cũng không hề có khái niệm gì về nhạc giao hưởng và opera.

"Tifflis xưa là một thành phố âm nhạc", ông hồi tưởng về thành phố tuổi thơ của mình. "Để có thể đắm mình vào không gian âm nhạc, tạo thành từ rất nhiều nguồn khác nhau, người ta chỉ cần đi theo các con phố nhỏ rời xa trung tâm thành phố một chút..." Hồi đó, trong thành phố có chi nhánh của Hội Âm nhạc Nga, Học viện Âm nhạc và nhà hát Opera Italia. Các nghệ sĩ lớn như Fedor Saliapin, Sergei Rachmaninov, Konstantin Igumnov từng biểu diễn ở đây. Thành phố này cũng là nơi hoạt động của các nhà soạn nhạc về sau sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự xuất hiện của trường phái âm nhạc Gruzia và Armenia.

Năm 1921 cùng với một nhóm thanh niên Armenia, Aram Khachaturian đến Moscow, thi vào khoa dự bị để sau đó dự thi vào khoa Toán-Lý đại học Tổng hợp Moscow. Một năm sau, năm 1922, Khachaturian một mình thi vào lớp cello Học viện Âm nhạc mang tên Anh em Gnessin, nơi ông nhận được sự giúp đỡ tận tình và nguồn cổ vũ mạnh mẽ từ các nhà sư phạm âm nhạc tài danh thời đó. Chàng trai Armenia tài năng lọt vào mắt xanh của Mikhail Gnessin và được nhà soạn nhạc này giúp đỡ rất nhiều trong học tập. Tại Moscow, lần đầu tiên trong đời Aram Khachaturian đi nghe hoà nhạc và biết đến nhạc giao hưởng.

Sự nghiệp của Khachaturian với tư cách là nhà soạn nhạc được xác định dứt khoát vào năm 1925, khi trong Học viện Gnessin xuất hiện lớp soạn nhạc. Khachaturian đã nhận được các kiến thức đầu tiên về soạn nhạc tại đây. Các tác phẩm của Beethoven và Rachmaninov làm rung động tâm hồn ông và cho ông nguồn cảm hứng để viết nên tác phẩm đầu tay "Vũ điệu cho violin và piano". David Oistrakh viết về tác phẩm này của Khachaturian như sau: "Là một nghệ sĩ vĩ cầm, tôi tự hào là "Vũ điệu..." - tác phẩm đầu tay của Aram Khachaturian, được viết cho violin. Nhà soạn nhạc vĩ đại hiểu cây vĩ cầm như một nghệ sĩ vĩ cầm thực thụ".

Tác phẩm đầu tay này đã thể hiện những nét đặc trưng cho phong cách của Khachaturian: tính ngẫu hứng, đa dạng, các thủ thuật biến cách, các thủ thuật để đạt được hiệu ứng màu âm của các nhạc cụ truyền thống phương Đông, và nhất là các ostinato được mệnh danh là "khoảnh khắc Khachaturian". Về sau chính nhà soạn nhạc đã viết: "Các khoảnh khắc đó tôi đã từng nhiều lần nghe thấy trong tuổi thơ, trong âm vang của các nhạc cụ dân gian như buben, kermancha hay sazandar-tar..."

Năm 1929 Khachaturian thi vào Nhạc viện Moscow, theo học lớp soạn nhạc dưới sự hướng dẫn của nhà sư phạm âm nhạc Nikolai Iakovlevich Miaskovsky. Cùng năm này Khachaturian gia nhập dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Moscow.

Việc S. Prokofiev thăm lớp soạn nhạc của Miaskovsky năm 1933 có ảnh hưởng lớn đến Khachaturian. Về phần mình, các sáng tác đầu tay của nhà soạn nhạc trẻ tuổi cũng khiến S.Prokofiev quan tâm đặc biệt, tới mức ông mang chúng theo trong chuyến đi Paris của mình và tại đây các tác phẩm này đã được trình diễn.

Trong thời gian này Khachaturian chuyển hướng từ các tác phẩm nhỏ tới các hình thức lớn hơn. Năm 1932 ông hoàn thành Suite dành cho piano, mà phần đầu tiên "Tokkata" sau này trở nên rất nổi tiếng, được nhiều nghệ sĩ piano tài năng thể hiện. Năm 1933 ra đời tác phẩm Suite dành cho dàn nhạc giao hưởng, cũng được giới âm nhạc đánh giá cao. Năm 1934 ông tốt nghiệp Nhạc viện và bắt đầu học nghiên cứu sinh. Tên họ của ông được khắc bằng chữ vàng trên một tấm bảng treo bên lối vào phòng hoà nhạc nhỏ của Nhạc viện.

Năm 1935 tại phòng hoà nhạc của Nhạc viện Moscow bản giao hưởng số 1 của Khachaturian được dàn nhạc biểu diễn dưới sự chỉ huy của E. Senkar. Bản giao hưởng này được coi như tác phẩm tốt nghiệp của Khachaturian. Nó đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời nhà soạn nhạc và mở đầu một giai đoạn mới.

Năm 1937 "concerto dành cho piano và dàn nhạc" của Khachaturian lần đầu tiên được trình diễn. Cùng với các tác phẩm trước đó, bản concerto đã mang lại cho ông vinh quang trên toàn thế giới. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của Khachaturian sáng tác trước chiến tranh Vệ quốc có Giao hưởng số 2. Trong Chiến tranh Vệ quốc ông làm việc cho Đài phát thanh Liên Xô, viết các ca khúc có nội dung ái quốc và các hành khúc. Sau chiến tranh ông trở lại với nhạc cổ điển và viết nên những tác phẩm lớn mang tầm cỡ thế giới.

Khachaturian đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của mình trong các thập kỷ tiếp theo. Ông dành mối quan tâm lớn cho việc sáng tác nhạc nền cho các tác phẩm kịch nói, mà nổi bật nhất là nhạc nền cho các vở Bà goá thành Valencia của Lope de Vega (1940) và Dạ hội hóa trang của Lermontov (1941). Các suite viết trên cơ sở nhạc nền của các vở kịch này về sau trở thành các tác phẩm âm nhạc độc lập và thường xuyên được trình diễn trong các chương trình hoà nhạc lớn.

Khachaturian cũng hiểu rõ tầm quan trọng của âm nhạc trong cấu trúc một tác phẩm điện ảnh và coi trọng việc sáng tác nhạc nền cho phim điện ảnh. Ông đã viết cho điện ảnh rất nhiều, đáng kể nhất phải nói đến nhạc nền các phim Pepo và "Zangezar, bởi các tác phẩm này đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Khachaturian. Tuy nhiên, tài năng thiên bẩm của ông thể hiện trọn vẹn ở các tác phẩm giao hưởng. Các bản concerto cho piano với dàn nhạc (1936) và violin với dàn nhạc (1940) thành công vang dội, thể hiện sự tiếp tục và phát triển nâng cao các xu hướng đã bước đầu hình thành trong các suite trước đó và trong Giao hưởng số 1, về sau này chúng trở thành những đặc điểm chính làm nên phong cách của Khachaturian. Trong thể loại concerto ông cũng có những sáng tạo và cách tân độc đáo và táo bạo.

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu năm 1941, khi Khachaturian đã nổi tiếng và được xếp vào hàng các nhà soạn nhạc lớn của đất nước. Trong thời kỳ chiến tranh bất chấp mọi khó khăn gian khổ, ông vẫn say mê tìm tòi sáng tạo, nhiều tác phẩm của ông vẫn nối tiếp nhau ra đời và được trình diễn.

Vở ballet Armenia đầu tiên với nhan đề Hạnh phúc được Khachaturian viết từ năm 1939, nhưng những khiếm khuyết của libretto khiến nhà soạn nhạc phải viết lại âm nhạc hầu như từ đầu, và trên cơ sở đó vở Gayane viết theo libretto của K. Derzhavin được hoàn thành. Trong tác phẩm này Khachaturian kết hợp một cách tài hoa các truyền thống của ballet cổ điển với nghệ thuật ca vũ kịch dân gian. Ballet Gayane cho đến ngày nay vẫn thường xuyên được trình diễn trong các nhà hát nổi tiếng trên toàn thế giới. Buổi biểu diễn ra mắt của vở ballet này được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 năm 1942, đúng vào những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Vệ quốc. Ba suite do Khachaturian sáng tác trên cơ sở âm nhạc của Gayane cũng trở thành các tác phẩm độc lập được nhiều người mến mộ. Năm 1943 tác phẩm được trao giải thưởng Stalin hạng nhất - một trong những giải thưởng lớn nhất của nhà nước Liên Xô trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chỉ một thời gian ngắn sau đó vở ballet Gayane đã nổi tiếng trên toàn thế giới.

Năm 1943 Khachaturian hoàn thành Giao hưởng số 2. Trong tác phẩm viết vào thời chiến này thể hiện những khía cạnh mới, rất độc đáo của tài năng và sáng tạo. Âm nhạc được làm giàu thêm bởi những sắc màu mới, mang tính hoành tráng và bi hùng. "Giao hưởng số 2 của Khachaturian là tác phẩm đầu tiên của nhà soạn nhạc thiên tài, trong đó cái bi được nâng lên một tầm cao đến như thế," - D.Shostakovich viết. "Tuy nhiên, bất chấp bản chất bi kịch của nó, cả tác phẩm vẫn tràn đầy lạc quan và niềm tin vào chiến thắng. Sự kết hợp tính bi kịch và sức sống tràn đầy trong tác phẩm này cho nó một sức mạnh truyền cảm lớn".

Năm 1944 Khachaturian sáng tác bản Quốc ca Armenia. Một năm sau, không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, ông hoàn thành Giao hưởng số 3 "Chiến thắng". Tác phẩm tràn đầy cảm hứng yêu nước, một bản hành khúc chiến thắng, bản nhạc mà viện sĩ B.V. Asaphiev viết: "Âm nhạc của Khachaturian vẫy gọi: "Sẽ là ánh sáng! Sẽ là niềm vui!"

Mùa hè năm 1946 nhà soạn nhạc vĩ đại hoàn thành bản concerto cho cello, được nghệ sĩ S.Knushevitsky trình bày tại Moscow và thành công vang dội. Cùng thời gian đó ông viết một loạt các ca khúc nghệ thuật phổ thơ các nhà thơ nổi tiếng của Armenia. Nếu như concerto luôn là thể loại yêu thích của nhạc sĩ thì loạt các ca khúc này có thể nói là thử nghiệm đầu tiên của ông trong thể loại ca khúc nghệ thuật.

Năm 1956 đánh dấu sự thành công của một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Aram Khachaturina - vở ballet Spartacus. Xét về chiều sâu ý tưởng, về độ chói sáng của hình tượng nghệ thuật, về tính hoành tráng của tác phẩm kịch nghệ và những cách tân và sự dũng cảm trong cách giải quyết các vấn đề học thuật trong nghệ thuật nhạc kịch đương đại, vở Spartacus đáng được xếp vào hàng những vở ballet lớn nhất thế kỷ XX. Ballet Spartacus trở thành tác phẩm lớn nhất của Khachaturian thời hậu chiến. Tổng phổ của nó đã được nhà soạn nhạc hoàn thành vào năm 1945, nhưng đến tháng 12 năm 1956 mới được công diễn lần đầu tiên. Từ đó trở đi vở diễn liên tục có mặt trên sân khấu nhiều nhà hát danh giá nhất thế giới.

Đồng thời Khachaturina cũng làm việc nhiều với nhà hát và điện ảnh. Nhạc nền cho vở kịch nói Vũ hội giả trang của M.Iu. Lermontov được đánh giá cao. Giai điệu của nhiều ca khúc do ông sáng tác trở nên rất được ưa chuộng và trở thành những bài hát yêu thích của nhiều thế hệ.

Các tác phẩm điện ảnh Xô viết do ông sáng tác nhạc nền cũng trở nên rất nổi tiếng. Đó là các phim như Pepo, Vladimir Illyich Lenin, Đô đốc Ushakov, Trận Stalingrad...

Từ năm 1950 Khachaturian còn làm việc với dàn nhạc với tư cách nhạc trưởng và đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, ông trở thành giáo sư Nhạc viện Moscow và ĐH Sư phạm âm nhạc mang tên anh em Gnessin.

Năm 1956 Khachaturian được nhận giải thưởng Lênin cho toàn bộ sự nghiệp của mình. Ông tiếp tục sáng tác hầu như đến cuối đời, nhưng các tác phẩm sau này như các concerto cho violin, cello, piano và dàn nhạc (1961, 1963, 1967), các sonata cho cello, violin và alto (1974, 1975, 1976) đã không vượt qua được đỉnh cao sáng tạo của các năm trước đó.

Khachaturian dành nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục, suốt một thời gian dài giảng dạy lớp soạn nhạc tại Nhạc viện Moscow và ĐH SP Âm nhạc mang tên Anh em Gnessin. Ông phát triển lên đến đỉnh cao các nguyên tắc sư phạm của thầy mình là Miaskovsky, cùng với kinh nghiệm sáng tạo của cá nhân, ông trở thành người sáng lập một trường phái soạn nhạc - trường phái Khachaturian.

Khachaturian cũng đạt được những thành công nhất định trong vai trò nhạc trưởng, dù ông trở thành nhạc trưởng một cách tình cờ: Trong buổi hoà nhạc với sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng Leonid Kogan mừng Viện sĩ Vavilov những người tổ chức muốn mời ông đích thân chỉ huy dàn nhạc. Thành công của buổi hoà nhạc đó mở đầu cho sự nghiệp của Khachaturian với tư cách nhạc trưởng.

Đời tư của nhà soạn nhạc vĩ đại không nhiều sóng gió. Người vợ đầu tiên sinh cho ông một cô con gái - Nune Aramovna Khachaturian, về sau trở thành một nghệ sĩ piano. Năm 1933 ông cưới vợ lần thứ hai, bà Nina Makarova cùng học với ông trong lớp của Miaskovky. Từ cuộc hôn nhân thứ hai và rất hạnh phúc này ông có một con trai, Karen Khachaturian, hiện là một nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng.

Trong đời hoạt động nghệ thuật của mình Aram Khachaturian nhận được nhiều giải thưởng lớn của quốc gia và quốc tế. Năm 1963 ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học nước cộng hoà Armenia, viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Âm nhạc Italia Santa Cecilia (1960), giáo sư danh dự Nhạc viện quốc gia Mexico (1960), Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật Cộng hoà Dân chủ Đức (1960). Ông được trao danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ nghệ thuật năm 1965.

(Nguồnhttp://www.nhaccodien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...