Festival Piano Quốc tế lần thứ hai 2013

09/09/2013

Tấp nập “bề sâu”

Trong lúc phần lớn công chúng và báo chí bị “hút” vào các cuộc thi âm nhạc đình đám trên truyền hình, các buổi biểu diễn nghệ thuật hàn lâm như một dòng “phụ lưu” trong đời sống âm nhạc xã hội. Nhưng điều đó không làm chùn bước những người làm nghề ở chính nơi được xem là trung tâm của âm nhạc giải trí. Và ở “bề sâu” của đời sống âm nhạc, TP.HCM vẫn kiên trì xây dựng nền tảng cho nghệ thuật đỉnh cao và sự kiện âm nhạc lớn xứng tầm với thành phố - các festival âm nhạc hàn lâm.

 
Festival Giai điệu mùa thu 2013 - liên hoan nghệ thuật hàn lâm lớn được xem là duy nhất hiện nay tại Việt Nam

“Lâu đời” nhất có thể kể đến Liên hoan Âm nhạc đương đại do nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường làm “chủ xị”. Liên hoan này được sự hỗ trợ rất nhiều của Nhạc viện TP.HCM, nhưng chủ yếu là do nỗ lực cá nhân của Đỗ Kiên Cường và bạn bè. Liên hoan trình diễn tác phẩm của những người đang sáng tác nhạc hàn lâm hiện nay ở TP.HCM, Hà Nội và một số nhạc sĩ ngoại quốc khác. Khởi đầu từ năm 2007, dự định tổ chức hàng năm và cho đến nay đã thực hiện được 4 kỳ (năm 2009 và 2010 không tổ chức). Liên hoan đã góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc của TP.HCM. Năm nay liên hoan dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11.
Tuy nhiên, việc xây dựng căn cơ phải nói đến Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu (định kỳ hai năm một lần). Từ chương trình Giai điệu mùa Thu thường niên dành cho các tài năng trẻ nghệ thuật hàn lâm (bắt đầu từ 2005) cho tới việc UBND TP.HCM chi 47 tỷ đồng mua sắm nhạc cụ cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch vào năm 2009. Và mới đây (từ 16 đến 22/8) Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu hình thành trên nền tảng 8 năm của Giai điệu mùa Thu đã cho thấy sự quyết tâm bền bỉ của TP.HCM trong việc tạo dựng thương hiệu cho một sự kiện âm nhạc đỉnh cao trong tương lai.

Tuy là kỳ đầu tiên, nhưng Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu diễn ra trong 7 đêm với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú (gồm giao hưởng - thính phòng, vũ kịch) và một vài chương trình có điểm nhấn gây ấn tượng cho công chúng. Công chúng tuy không đông đảo, chưa đủ đầy kín khán phòng, nhưng trải đều cả 7 đêm diễn, lượng công chúng như vừa qua là một tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra còn có các hội thảo chuyên đề về âm nhạc, múa, các lớp master class cho piano và chỉ huy dàn nhạc. Đặc biệt, công tác tổ chức được xem là khá thành công với lần đầu tổ chức một liên hoan nghệ thuật hàn lâm lớn được xem là duy nhất hiện nay tại Việt Nam.

Bên cạnh hai liên hoan nói trên, từ năm 2011 Nhạc viện TP.HCM có Liên hoan Piano (định kỳ hai năm một lần) và Liên hoan Guitar (ba năm một lần) thu hút nhiều nghệ sĩ đến từ nước ngoài. Theo bà Văn Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, đây là các liên hoan chuyên sâu của từng nhạc cụ, piano và guitar là thế mạnh của Nhạc viện TP.HCM. Các liên hoan này đã tạo không khí hứng khởi, thúc đẩy tinh thần học tập rèn luyện của học sinh, sinh viên và tạo điều kiện để họ “cọ xát” với những nghệ sĩ quốc tế nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Cùng với sự động viên và hỗ trợ của UBND, Thành ủy TP.HCM, hai liên hoan này còn có kỳ vọng sẽ đi chuyên sâu để góp phần xây dựng nghệ thuật đỉnh cao của thành phố.


Thần đồng piano thế giới sẽ sớm có mặt tại Festival Piano quốc tế TP.HCM

Nhạc viện TP.HCM có một hội trường acoustic chất lượng quốc tế, là nơi lý tưởng cho liên hoan piano và guitar quốc tế. Một nhà hát cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM “rậm rịch” dự định xây dựng trong thời gian qua, nếu được tiến hành sớm sẽ là nơi lý tưởng cho Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu.

Đặng Thái Sơn, Lang Lang sẽ “đổ bộ” đến TP.HCM

Một liên hoan âm nhạc được xem là có uy tín, đẳng cấp ngoài việc tổ chức thường xuyên, yếu tố quan trọng là sự có mặt của những nghệ sĩ, những dàn nhạc nổi tiếng thế giới.

Trong thời gian qua cả 3 liên hoan nhạc hàn lâm của TP.HCM chủ yếu khách mời quốc tế đến từ những mối quan hệ của đơn vị tổ chức hoặc mối quan hệ cá nhân, chứ chưa phải là việc “muốn mời ai thì mời”, nhất là trong bối cảnh kinh tế chung của xã hội còn ảm đạm, kinh phí kêu gọi tài trợ còn khó khăn. Tuy vậy, sự tổ chức bài bản đã thu hút một số nghệ sĩ có tầm cỡ quốc tế như nghệ sĩ piano Hinrich Alpers (Đức) trong Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu 2013; các nghệ sĩ piano nổi tiếng đến từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Montenegro, Bulgaria, Ukraine, Bỉ trong Festival Piano Quốc tế 2011…

Lạc quan hơn, Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu vừa khởi động lần thứ nhất đã có lời ngỏ của dàn nhạc giao hưởng Na Uy, Singapore, đoàn múa Hà Lan… nhưng vì chưa chuẩn bị kịp nên đành hẹn bạn vào năm 2015. Tại Festival Piano Quốc tế lần thứ hai 2013 tổ chức vào tháng 12/2013 tới đây, theo nguồn tin riêng của TT&VH Cuối tuần, NSND Đặng Thái Sơn sẽ có mặt cùng một số nghệ sĩ piano tên tuổi của thế giới. Thần đồng piano Lang Lang cũng sẽ xuất hiện trên sân khấu TP.HCM trong một ngày gần nhất.

Nghệ sĩ piano Lê Hồ Hải, chuyên gia phụ trách nghệ thuật của Festival Piano Quốc tế 2011, cho rằng để có được thương hiệu cho một festival, cần một thời gian dài để tạo dựng và tích lũy kinh nghiệm. Dù tình hình kinh tế hiện nay còn khó khăn, nhưng nếu tổ chức bài bản chuyên nghiệp và có hiệu quả, nhiều thương hiệu cũng sẽ tham gia tài trợ.

Anh cho biết Festival Piano Quốc tế lần thứ hai 2013 đã thực hiện được một phần ý tưởng “muốn mời ai thì mời”. Sẽ có sự xuất hiện của một số nghệ sĩ piano đẳng cấp quốc tế từng đoạt giải Nhất Concours Chopin, Lizst hoặc học trò của các bậc thầy piano lỗi lạc của thế giới.

Nhìn các sự kiện âm nhạc hàn lâm trên phạm vi toàn quốc, nếu Hà Nội có những cuộc thi piano quốc tế tổ chức định kỳ thì TP.HCM là nơi hội tụ những festival. Dập dìu những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến TP.HCM trong tương lai và những đêm nhạc đỉnh cao là những tín hiệu đáng mừng. Hy vọng các liên hoan sẽ trở thành sự kiện âm nhạc lớn và uy tín của thành phố và đó cũng là điều thiết thực trong việc góp phần xây dựng đời sống văn hóa cao cho nhân dân thành phố mang tên Bác.

(Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.