Sách về hai tượng đài âm nhạc của Việt Nam và thế giới

29/10/2019

Có gì tương đồng giữa một nhạc sĩ tài danh của Việt Nam với một nhạc sĩ tài danh của Mỹ, người đã đoạt giải Nobel Văn học vào năm 2016? Liệu Trịnh Công Sơn có phải là một Bob Dylan của Việt Nam? Có những tương đồng, dị biệt nào giữa họ xét trên tư cách nghệ sĩ và con người xã hội? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan do Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành.

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan (nguyên tác: Is Trinh Cong Son Viet Nam’s Bob Dylan?) là một “sân khấu” được dựng lên với những cuộc khảo sát thú vị trên các phương diện: tôn giáo, chính trị, chiến tranh, tình yêu.

Ngay từ tựa đề nguyên tác, John C. Schafer - một giáo sư người Mỹ đã tự tin đặt Trịnh Công Sơn và Bob Dylan vào hai vế của một phép so sánh. Phương pháp đối chiếu văn hóa được sử dụng để giải mã và triển khải nhiều vấn đề phức tạp: hình ảnh song hành (với Trịnh Công Sơn là Khánh Ly, với Bob Dylan là Joan Baez), truyền thống tôn giáo và thế giới quan (với Trịnh Công Sơn là Phật giáo, Bob Dylan là Thiên Chúa giáo) và hoàn cảnh xã hội Mỹ và Việt Nam trong một cuộc đối kháng được nhìn từ hai phía...

Cuốn sách "Trịnh Công Sơn và Bob Dylan" phần nào lý giải cho độc giả vì sao Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đã trở thành hai tượng đài văn hóa lớn. 

Từ đó, không chỉ vấn đề tiểu sử cá nhân, tiểu sử nghệ thuật, cá tính sáng tạo, vai trò trí thức của hai tài năng lớn được trình bày sáng rõ, mà cuốn sách này còn tái hiện một bức tranh thời đại biến động qua những tương đồng, dị biệt của hai nhân vật lớn thuộc về hai nền văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh xung đột, chiến tranh những năm 1960-1970.

Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của tân nhạc Việt Nam. Ông nổi lên như một hiện tượng âm nhạc trong đời sống văn hóa trí thức tại các đô thị miền Nam từ giữa thập niên 1960 với các ca khúc từ tình ca đến nhạc phản chiến, triết lý về thân phận. Cho đến ngày nay, nhạc Trịnh vẫn có một đời sống và sức ảnh hưởng riêng không chỉ với Việt Nam.

Còn Bob Dylan (tên thật: Robert Allen Zimmerman, sinh năm 1941) là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, biên kịch, diễn viên người Mỹ. Từ thập niên 1960 đến nay, có thể xem Bob Dylan là một biểu tượng văn hóa có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu. Với sự nghiệp âm nhạc, ông là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng danh giá. Vào năm 2016, ông còn gây bất ngờ lớn khi được vinh danh tại giải Nobel Văn học.

Cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan không dừng lại ở những vấn đề thuộc phạm vi âm nhạc, mà xa hơn còn soi tỏ một phông nền thời cuộc. Từ đó, có thể lý giải vì sao Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đã trở thành hai tượng đài vượt ra khỏi khuôn khổ nền văn hóa mà mình đại diện.

Tác giả John C. Schafer là giáo sư dạy môn Ngôn ngữ học ứng dụng và Văn chương đối chiếu tại Đại học Humboldt, California, Mỹ. Ông từng viết nhiều bài nghiên cứu về văn chương Việt Nam. Đề tài Trịnh Công Sơn đã được ông theo đuổi nhiều năm. Ngoài cuốn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, John C. Schafer còn là tác giả của một công trình khác: Đọc Phạm Duy và Lê Vân – Tư duy về nam và nữ giới (2015).

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.