Đờn ca tài tử: được công nhận di sản rồi, thì sao?
Hồ sơ đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào chiều ngày 5.12 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ngay lúc nhiều niềm vui này lại là: được công nhận rồi, thì sao?
Khác với các di sản mà sức sống trong nhân dân đang bị thu hẹp nhanh chóng và nghiêm trọng, đờn ca tài tử (với tất cả biến tướng của nó) vẫn còn “sống khoẻ” tại miền Nam, đặc biệt Tây Nam bộ.
Năm 2011, để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO, viện Âm nhạc khảo sát đờn ca tài tử tại 21 tỉnh/ thành Nam bộ, kết quả có 2.258 câu lạc bộ với khoảng 13.800 thành viên. Riêng TP.HCM vẫn còn đến 118 câu lạc bộ, với hơn 1.000 thành viên. So với điều tra của bộ Văn hoá – thể thao và du lịch năm 2010 với kết quả có 2.019 câu lạc bộ, 22.643 thành viên, thì số câu lạc bộ có tăng, mà thành viên thì giảm mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Bạch (từ thập niên 1980) thì: “Nhạc tài tử tách ra khỏi nhạc lễ và từ đấy hai dòng nhạc song song tồn tại: nhạc lễ chuyên về cúng tế nên ngày càng héo hon, già cỗi; nhạc tài tử đi vào quần chúng nhân dân nên không ngừng được sáng tạo và bồi bổ”. Thậm chí có vài nghiên cứu khác về lịch sử đờn ca tài tử cho thấy: “Trẻ con chưa học chữ đã học đờn, học ca gần như là chuyện… hiển nhiên”.
Về bài bản, cũng theo Nguyễn Ngọc Bạch, đờn ca tài tử có mấy khía cạnh đặc trưng: luật sáng tác đã theo các cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về giai điệu và khúc thức; ký âm và hoà thanh, đã có bản nhạc riêng cho từng nhạc cụ, tuy sự ghi chép không khoa học lắm; nội dung thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm đời thường; lời ca là điểm mới so với nhạc lễ. Đem thanh nhạc vào khí nhạc là một bước phát triển quan trọng của nhạc tài tử.
Nhiều nhà nghiên cứu uy tín khác đã kết luận về tính bài bản của đờn ca tài tử, nó không hề là thứ ngẫu hứng, chơi vui thuần tuý như nhiều suy luận. Ngoài 20 bản tổ có từ cuối thế kỷ 19, nhạc sư Nguyễn Văn Thịnh (ông giáo Thịnh) còn kết tập thêm 72 bài cổ nhạc Nam bộ vào giữa thế kỷ 20. Từ hơn 90 bài này mà kết hợp để phân ra thì rất linh hoạt, đa dạng.
Từ các lý do trên cho thấy tự thân đờn ca tài tử đã có sức sống trong dân và tính bài bản, vậy thì sau khi được công nhận, liệu diện mạo của nó có thay đổi? Hay hỏi cụ thể hơn, nó có giúp gia tăng thành viên tài tử và chuẩn hoá hơn về bài bản, học thuật? Chứ chỉ đơn thuần tìm kiếm một danh hiệu quốc tế, mà thực tế không có nhiều thay đổi, thì cũng như bao di sản khác, đường đi vào bảo tàng hoặc “nghĩa địa” văn hoá chỉ là gần hoặc xa mà thôi.
Bởi nói như nghệ nhân dân gian Bạch Huệ lúc sinh thời thì dù ngày càng có nhiều liên hoan hay festival về đờn ca tài tử (cuối năm 2011 có đến bốn liên hoan lớn) cũng khó thay đổi thực tế: “Việc đưa đờn ca tài tử thành di sản phi vật thể để mọi người quan tâm hơn và có phương hướng bảo vệ là rất tốt. Tuy nhiên cần phải lựa chọn cho kỹ đâu mới là đúng gốc tài tử. Hiện nay các câu lạc bộ đờn ca tài tử rất nhiều nhưng chỉ toàn chơi bài bản cải lương, nghệ nhân cũng không ít nhưng mấy ai thuộc được 20 bài tổ, phong cách chơi cũng đã biến tướng nhiều, không còn giữ được đúng chất tài tử nữa”.
Đờn ca tài tử Nam bộ xưa. Ảnh: tư liệu
(Nguồn: http://sgtt.vn)