Bản Giao Hưởng ”Từ Thế Giới Mới"
20h00 thứ 3 ngày 19.7.2016
Tại Nhà hát Thành phố, 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1, TP HCM
Chỉ huy: Lê Phi Phi
Flute: Strasho Temkov
Gabriel Fauré Pavane, op. 50
John Rutter Suite Antique for flute, harpsichord & strings
Francis Poulenc Sonata for flute & orchestra
Antonin Dvořák Symphonic No. 9 “From the New World”, op. 95
Dàn nhạc Giao hưởng HBSO
Giá vé: 550.000 – 400.000 – 350.000 – 200.000 – 80.000VNĐ (Dành cho sinh viên)
Mở đầu chương trình sẽ là bản Pavane nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Pháp Gabriel Fauré. Một tác phẩm từng được biểu diễn ở nhiều phiên bản khác nhau: Hợp xướng với piano, hợp xướng cùng với múa, cho dàn nhạc giao hưởng, đôi khi cả dàn nhạc, hợp xướng và múa. Lần biểu diễn này sẽ là phiên bản cho dàn nhạc giao hưởng.
Tham gia biểu diễn trong chương trình có nghệ sĩ flute đến từ Macedonia: Strasho Temkov, ông là nghệ sĩ từng biểu diễn tại nhà hát Carnegie Hall, Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Strasho Temkov là người sáng tập nên nhóm tứ tấu flute “AULOS”, ông thường xuyên được mời vào ban giám khảo của các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Strasho Temkov sẽ cùng dàn nhạc giao hưởng HBSO trình diễn Tổ khúc Antique cho flute, harpsichord và dàn dây của John Rutter và Bản Sonata cho flute với dàn nhạc giao hưởng của Francis Poulenc. Đây là những tác phẩm mang phong cách của âm nhạc thế kỷ 20, mới mẻ, giai điệu và hòa thanh tuyệt đẹp, tái tạo những không gian thanh bình, tươi tắn.
Bản giao hưởng “Từ thế giới mới” của Antonin Dvořák sẽ được biểu diễn trong phần 2 của đêm hòa nhạc dưới sự dàn dựng và chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi.
Dường như các tác phẩm cùng chung một tinh thần đó là vẻ đẹp thanh bình, tươi mát và rộng mở của thiên nhiên, sự rộng mở và nhân ái của tâm hồn con người, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại và thế giới.
Đêm hòa nhạc hứa hẹn mang lại những không gian nghệ thuật cao đẹp, trong sáng, trả lại những khoảnh khắc bình yên và yêu thương cần thiết cho cuộc sống.
Thông tin tác phẩm
Năm 1892, Antonin Dvorak nhận được lời mời tới Mỹ, làm Hiệu trưởng cho Nhạc viện Quốc gia của Mỹ. Ông đã trở thành một trong những người đầu tiên xây dựng nền móng cho nền âm nhạc hàn lâm của quốc gia này. Dvorak đã vô cùng ấn tượng khi được nghe âm nhạc của người bản địa, đặc biệt là của người Mỹ gốc Phi.
Ông từng nói “Tôi tin chắc rằng, tương lai âm nhạc của đất nước này sẽ được xây dựng trên những âm điệu của người da đen. Những yếu tố này có thể sẽ trở thành nền tảng quan trọng, độc đáo cho sự thai nghén và phát triển của một trường phái âm nhạc mới trên đất Hoa Kỳ”. Điều này đã được minh chứng bởi sự ra đời của hàng loạt những tác phẩm hàn lâm, đậm tiết tấu và phong cách âm nhạc của người da màu, một phong cách Mỹ được yêu mến ở khắp nơi trên thế giới của những nhà soạn nhạc người Mỹ danh tiếng lẫy lừng: Leonard Bernstein, George Gershwin, Leroy Anderson …
Trong thời gian làm việc tại Mỹ Dvorak đã sáng tác được nhiều tác quan trọng trong sự nghiệp của mình: Concerto cho cello cung Si thứ, Tứ tấu đàn dây cung Pha trưởng (the "American"), Tứ tấu đàn dây cung Mi giáng trưởng …, đặc biệt trong thời gian này ông cho ra đời một tác phẩm đưa tên tuổi của ông đi khắp thế giới đó là Bản giao hưởng số 9, thường được gọi là Giao hưởng “Từ thế giới mới”. Nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ con người với những văn hóa bản địa mang màu sắc độc đáo, những miền thiên nhiên rộng mở trên đất Hoa Kỳ, kết hợp với những nhân tố văn hóa đặc trưng của người Bohemia trong dòng máu của mình, cùng với nền tảng vững chắc về nghệ thuật giao hưởng đã được kế thừa xuất sắc từ thế hệ trước như Beethoven, Schubert … Dvorak đã sáng tạo một tác phẩm giao hưởng đặc biệt nổi bật đối với âm nhạc châu Âu thời kỳ đó. Buổi công diễn đầu tiên tác phẩm vào 16 tháng 12 năm 1893, tại một trong những nhà hát lớn nhất thế giới Carnegie Hall, Hoa Kỳ do Dàn nhạc New York Philharmonic biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Anton Seidl, ngay lập tức đã tạo lên một thành công vang dội.
Bản giao hưởng được yêu mến và liên tục biểu diễn khắp châu Âu, tác phẩm được tôn vinh là một trong những bản giao hưởng vĩ đại nhất mọi thời đại.
Cho đến nay, Bản giao hưởng “Từ thế giới mới” của Antonin Dvořák trở thành một trong những bản giao hưởng được biểu diễn thường xuyên nhất trên thế giới. Nhiều chủ đề âm nhạc trong tác phẩm được sử dụng trong các phim, phim hoạt hình, chương trình tivi, quảng cáo, video game …, đặc biệt chủ đề của chương 2 được William Arms Fisher viết lời và đã trở thành bài hát nổi tiếng khắp thế giới với hàng trăm phiên bản khác nhau cho hợp xướng, nhạc cụ solo hay giọng hát solo.
Thông tin nghệ sĩ
Strasho Temkov là một trong số những nghệ sĩ Macedonia thành công nhất trong thế hệ của ông, những người có các hoạt động củng cố truyền thống nghệ thuật trong nước cũng như đẩy mạnh việc biểu diễn các nhạc cụ gỗ và điểm đặc trưng của lĩnh vực này. Ông chọn âm nhạc làm sự nghiệp chính khi tuổi đời còn trẻ, ông đã lần lượt phát triển thành một nghệ sĩ và diễn giả nổi tiếng. Ông tốt nghiệp khoa âm nhạc tại Skopje và sau đó học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Quốc gia "Pancho Vladigerov", thủ đô Sofia. Trong thời gian học tập, Strasho Temkov đã cộng tác với nhiều nghệ sĩ và nhà sư phạm nổi danh và tiếng tăm vang khắp châu Âu và thế giới. Sự nghiệp học tập xuất sắc của ông được bảo chứng bởi những giải thưởng đạt được khắp nơi – trong đó có cả giải Yugoslavia – cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ. Từ năm 1991 tiếng flute của ông đã trở thành âm thanh biểu trưng của Dàn nhạc Philharmonic Macedonia: là nghệ sĩ flute đầu tiên của dàn nhạc này, ông thường xuyên biểu diễn những trích đoạn độc tấu ấn tượng trong nhạc mục giao hưởng thế giới. Tài năng và đam mê dành cho nghệ thuật đã đưa ông trở thành nghệ sĩ độc tấu trên các sân khấu giao hưởng, cùng với nhiều dàn nhạc khác nhau (Dàn nhạc Philharmonic Macedonia, Dàn nhạc thính phòng Mỹ gốc Pháp, Dàn nhạc Thính phòng Macedonia, Dàn nhạc Thính phòng Amoroso…), và là nghệ sĩ độc tấu trong nhiều chương trình hòa nhạc, là thành viên của “Ngũ tấu Kèn gỗ Macedonia” danh tiếng và nhiều nhóm hòa tấu thính phòng khác.
Strasho Temkov từng biểu diễn trong nhiều liên hoan âm nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước như: “Liên hoan Âm nhạc Mùa hè Ohrid”, Liên hoan Âm nhạc mùa thu, Liên hoan Âm nhạc Mùa hè Skopje, Những ngày Âm nhạc Macedonia, Liên hoan Âm nhạc Heraclea tại Macedonia, các liên hoan âm nhạc tại Bulgaria, Serbia, Montenegro, Croatia, Ý, Pháp…; ông cũng là một trong số ít những nghệ sĩ Macedonia biểu diễn tại Carnegie Hall tại New York, Hoa Kỳ – một trong những khán phòng hòa nhạc danh giá nhất trên thế giới.
Nhạc mục biểu diễn của nghệ sĩ Strasho Temkov bao trùm từ thời Baroque tới âm nhạc đương đại, và đáng chú ý là khát vọng giới thiệu những tác phẩm mới – không chỉ là tác phẩm trong nhạc mục kinh điển của flute mà còn cả những tác phẩm âm nhạc trong nước. Ông đã ghi âm hai đĩa CD cộng tác cùng nghệ sĩ dương cầm Maria Vrskova, được phát hành bởi hãng đĩa “MMM” và “CSC-Skopje Summer”.
Bên cạnh công việc biểu diễn, Strasho Temkov còn là một nhà sư phạm. Ông là giáo sư giảng dạy tại Khoa Âm nhạc, thủ đô Skopje, hướng dẫn sinh viên bậc đại học và nghiên cứu sinh. Những kết quả trong sự nghiệp giáo dục của ông hiển nhiên khi nhiều sinh viên của ông đã gặt hái được giải thưởng trong các cuộc thi uy tín dành cho nghệ sĩ trẻ, họ cũng biểu diễn trong các chương trình recital và là nghệ sĩ độc tấu trong các dàn nhạc. Ông là người sáng tập nên nhóm tứ tấu flute “AULOS”, thường xuyên được mời vào ban giám khảo của các cuộc thi trong nước và quốc tế. Strasho Temkov là nghệ sĩ flute hàng đầu, có phong cách trình diễn ấn tượng và đáng nhớ.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi sinh tại Hà nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Anh tốt nghiệp trung cấp khoa Chỉ huy giàn nhạc của Nhac viện Hà Nội, lớp Giáo sư Trọng Bằng năm 1986, sau đó tiếp tục theo hoc đại học tại Nhạc viện nổi tiếng thế giới Tchaikovsky, Matxcơva.
Tốt nghiệp Nhac viện Tchaikovsky với thành tích cao, Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nước cộng hoà Macedonia từ năm 1993 đến năm 2000. Trong thời gian này,anh đã có hàng trăm buổi biểu diễn tại Macedonia cũng như các nước khác như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Nam Tư cũ, Thụy Điển, Albania, Bungaria...
Lê Phi Phi cũng đã từng làm việc với các dàn nhạc khác như: Dàn nhạc Đài phát thanh và truyền hình Belgrad (Serbia), Nhà hát Vũ kịch Tirana (Albania), Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh và truyền hình Albania, Dàn nhạc giao hưởng Vidin(Bulgaria), Dàn nhạc giao hưởng Nis(Serbia), Dàn nhạc vũ kịch trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky (Russia), Nhà hát nhạc vũ kịch Macedonia, Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh và truyền hình Macedonia, Dàn nhạc giao hưởng Kosovo. Ngoài ra anh cũng cộng tác dàn dựng với các dàn hợp xướng, dàn nhạc thính phòng trên các quốc gia khác nhau.
Hiện nay, anh cũng là giáo sư chỉ huy của Trung tâm Nhạc và vũ kịch "Ilija Nikolovsski-Lui" của nước cộng hoà Macedonia và là chỉ huy cộng tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia và Nhà hát vũ kịch Macedonia. Từ mùa biểu diễn 2007-2012 Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy trưởng thường trực của Dàn nhạc giao hưởng thành phố Nish (Serbia).
Từ năm 1995 Lê Phi Phi đã thường xuyên về Việt nam làm nhiều chương trình hoà nhạc, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhac trong nước như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt nam, Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, đồng thời anh cũng là chiếc cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sỹ Việt nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn trong nước.
Năm 2005, Lê Phi Phi đươc vinh dự bầu chọn là một trong những Việt kiều "Vinh danh nước Việt" do báo điện tử Vietnamnet tổ chức. Anh cũng là chỉ huy thường trực cho chương trình “Điều còn mãi” được tổ chức hàng năm tại Hà nội do báo điện tử Vietnamnet tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các tác giả, tác phẩm âm nhạc cổ điển cúa Việt nam qua các thời kỳ lịch sử và hiện tại. Nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng là chỉ huy thường trực cho các chương trình từ thiện do quĩ học bổng “Thắp sáng niềm tin” tổ chức hàng năm. Anh cũng là chỉ huy khách mời thường xuyên cho trương trình mang âm nhạc cổ điển tới thanh niên, học sinh, sinh viên “Giai điệu trẻ” do Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.