Các nhà nghiên cứu lo Việt Nam mất chủ quyền với đàn bầu

24/10/2016

Một số chuyên gia, nghệ sĩ mong bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa của người Việt.

Hôm 21/10, Viện Âm nhạc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học "Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam" tại Hà Nội.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc) cho biết đến nay chưa đủ cứ liệu để nói chính xác đàn bầu có từ bao giờ nhưng có thể khẳng định đây là nhạc cụ của người Việt, ra đời ít nhất là trước thế kỷ 19. "Nếu chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu quảng bá về đất nước, con người Việt thì chắc chắn là đàn bầu”, ông Định nói.

Theo ông Định, trên thế giới có hơn mười loại đàn một dây nhưng duy nhất đàn bầu là phát ra âm thanh bồi, có thể chơi được tất cả cao độ, trình diễn các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là luyến láy, phù hợp kiểu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, uyển chuyển của Việt Nam.

Theo NSND Thanh Tâm, nhiều truyền thuyết về cây đàn này có ở Việt Nam mà không tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới. "Trải qua thời gian, đàn bầu đã là máu thịt của người Việt”, bà nói.

NSƯT Bùi Lệ Chi, NSND Trần Quý, nhạc sĩ Nguyễn Tiến, Thạc sĩ Nguyễn Văn Lợi... đều khẳng định đàn bầu bắt nguồn từ đời sống lao động sản xuất của người Việt, với cấu tạo và nguyên vật liệu có sẵn trong dân gian, gắn liền văn hóa của chúng ta từ cổ xưa tới nay.


Hội thảo về đàn bầu tại Hà Nội hôm 21/10.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bày tỏ trăn trở trước thông tin học giả Trung Quốc đang cố gắng chứng minh đàn bầu có nguồn gốc từ nước này. NSND Thanh Tâm cho biết gần đây tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã đưa đàn bầu vào dạy trong các trường phổ thông. Tại trường Đại học Dân tộc Quảng Tây còn có khoa đàn bầu.

Theo Giáo sư Trần Quang Hải, vài năm trở lại đây Trung Quốc còn tổ chức những festival dân tộc với màn biểu diễn đàn bầu có hàng trăm người chơi.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đàn bầu mới chỉ phát triển ở Trung Quốc khoảng 20 năm gần đây. Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh chỉ rõ trong những năm 1960, khi các đoàn Việt Nam sang lưu diễn tại Trung Quốc đã có rất nhiều nghệ sĩ, nhạc công nước này xin theo học đàn bầu. Năm 1967, nghệ sĩ Điền Xương của nước này đi theo đoàn Việt Nam để học từ nghệ sĩ Đức Nhuận.

Nghệ sĩ Thanh Tâm nêu quan điểm đã đến lúc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam. Giáo sư - Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh cùng quan điểm và nhấn mạnh: “Đây là chủ quyền văn hóa cần được bảo vệ, càng để lâu chúng ta càng mất chủ quyền với cây đàn bầu”.

Viện trưởng Viện Âm nhạc Nguyễn Bình Định tổng kết những việc cần làm cấp thiết: Đánh giá lại một cách khoa học toàn bộ các vấn đề lịch sử, ý nghĩa xã hội, giá trị văn hóa, chức năng nghệ thuật, kỹ thuật trình diễn; Tiến hành đưa ra tiêu chuẩn đo lường quốc gia cho đàn bầu, thống nhất trong chế tác và sử dụng đàn bầu.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.