Đờn ca tài tử được vinh danh di sản thế giới
Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình diễn đờn ca tài tử tại Ngày hội sân khấu VN 2011 ở Nhà hát Quân Đội, TP.HCM - Ảnh tư liệu
Thông tin được thông báo sau phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại Bake (Azerbaijan) ngày 5-12.
Người phát ngôn Bộ VHTT&DL Phan Đình Tân cho biết như trên vào tối 5-12.
So với các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận của Việt Nam, đờn ca tài tử là loại hình có tuổi đời “trẻ” nhất, mới chỉ xuất hiện hơn 100 năm trước. Tuy nhiên, đờn ca tài tử lại có sức sống mạnh mẽ trong đời sống người dân Nam Bộ, được trao truyền một cách tự nguyện qua nhiều thế hệ.
Đờn ca tài tử có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật vừa đàn vừa ca mà những nghệ sĩ trình diễn lại chính là người bình dân nông thôn Nam Bộ.
Ban nhạc gồm có bốn loại: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt).
Tuy nhiên, sau này, biên chế ban nhạc có sự thay đổi và có thể thêm các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm hay thậm chí là violon.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam), sau vinh danh, việc bảo tồn Đờn ca tài tử khá dễ dàng bởi lượng người thực hành và lượng khán giả của loại hình này rất lớn.
“Cứ để đờn ca tài tử phát triển tự nhiên như nó vốn có là cách bảo tồn hiệu quả nhất”, ông Hiền nói.
(Nguồn: http://tuoitre.vn)