Đàn bầu trong sáng tác mới
Chỉ một câu làm như cảnh báo răn đe thôi mà ông bà ta đã khéo quảng bá cho sức quyến rũ của cây đàn đơn sơ dân dã: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” (ca dao).
Chỉ một câu hát thôi mà thấy được cái cội nguồn thân thương của cây đàn có âm thanh rất gần với giọng người: “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” (Nguyễn Đình Phúc).
Không chỉ một lần, sức biểu cảm của cây đàn mang hồn Việt ấy đã đi vào thi ca: “Tiếng ngân ngân tận cõi nào/ Dư âm rơi ngẩn ngơ vào tim ai” (Nguyễn Hải Phương), “Một dây nũng nịu đủ lời/ Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh” (Văn Tiến Lê)… Và “Nửa bầu mà rót hoài không cạn” (Hoàng Trang).
Thế cũng đủ hiểu phần nào sức sống của cây đàn sinh ra trong dân gian (với tuổi đời chừng 300 năm), bình dị mộc mạc từ tên gọi đến hình thức và chất liệu cấu tạo. Cây đàn đã nhiều đời gắn với chiếu xẩm ven đường góc chợ (vì thế mà còn được gọi là đàn xẩm!), từng trải qua mọi thăng trầm lịch sử cùng nhiều thể loại âm nhạc cổ dân tộc (với nhạc thính phòng Huế từ thế kỷ XIX, với đờn ca tài tử Nam bộ từ đầu thế kỷ XX…). Và giờ đây vẫn góp một tiếng nói riêng, một âm sắc đặc trưng dân tộc Việt trong đại dương âm thanh vô tận của nhân loại.
Cũng như các nhạc cụ cổ truyền khác, từ nguyên tắc diễn tấu ngẫu hứng không văn bản, đàn bầu ngày nay đã đi vào những sáng tác có tác giả, có văn bản. Cây đàn ít dây nhất này xuất hiện trong nhạc mới còn nhiều hơn các nhạc cụ cổ truyền khác, nếu thống kê sắp hạng, chắc hẳn đàn bầu đứng đầu bảng. Sự hiện hữu của đàn bầu trong nhạc mới có bằng chứng “giấy trắng mực đen” hẳn hoi, đó chính là tổng phổ các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc trong ngót 60 năm qua, tính từ cột mốc đầu tiên năm 1957 với Nông thôn đổi mới - Tô Vũ và Tạ Phước, Trên đường xa - Văn Thư.
Từ thập niên 60, dàn nhạc dân tộc bắt đầu được xây dựng theo biên chế tổ/bộ của dàn nhạc phương Tây. Trong tổng phổ, đàn bầu thường đứng riêng, không thuộc bộ hơi, hoặc kéo, hoặc gảy. Thuộc họ dây, chi gảy, nhưng cũng có lúc bầu được xếp cùng nhóm các nhạc cụ có thể tấu giai điệu độc lập như sáo, nhị, như trong tổng phổ Chung 1 niềm tin - Xuân Khải. Đôi khi dàn nhạc tăng biên chế cho đàn bầu: hai bầu cùng chung một bè đồng âm (unison) hoặc tách bè (divisi), như trong giao hưởng số 2 cho dàn nhạc dân tộc Không có gì quý hơn độc lập tự do - Nguyễn Đình Phúc, Vùng cao - Nguyễn Sĩ Hiển và Trần Quý.
Vai trò của đàn bầu trong hòa tấu khá đa năng, từ chơi đồng âm đến diễn tấu độc lập, từ tạo nền hòa thanh đến chơi giai điệu chính.
Về đồng âm, bầu đúp bè không chỉ với các nhạc cụ cổ truyền mà còn tham gia pha trộn âm sắc Đông - Tây trong sự “đồng thanh tương ứng” với nhạc cụ phương Tây, những “vị khách mời” của dàn nhạc dân tộc “hỗn hợp”, như oboe và orgue trong chương III (Tiếng ru trong đêm) tổ khúc bốn chương Tây Nguyên - Trần Quý, với orgue và clarinette trong Hội xuân - Doãn Tiến, với oboe trong Trên đồng ruộng quê hương - Trần Luận.
Về tấu bè độc lập, bầu có vai trò không nhỏ trong một số tác phẩm viết cho nhạc cụ khác solo, ở đó bầu đi giai điệu phụ họa hoặc đối đáp xen kẽ với nhạc cụ solo, có chỗ đối thoại gần như hai nhạc cụ bình đẳng song tấu trên nền đệm của dàn nhạc. Có thể thấy điều này trong một số tác phẩm: Dân Mường đi theo Đảng - Nguyễn Đình Phúc viết cho sáo trúc độc tấu cùng dàn nhạc dân tộc, Khúc tâm tình quê hương - Xuân Tứ với đoạn gian tấu đối thoại giữa bầu với sáo (chương II), concertino Biển - Phương Bảo và Trần Quý viết cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc.
Quan trọng nhất là vai trò độc tấu cùng dàn nhạc. Vị trí solist của bầu trên nền đệm của dàn nhạc dân tộc được các nhạc sĩ sáng tác khẳng định từ những năm 60 với Dòng kênh trong - Hoàng Đạm (1963), Vì miền Nam - Huy Thục (1964), chương III Mẹ và con của Ông Gióng - Nguyễn Xuân Khoát (1965)… Đàn bầu được tôn vinh trong hàng loạt tác phẩm của các tác giả vốn là nghệ sĩ chơi đàn dân tộc: Buổi sáng sông Hương và Cung đàn đất nước - Xuân Khải, Vũ khúc Tây Nguyên - Đức Nhuận, Khúc nhạc đồng quê và Sắc hoa bốn mùa - Hồng Thái, Gửi Thu Bồn và Nhớ về quê mẹ - Khắc Chí, Thoáng quê - Thanh Tâm… Đàn bầu Việt Nam còn độc tấu với dàn nhạc dân tộc Trung Quốc trong Sắc xuân - Đỗ Hồng Quân.
Bên cạnh việc “giao hưởng hóa” dàn nhạc dân tộc còn có quá trình “dân tộc hóa” dàn nhạc giao hưởng, tuy diễn ra muộn hơn nhưng ngày càng thu hút nhiều tác giả hơn. Trong phong trào “về nguồn” này, đàn bầu có mặt trong sáng tác giao hưởng nhiều đến mức khó mà thống kê đầy đủ ra đây và danh sách này sẽ còn tiếp tục nối dài trong tương lai: Bão lửa Thăng Long (Lê Khiêm), giao hưởng thơ Quê hương - Nguyễn Xinh, ouverture Chào mừng - Trọng Bằng, Ba Đình mùa thu ấy - Ngô Quốc Tính, Thành phố Hồ Chí Minh - Chu Minh và Trần Quý, concertino Biển quê hương - Trần Quý, Thăng Long 990 - Thế Bảo, ballade Huyền tích Trường Sơn - Ngô Quốc Tính, kịch múa Trương Chi - Nguyễn Thiên Đạo, oratorio Hoa Lư - Thăng Long, Bài ca dời đô - Doãn Nho, Thăng Long ngàn năm hội ngộ - Nguyễn Thiếu Hoa, Đối thoại - Đỗ Hồng Quân, Đất mẹ - Trần Mạnh Hùng...
Vốn âm vực rộng, tính năng linh hoạt, không bị đóng khung cố định vào phím đàn, đàn bầu ngày nay càng được mở rộng hơn âm lượng, âm sắc và khả năng diễn tấu. Giới nghệ sĩ đàn dân tộc cho rằng đàn bầu được cải tiến nhiều hơn các đàn cổ truyền khác. Hoàn toàn không hàm ý chê cây đàn cổ của tổ tiên lạc hậu, mà từ “cải tiến” ở đây chỉ mang ý nghĩa tạo thêm tính năng mới cho cây đàn phù hợp hơn với môi trường đương đại. Bên cạnh cây đàn bầu mộc còn có đàn bầu điện. Bên cạnh những ngón đàn cổ truyền đặc trưng như gảy bồi âm, luyến, láy, vuốt, vỗ, chạm, rung, giật…, đàn bầu còn có thêm những kỹ thuật diễn tấu mới như gảy hoặc vê hai chiều, gảy âm thực, chặn dây, tạo tiếng chuông, tạo bồi âm trên bồi âm (bồi âm kép), tạo hiệu quả hợp âm trên một nốt nhạc…
Trong sự phối hợp với dàn nhạc giao hưởng, âm sắc đàn bầu càng được phát huy với các hiệu quả âm thanh khác nhau. Những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, đàn bầu xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc thể nghiệm ngôn ngữ âm nhạc mới. Chẳng hạn, Hội mùa - Phúc Linh có cấu trúc phát triển trên nguyên tắc lòng bản: tác giả đưa ra motif hạt nhân cho các nhạc công có quyền lựa chọn và tạo ra cấu trúc mới với độ dài bao lâu tùy ý.
Đàn bầu đóng vai trò không nhỏ trong những tác phẩm chất chứa khát vọng trở về cội nguồn dân tộc của nhà soạn nhạc thuộc trường phái Tiên phong (Avant - garde) Nguyễn Thiên Đạo. Cũng với nguyên tắc nhiều bè phát triển độc lập theo chiều ngang đặc trưng của Á Đông, giao hưởng Hồn đất Việt - Nguyễn Thiên Đạo có một “màn” diễn tấu vừa quen vừa lạ: quen - vì âm sắc nhạc cụ cổ truyền với chất liệu hoàn toàn là nhạc cổ, lạ - vì sự kết hợp các tuyến giai điệu độc lập tạo ra những chồng âm ngẫu nhiên, bất định và không ngừng biến đổi. Trong khúc diễn tấu đa tầng ấy, đàn bầu chơi Hành vân song song với đường nét giai điệu ngâm thơ của sáo và tiêu, chầu văn của nguyệt, Trường tương tư của tỳ bà, Tứ đại cảnh của đàn tranh [thí dụ 1].
Trong Sóng nhất nguyên, cuộc đối thoại tay đôi với violoncelle - một nhạc cụ phương Tây cũng mang âm sắc giọng người - đã cho thấy một đàn bầu khác thường. Không bị ràng buộc vào trường độ và cao độ chuẩn mực, với cách “phát âm” tự do và lối diễn tấu ngẫu hứng, đàn bầu đã bước vào cuộc chơi âm thanh chưa từng biết đến trước đây, một thế giới hoang tưởng khó nắm bắt, vừa thần tiên, vừa ma quái [thí dụ 2].
Đàn bầu ngày nay vượt khỏi biên giới quốc gia không chỉ thông qua các tác phẩm của người Việt. Điều thú vị là trong chương trình biểu diễn của Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2016 có hai tác phẩm của các nhạc sĩ ngoại quốc viết cho cây đàn dân tộc cổ truyền Việt Nam: Cụ Rùa - Robert Casteels (Singapore) cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng, tứ tấu Du hành tới trăng lưỡi liềm (The ride to the crescent moon) - Natalya Vagner (Australia) cho flute, oboe, violon và bầu.
Ngôn ngữ âm nhạc thời đại luôn mở rộng cánh cửa cho khát vọng kiếm tìm hiệu quả âm thanh mới cho bầu nói riêng và nhạc cụ truyền thống nói chung. Sức sáng tạo là vô biên, để rồi thời gian sẽ sàng lọc ra những giá trị trường tồn. Bởi vậy, song song với nỗ lực bảo tồn - phát huy tính năng nhạc cụ cổ, chúng ta không hạn chế những thử nghiệm mới trên vốn cổ, bởi thử nghiệm càng phong phú và bất ngờ, càng chứng tỏ tiềm năng và sức bền của cây đàn cổ trong thế giới đương đại.
Tổng phổ sáng tác cho bầu trong sáu thập niên qua là dữ liệu văn bản làm giàu thêm cho lịch sử hình thành và phát triển vài trăm năm của đàn bầu - cây đàn nói tiếng Việt với ngữ điệu đặc thù sáu dấu giọng, cây đàn hát điệu Việt với các bậc non và già, nhấn và rung đặc trưng tâm hồn Việt.
05-10-2016