Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động sáng tác, lưu hành và quảng bá tác phẩm
Sáng 31/10 tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) tổ chức hội thảo chuyên đề: “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung nhằm đánh giá mặt tích cực và hạn chế trong hoạt động sáng tác, biểu diễn tác phẩm nghệ thuật trong thời gian vừa qua; yếu tố tác động đến những lệch lạc trong sáng tác, xu hướng sáng tác, biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp trong quản lý nhà nước về thủ tục hành chính, khuyến khích các hoạt động sáng tác, biểu diễn và quảng bá tác phẩm ra công chúng.
Hiện nay, hoạt động sáng tác, phổ biến, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc diễn ra vô cùng sôi động, đa dạng và phong phú với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các chương trình truyền hình về sáng tác, biểu diễn, tìm kiếm tài năng nghệ thuật, hay đơn thuần chỉ là nghệ thuật giải trí với sự trợ giúp về phổ biến, lưu hành vô cùng tốc độ và hiệu quả của truyền thông trên môi trường mạng internet.
Tại Công văn số 5191 VPCP- KGVX ngày 22/5/2017, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Vương Duy Biên, người trực tiếp phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) kiến nghị sửa đổi Nghị định 79 và Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn theo hướng thông thoáng hơn bởi các nghị định sau một thời gian thực thi đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Nghệ sĩ ưu tú Trọng Thủy - Phó giám đốc Nhà hát tuổi trẻ chỉ ra bất cập trong việc cấp phép biểu diễn, cụ thể: Các chương trình ca múa nhạc trước khi xin được giấy phép, phải qua Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam để làm thủ tục. Có giấy xác nhận nộp tiền bản quyền thì Cục mới căn cứ vào đó xét duyệt cấp phép. Vậy nên chăng Cục và Trung tâm có sự phối hợp liên kết một cửa để tạo thuận lợi và giảm chi phí trong khâu thủ tục hành chính.
Tại Công văn số 5865/VPCP - KGVX ngày 6/6/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, những sự việc xảy trong thời gian gần đây liên quan hoạt động của Cục nghệ thuật biểu diễn cho thấy những bất cập trong công tác quản lý nhà nước của Ngành trong đó có những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ.
Theo ông Lê Minh Tuấn, phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Từ tháng 9/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ để hoàn thiện và triển khai áp dụng việc tiếp nhận, cấp giấy phép đối với các thủ tục hành chính về hoạt động lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; phổ biến tác phẩm trên cổng thoomg tin điện tử ở địa chỉ: dichvucong.bvhttdl.gov.vn. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm ca múa nhạc cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách cho đến việc áp dụng, thực thi chính sách vào thực tiễn đời sống, nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động cũng như nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng.
Theo thanh tra Bộ VHTT&DL thì: Bên cạnh những giá trị đạt được, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cũng đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng tới lối sống, đạo đức của giới trẻ. Vì thế, cần phải có chế độ nhằm khuyến khích tài năng sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn. Hoàn thiện pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Cần xây dựng Luật biểu diễn nghệ thuật, đồng thời điều chỉnh và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Nói về việc cấp phép đối với những tác phẩm trước năm 1975, ông Đặng Gia Duẩn - Phó giám đốc sở VHTT&DL Đắc Lắc cho rằng: Việc cấp phép như hiện nay đang là bất cập thì việc đưa ra danh mục tác phẩm cấm cũng sẽ là kẽ hở gây sự tò mò đối với công chúng và vô hình chung ở góc độ nào đó lại là sự tiếp tay cho việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi tác phẩm cấm. Bởi nếu không cấm, có thể họ không biết đến và cũng ít quan tâm, nhưng khi cấm có thể lại gây sự tò mò để họ tìm kiếm. Hiện nay, Internet đang tràn lan những sản phẩm “nhạc chế” độc hại, chúng ta đâu có cấp phép nhưng nó vẫn lan tràn. Vậy biện pháp hữu hiệu chính là dùng phơng pháp loại bỏ bằng an ninh mạng để giảm bớt những sản phẩm độc hại. Cần rà soát lại các văn bản để thống nhất 1 văn bản, làm sao để công tác quản lý thuận tiện hơn và nên chăng xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật chứ không chỉ là những nghị định, đặc biệt là tăng chế tài xử phạt để dảm bảo tình nghiêm minh.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Cấp phép biểu diễn là một đề tài gây nhiều phản ứng cho cộng đồng mạng. Những chỉ trích về các biện pháp chạy theo chữa cháy, về cách vận hành theo cơ chế xin cho, theo tôi, là phản ứng tích cực từ phía công chúng, bởi chính họ luôn là nạn nhân của trăm thứ thủ tục hành chính vốn “hành là chính”. Và họ muốn thấy Cục Nghệ thuật biểu diễn phải là tổ chức đồng hành cùng nghệ sĩ nhạc sĩ, hỗ trợ, khích lệ tổ chức biểu diễn, chứ không phải vật cản, nhăm nhe bắt lỗi và gây khó dễ. Gần đây còn vụ việc nữa cũng không kém ồn ào liên quan đến “dòng nhạc bolero”. Ai đúng ai sai giữa nhiều ý kiến trái chiều là câu chuyện dài khiến các nhà quản lý biểu diễn lúng túng. Có một điểm chung là gần như cả hai phía ủng hộ cũng như phản đối đều mặc định công nhận cái tên gọi rất kêu rất Tây do báo giới tung ra, bộc lộ sự thiếu hiểu biết về chuyên ngành âm nhạc và tâm lý sính ngoại, sính hình thức. Cũng như trước đây từng nảy sinh những cụm từ không chuẩn xác - như nhạc tiền chiến, nhạc trẻ… dù các nhà chuyên môn cố điều chỉnh mãi mà chẳng được. Báo chí còn dùng chiêu nói qua nói lại khích các nghệ sĩ miệt thị nhau, gây scandal không đáng có. Cứ thế, từ sự thiếu hụt kiến thức nghề nghiệp đã dẫn đến những câu chuyện “có vấn đề” về văn hóa ứng xử.
Mặc dù nghị định đưa ra và sửa đổi rất nhiều lần về việc cấp phép cho các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhưng vẫn còn những bất cập. Nhấn mạnh tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi 15/2016/NĐ-CP tuy đã có điều chỉnh nhiều, nhưng trong quá trình vận hành vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng nhấn mạnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Thậm chí chúng ta không gọi nghị định sửa đổi mà thông qua hội thảo như thế này, chúng tôi mong muốn có thể xây dựng được một Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, làm sao toát lên được tinh thần cởi mở, thể hiện được mấy chủ thể. Thứ nhất là tạo điều kiện cho công chúng thưởng thức tiếp cận được với nhiều sáng tạo nghệ thuật; Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi cho hành lang pháp lý đối với doanh nghiệp thực hiện trong lĩnh vực hoạt động này; Thứ 3 là tạo lợi cho công tác quản lý chặt chẽ, hạn chế những thủ tục hành chính rườm rà.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: Những đóng góp ý kiến của đại biểu tại hội thảo có ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý, điều hành, làm sao cải cách thủ tục hành chính, nâng tầm hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay.
(Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn)