Kết quả cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” 2017
Từ ngày 17 đến 20 tháng 8 năm 2017, cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” lần thứ nhất do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967-2017) và 72 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (1945-2017). “Tiếng hát ASEAN+3” là một sân chơi, là nơi giao lưu văn hóa của các quốc gia, góp phần tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Vòng Chung kết cuộc thi "Tiếng hát ASEAN+3" tối 20 tháng 8 năm 2017 có sự tranh tài của 10 thí sinh đến từ 7 quốc gia thuộc khu vực ASEAN có số điểm cao nhất được Ban giám khảo lựa chọn qua các vòng thi trước.
Đến dự đêm Chung kết có ông Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN; ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Trần Bình Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện các Đại sứ quán có thí sinh dự thi…
Ban giám khảo là những nhạc sĩ - ca sĩ nổi tiếng, những chuyên gia âm nhạc có trình độ chuyên môn: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Trưởng Ban; các thành viên: ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh, người đoạt giải Vàng cuộc thi Giọng hát Vàng Asean năm 2008; nhạc sĩ Rinraphat Rungrueang (Thái Lan), chuyên gia Ban quản lý Âm nhạc Đài Phát thanh quốc gia Thái Lan; nhạc sĩ Anna Tabita Abeleda-Piquero (Phillipines), chuyên gia quốc tế về nhạc hợp xướng, nhạc trưởng, giảng viên tại trung tâm âm nhạc Mdaz, Phillipines; nhạc sĩ James F.Sundah (Indonesia), nhà sản xuất âm nhạc và hoạt động bản quyền.
Các thí sinh thi vòng chung kết lựa chọn ca khúc tiếng Anh hoặc ca khúc của quốc gia mình để thể hiện. Do đây là cuộc thi mang tính chất giao lưu văn hóa nên thí sinh còn phải đại diện cho âm nhạc, văn hóa của quốc gia mình:
PhoneSaVanh Inthavong (Lào) với ca khúc tiếng Anh “I have nothing”, sáng tác: David Foster và Linda Thompson; Alvir Anthony Subrado (Philippines) với ca khúc tiếng Anh "Angles brought me here”, sáng tác: Guy Sebastian; Marutida Boonmongkol (Thái Lan) với một ca khúc tiếng Thái Lan do Đức Vua Bhumibol Adulyadej sáng tác mang tên “Still on my mind”; Chamroeun Sophea với bài hát sôi động “Bad boy” bằng tiếng Campuchia, nhạc: Nam Bunnarath, lời: Meas Sokrattanak; Phan Thu Lan với “Hello Việt Nam” - một tác phẩm có sự pha trộn độc đáo giữa văn hoá Việt và văn hoá châu Âu, tác tác: Marc Lavoine; Phạm Tiến Mạnh với ca khúc nổi tiếng “You raise me up”, nhạc: Rolf Loveland, lời: Brendan Graham; Darlin Joy Baje (Philippines) với ca khúc “One night only”, nhạc: Henry Kriege, lời: Tom Eyen; Ni Ni Khin Zaw (Myanmar) với ca khúc “Hope” mang nhiều ý nghĩa về đất nước con người Myanmar, sáng tác: Daw Aung Sun Su Kyi; Bilyana Lathisya (Indonesia) với ca khúc “Rise up”, sáng tác: Andra Day; Bùi Kiên Trung với ca khúc “Góc tối” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong được thể hiện một cách sôi động với vũ đoàn.
Nhạc sĩ Đồ Hồng Quân đã có những nhận xét:
Các thí sinh đều trẻ và có giọng hát chuyên nghiệp. Các tác phẩm âm nhạc được chọn đã vượt ra khỏi khu vực không chỉ các nước Asean mà mang mầu sắc quốc tế. Việc hát tiếng Anh của các thí sinh là một bước tiến mới, sự thử thách khó hơn về kỹ thuật thanh nhạc, mang bản sắc quốc tế hòa với bản sắc quốc gia, biểu hiện tinh thần quốc tế trong bản sắc dân tộc của mình. Tôi rất hài lòng khi các thí sinh đã có những bước cố gắng, kỹ thuật thanh nhạc tốt, trình bày tác phẩm tốt. Đây là cuộc thi giọng hát nên các thí sinh đã chú ý phần kỹ thuật về giọng ca, Ban giám khảo đánh giá qua giọng hát, các thí sinh đã chinh phục được khán giả và Ban giám khảo.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao:
1 Giải Nhất thuộc về ca sĩ Darlin Joy Bate (Philippines).
2 Giải Nhì: Phan Thị Thu Lan (Việt Nam) và Ni Ni Khin Zaw (Myanmar).
2 Giải Ba: Phạm Tiến Mạnh (Việt Nam) và Alvir Anthony Subrado (Philippines).
Các giải phụ:
- Giải do Ban tổ chức bình chọn thuộc về ca sĩ Chamroeun Sophea (Campuchia).
- Giải Trang phục phong cách thuộc về ca sĩ Bùi Kiên Trung (Việt Nam).
- Giải Giọng hát triển vọng thuộc về ca sĩ Bilyana Lathisya (Indonesia).
- Giải Thí sinh thân thiện thuộc về ca sĩ Marutida (Thái Lan).
- Giải Biểu diễn ấn tượng thuộc về ca sĩ PhoneSaVanh Inthavong (Lào).
- Giải do khán giả bình chọn thuộc về ca sĩ Aungi Htet (Myanmar).
Ngoài phần trình diễn của các thí sinh, đêm nhạc còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ban nhạc gồm hai thành viên Super Ball của Nhật Bản khuấy động sân khấu với ca khúc “Hòn đảo mộng mơ”; ca sĩ Ngô Giang đến từ Trung Quốc cùng vũ đoàn S.I.N.E thể hiện ca khúc “Follow the light”, nhóm Koon Jo đến từ Hàn Quốc với “Beauty and The Beast”; và các nghệ sĩ Đăng Dương, Hồng Nhung và Hợp xướng Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam với liên khúc “Việt Nam quê hương tôi” của Đỗ Nhuận và “Đến với con người Việt Nam tôi” của Xuân Nghĩa...
Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3” năm 2017 có 24 ca sĩ từ các nước ASEAN và 3 nước đối tác tham gia. Đây là lần đầu tiên, một cuộc thi nhạc Pop dành cho ca sĩ trẻ chuyên nghiệp tuổi đời từ 18 đến 35 của các nước trong khối ASEAN được Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, tạo ra một sân chơi, một sự kiện văn hoá chung nhằm xây dựng cầu nối hoà bình, hữu nghị cùng phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ mang bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với khán giả.