Hát Xoan trên hành trình tiến tới danh hiệu di sản văn hóa
Chỉ còn hai tuần nữa quy trình bảo vệ hát Xoan để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 tổ chức sẽ diễn ra tại Hàn Quốc.
Đây không chỉ là tin vui đối với nghệ nhân, cộng đồng hát Xoan, mà còn là danh dự, là niềm tự hào, là sự thể hiện trách nhiệm của quốc gia trước sứ mệnh bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.
Dấu ấn đặc trưng của vùng đất Tổ
Hát Xoan là di sản văn hóa độc đáo và là sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Đến với hát Xoan, họ không chỉ cùng nhau trình diễn mà còn để giải tỏa bớt phiền muộn, tìm niềm vui trong sự hòa đồng và luôn tôn trọng lẫn nhau. Với những đặc trưng về tín ngưỡng, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian mang dấu ấn đặc trưng của vùng đất Tổ.
Năm 2009, hát Xoan được lựa chọn xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Tho”" trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Qua nhiều bước thực hiện, ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban liên quốc gia của tổ chức UNESCO họp tại Bali - Indonesia công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Sau sáu năm UNESCO công nhận, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ đặc biệt là của cộng đồng hát Xoan tại các phường Xoan gốc trong việc tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan, có thể khẳng định, hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại
Theo TS Lê Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Ngay từ khi được UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, chúng tôi đã có mong muốn trong thời gian gần nhất hát Xoan được chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Nỗ lực hồi sinh di sản
Thời gian qua, để giữ gìn và bảo tồn làn điệu hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 34 câu lạc bộ hát Xoan tại các xã, phường, cơ quan trường học trong tỉnh. Mỗi xã có 1 câu lạc bộ hát Xoan. Các tiết mục hát Xoan do các nghệ nhân của các phường Xoan gốc trực tiếp truyền dạy.
Bên cạnh việc mở lớp truyền dạy hát Xoan cho các hạt nhân văn nghệ của câu lạc bộ, tại các trường tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học cũng đã đưa hát Xoan vào chương trình học âm nhạc trong giờ sinh hoạt ngoại khóa của các trường. 100% các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì đã có giáo viên biết trình diễn và dạy hát Xoan. Hát Xoan giờ đây đã đi vào các tầng lớp, vào đời sống xã hội của người dân đất Tổ.
Có thể nói, những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ là cách làm khẳng định sức sống mạnh mẽ của hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với UNESCO và với di sản văn hóa Việt Nam của tỉnh Phú Thọ.
Và chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 sẽ diễn ra ở đảo Jeju, Hàn Quốc. Quy trình bảo vệ hát Xoan và những bài học kinh nghiệm tốt của nó sẽ được bàn đến trong chương trình nghị sự này.
Sự kiện này một lần nữa chứng tỏ rằng, hát Xoan đang trên hành trình tiến tới danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Thọ mà còn là niềm tự hào lớn lao của mỗi người con đất Việt thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tại kỳ họp thứ 10 năm 2015 UNESCO đã ra quyết định đặc cách ngoại lệ (trường hợp đầu tiên và duy nhất) đối với hát Xoan rằng: Di sản này đã thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và sẽ được làm hồ sơ để xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn)