Vở Opera ‘Lá đỏ’ quy tụ 130 diễn viên sân khấu và dàn nhạc

25/05/2016

 Tác phẩm nhạc kịch opera “thuần Việt” đầu tiên từ sau năm 1975 sắp ra mắt khán giả sau ba năm chuẩn bị và thực hiện.

Nhạc kịch Opera Lá đỏ được lấy cảm hứng từ một tứ thơ được phổ nhạc với hình ảnh vừa lãng mạn, vừa hào hùng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”. Được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đặt hàng từ năm 2013, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bắt tay vào thực hiện dự án này với kịch bản văn học của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đến tháng 9/2014, Lá đỏ đã hoàn thành trên văn bản và bắt đầu quá trình dàn dựng để đưa lên sân khấu.


Vở Opera "Lá đỏ" sẽ công diễn tại Hà Nội vào tối 25-26/5.

Lá đỏ xoay quanh câu chuyện bi tráng của 8 chiến sĩ Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Trong một trận cứu hàng, tránh bom, họ đã bị vùi lấp trong hang và hy sinh. Đến nay, địa điểm lịch sử ở Quảng Bình có tên gọi là “Hang Tám cô” đã được lưu truyền và thờ phụng. Trên thực tế lịch sử, trong 8 người thanh niên đó có cả nam và nữ nhưng tác giả đã hư cấu, chuyển thành 8 cô gái để có điều kiện thể hiện trên sân khấu hình tượng đẹp, xúc động, dễ đi vào lòng người. 8 cô biến thành 8 vị nữ thần ở phần vĩ thanh.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là đạo diễn kiêm dàn dựng âm nhạc của vở Lá đỏ. Anh cho biết quá trình thực hiện vở Opera này phải đi theo trình tự, từ kịch bản văn học chuyển thành nhạc kịch, soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Sau đó, anh phải chuyển tiếp ra Piano để các diễn viên tập hát theo giai điệu, sau đó là phần múa, ánh sáng, tiếng động.


8 cô gái của "Lá đỏ" trong buổi tập luyện. Ảnh: Chí Thanh.

Kinh phí dàn dựng cho Lá đỏ vào khoảng hai tỷ đồng. 80 diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ kết hợp với 50 nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng người Nhật – Honna Tetsuji – dẫn dắt. Vở diễn kéo dài hơn hai tiếng, mỗi màn vào khoảng 55 phút. Tố Loan – giải nhất Sao Mai 2011 dòng nhạc thính phòng – đảm nhận vai chính của vở diễn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự: “Trong vở diễn, các diễn viên đều phải hát thật, không sử dụng micro và độ to - nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có đạo diễn Opera thực thụ nên trong quá trình dàn dựng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có những người được đào tạo bài bản và tâm huyết để trở thành những đạo diễn Opera, giúp phát triển loại hình nghệ thuật này”.


Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tập luyện cùng các diễn viên tại Nhà hát Nhạc
vũ kịch Việt Nam sáng 21/5. Ảnh: Chí Thanh.

Cha của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – nhạc sĩ Đỗ Nhuận – từng là tác giả của vở Opera “thuần Việt” đầu liên - Cô Sao - vào năm 1965. Sau đó có một số vở ra đời nhưng giai đoạn từ năm 1975 đến nay, các vở nhạc kịch Opera biểu diễn tại Việt Nam đều là phiên bản của nước ngoài.

Lá đỏ sẽ được công diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội trong hai đêm 25 và 26/5.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

 

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.