Yếu tố hậu hiện đại trong nhạc Việt - thực hay hư?
Có hay không những biểu hiện của văn hóa hậu hiện đại trong đời sống âm nhạc Việt Nam?
Trước hết thử liên hệ vài cột mốc thời gian.
Thập niên 30 của thế kỉ XX được giới nghiên cứu phương Tây ghi nhận là thời điểm chính thức xuất hiện trên văn bản danh từ Postmodernism (gọi tắt là PoMo) để chỉ một khuynh hướng nghệ thuật sau chủ nghĩa hiện đại. Với Việt Nam, những năm 30 cũng mang ý nghĩa “khai sinh” nhưng tất nhiên không phải cho PoMo, mà cho tân nhạc, vì đến lúc đó ở ta mới diễn ra phong trào “cải cách” âm nhạc, mở màn cho nền nhạc mới Việt Nam trên cơ sở tiếp nhận truyền thống âm nhạc phương Tây đã có bề dày lịch sử vài trăm năm.
Những thập niên giữa thế kỉ XX là thời kì cảm thức hậu hiện đại ở phương Tây lan rộng, rồi dấy lên cao trào vào những năm 70 - 80. Còn ở Việt Nam đầu thập niên 70 giới nhạc ở Hà Nội hết sức ngỡ ngàng trong lần đầu tiên tiếp cận những âm thanh kì dị “bẻ tre nứa, gõ thùng nước” trong một tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ tiên phong Nguyễn Thiên Đạo. Cho tới giữa thập niên 80 (trước thời điểm “mở cửa”) vẫn rất ít điều kiện tiếp cận với thế giới ngoài phe Xã hội chủ nghĩa, nên chưa nói đến khuynh hướng hậu hiện đại, mà ngay cả âm nhạc hiện đại vẫn quá xa lạ với công chúng cũng như dân chuyên nghiệp.
Ngày nay, công nghệ thông tin đem đến cho chúng ta bức tranh toàn cầu muôn màu muôn vẻ cùng với nhiều khái niệm mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật. Internet rút ngắn mọi khoảng cách không gian và thời gian. Thông tin bên ngoài ảnh hưởng đến đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước sớm hơn, trực tiếp hơn. Gần đây ở ta cũng rôm rả bàn luận về chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây, về dấu hiệu của thái độ hậu hiện đại hoặc dấu vết của kĩ thuật biểu hiện theo cảm quan hậu hiện đại trong một vài tác phẩm văn học của đôi ba tác giả người Việt. Còn âm nhạc thì sao?
Ca nhạc luôn theo sau thơ văn nên người đời vẫn ví thi - ca như cặp chị em không tách rời. Bà chị văn chương với dăm ba hiện tượng lẻ tẻ chưa thể tính đến chuyện định hình cho xu hướng hậu hiện đại, thì cô em âm nhạc càng khó tơ tưởng tới anh chàng PoMo lạ lẫm như người ngoài hành tinh, bởi còn chưa hết nhùng nhằng khúc mắc khái niệm về các đối tượng đến trước: hiện đại (modern), rồi tới đương đại (contemporary). Song, ở thời đại mọi thứ đều có thể cập nhật, thì cũng có khả năng “up date” một vài mầm mống của văn hóa hậu hiện đại vào sinh hoạt âm nhạc trong nước lắm chứ!
Sự liên hệ với những đặc tính của âm nhạc hậu hiện đại cho thấy mầm mống của nó cũng nảy nở ngay cả trong mảnh đất ca nhạc giải trí đại chúng. Cũng có thể đó chỉ là sự ngẫu nhiên trùng lặp giữa các hiện tượng phát sinh từ một bối cảnh chung mang đậm màu văn hóa pop. Chẳng hạn như:
- Tác phẩm không chuyển tải những vấn đề cao siêu, to tát hoặc sâu sắc tính triết lí;
- Sự thoải mái vay mượn các truyền thống khác nhau bất kể Đông - Tây dẫn đến những hiện tượng trích cóp nguyên xi cái đã có;
- Hiệu ứng của những yếu tố ngoài âm nhạc đôi khi khiến “nhìn” còn nổi trội hơn “nghe” trong cảm thụ tác phẩm;
- Kĩ thuật điện tử được ứng dụng như một công cụ không thể thiếu trong trình bày tác phẩm;
- Xu hướng “đời thường hóa” nghệ thuật ngày càng mạnh, dẫn chứng hùng hồn nhất là sự lan tỏa từng bước không cưỡng lại được của hip-hop vốn bị xem nhẹ như một thứ nghệ thuật đường phố, nghệ thuật không có đẳng cấp.
Còn trong khí nhạc chuyên nghiệp dễ dàng tìm thấy những biểu hiện rất “ăn ý” với quan điểm hậu hiện đại ở một vài tác phẩm mang yếu tố nhạc đương đại. Đó là những thể nghiệm mở rộng âm sắc, âm thanh trong lĩnh vực electronic music (nhạc điện tử), noise music (nhạc tiếng động), computer music (nhạc vi tính), đồng thời mở rộng khái niệm về không gian trình diễn cũng như cách thưởng thức nghe - nhìn theo phong cách performance music, video - theater music, body art...
Hướng tới thể loại ngay đến tên gọi còn rất lạ tai với công chúng Việt Nam, một số tác phẩm được hình thành tựa như cuộc sắp đặt âm thanh tình cờ ngẫu hứng, trong đó mọi tiếng động đời thường hay những âm thanh bất thường đều được dùng làm chất liệu sáng tác. Âm nhạc không còn là nghệ thuật âm thanh thuần túy với cách thưởng thức thông thường là “nhắm mắt nghe càng hay” nữa, bởi không gian trở thành một phần không thể thiếu của tác phẩm, nói cách khác âm nhạc chỉ là một mảnh ghép của không gian trình diễn, nơi không còn tồn tại nhiều hạn định quen thuộc trong kĩ thuật sáng tác, xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau, hoặc khỏa lấp khoảng cách giữa người xem với người diễn.
Kiên trì đi theo hướng nhạc thể nghiệm (experimental music) như thế thực tế mới có hai nhân vật thuộc thế hệ 7X: Vũ Nhật Tân và Trần Kim Ngọc, và đa số tác phẩm của hai nhạc sĩ Hà Nội này chỉ trình diễn ở nước ngoài. Xét cho cùng, vài dấu hiệu tương đồng trong những tác phẩm đương đại còn ít phổ cập chỉ góp thêm đôi ba dẫn chứng mang tính cá biệt cho những biểu hiện chưa rõ nét của văn hóa hậu hiện đại mà thôi.
Có hay không cơ hội cho xu hướng hậu hiện đại trong âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam?
Nền khí nhạc của ta tính đến nay vẫn chưa đầy nửa thế kỉ. Số lượng tác phẩm nhạc đàn không nhiều, trong đó con số được dàn dựng còn ít hơn, và số còn trụ lại được trong đời sống xã hội càng ít nữa, vì có những sáng tác chỉ trình làng một lần rồi thôi và có những tác giả chỉ viết khí nhạc để báo cáo tốt nghiệp rồi cũng thôi luôn. Với số lượng ít ỏi của những bước đầu mang nặng tính tập sự đó, việc xác lập bút pháp hay phong cách riêng còn khó khăn, nói chi đến xu hướng này hay trường phái nọ.
Thiếu môi trường khí nhạc, thiếu công chúng cho mảng nhạc đàn chuyên nghiệp vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của chuỗi vòng quẩn quanh đầy vướng mắc chưa biết gỡ từ đâu. Tác phẩm viết để làm gì nếu không được dàn dựng, mà dựng làm gì nếu không có người nghe. Nếu tác phẩm không có cơ hội vang lên, chưa được kiểm nghiệm bằng âm thanh sống, nghĩa là không đo được phản ứng của người nghe, thì rất khó tạo nên động lực thôi thúc người viết tiếp tục sáng tạo cái mới, vượt qua những cái mới kiểu “cũ người mới ta”.
Không phải ai cũng sẵn điều kiện thường xuyên tiếp cận tác phẩm đương đại và cập nhật thông tin qua mạng, nên nhìn chung ngay trong thời đại toàn cầu hóa vẫn tồn tại sự xa cách giữa các trào lưu sáng tác hiện nay trên thế giới với giới nhạc chuyên nghiệp trong nước. Vào lúc còn đau đầu trước nhiệm vụ xây đắp nền tảng cho một nền khí nhạc hiện chưa có được mặt bằng xứng đáng và vững chãi trong đời sống xã hội, thì chẳng mấy ai sẵn lòng ủng hộ hoặc lao vào những thử nghiệm phá vỡ mọi liên kết của ngôn ngữ mang tính chính thống, để xoay sang chiều hướng hoàn toàn khác lạ trong cách thức biểu hiện và khó phân định thật giả về giá trị nghệ thuật.
Thái độ nhìn nhận hậu hiện đại hẳn cũng dè dặt, tương tự như với nhạc đương đại do những dấu hiệu trùng lặp giữa hai loại nhạc này. Nếu nhạc đương đại đang là đối tượng của nhiều cuộc tranh cãi, thì hậu hiện đại với tâm thế hỗn mang và cảm quan khác thường càng khó tránh khỏi những phản ứng khác nhau. Có cách nhìn thoáng hơn từ quan điểm cho rằng nền khí nhạc quá tụt hậu của ta chỉ thoát khỏi tình trạng lỡ thời nếu đốt cháy giai đoạn bằng bước nhảy vọt tới những lối viết mới lạ để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại. Có thái độ thờ ơ như trước một trò chơi âm thanh nhất thời đến hồi vãn cuộc tự khắc nhường chỗ cho trò mới. Cũng có phản ứng gay gắt như đối với thứ nhạc không còn là âm nhạc nữa. Và rút cục có hay không cơ hội cho âm nhạc hậu hiện đại còn phải chờ xem đời sống xã hội ở ta sẽ bỏ phiếu nhiều hơn cho điều kiện nào, thuận hay nghịch.
Cùng với những biểu hiện của văn hóa hậu hiện đại đã nói trên có thể điểm lại vài nét khái quát được tính vào “phiếu thuận”:
- Hậu hiện đại xem chừng lợi thế hơn nhạc hiện đại ở chỗ nó không đặt mình vào vị trí cao ngạo, không có tham vọng phủ định và thay thế truyền thống, mà trái lại rất chú trọng việc tái sử dụng mọi thành tựu của quá khứ.
- Không phân định khác biệt giữa các khái niệm văn hóa cao - thấp, bác học - bình dân, cũng như ranh giới giữa nghệ thuật với đời thường, đặc tính này dễ tìm ra điểm hòa đồng với xu hướng xã hội hóa nghệ thuật, “đại chúng hóa” tính hàn lâm trong đời sống âm nhạc hiện nay.
- Tinh thần đa nguyên, đa tầng, đa phương, đa tâm điểm trong mối kết hợp đồng đẳng các truyền thống khác nhau và pha trộn các thể loại nghệ thuật khác nhau xem ra chưa gặp thời nào thích hợp hơn thời đại của tính toàn cầu, đa diện, giao diện, liên ngành, liên quốc gia. Đặc tính này cũng dễ được coi như một cách kiếm tìm tiếng nói chung để tiếp cận, đối thoại, hội nhập, hòa nhập với thế giới đa văn hóa.
- Sự hứng thú với âm nhạc dân gian ở các nhà hậu hiện đại là biểu hiện đồng điệu với tinh thần hướng về cội nguồn để kiếm tìm và gìn giữ bản sắc dân tộc đang được đề cao trong sáng tác chuyên nghiệp ở ta.
- Lối trình diễn tác phẩm trong tổng thể không gian văn hóa nhất định tình cờ gần gũi với cách cảm thụ nhạc cổ truyền đang được kêu gọi khôi phục lại cho một số thể loại dân gian.
- Nếu tính chất mở, ngẫu hứng, linh hoạt được thỏa sức tung hoành trong tác phẩm hậu hiện đại, thì đó không hẳn là những yếu tố hoàn toàn xa lạ với ta, vì thực ra đã có sẵn bao đời nay những đặc điểm tương tự thế trong diễn tấu và thưởng thức nhạc cổ truyền Việt Nam.
Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố dễ đồng hành cùng thế hệ 8X - 9X, và có thể cả 0X: tính đơn giản, không ưa đao to búa lớn, tính cá nhân trong nội dung mang tâm trạng riêng nhiều hơn đại sự, sự nhập cuộc tích cực của người nghe trong trình diễn tác phẩm, và đặc biệt là vai trò to lớn của công nghệ hiện đại.
Khá nhiều phiếu thuận xét theo nguyên tắc chung mang tính lí thuyết, nhưng quan trọng là phương thức thực hành ra sao, bởi từ đó một vài điểm thuận có thể chuyển sang hướng không thuận chút nào, thậm chí còn biến thành nghịch, thành quậy phá. Chính vì quá “mở” trong cách thức sáng tác, trình diễn và cảm thụ nên trong thực tế hậu hiện đại lại dung nạp nhiều yếu tố gây phản cảm và dị ứng:
- Tính vụn rối, vô tổ chức, thiếu kết nối, thiếu logic dẫn đến phá vỡ mọi thể loại, cấu trúc là điều kiện thao túng cho những sản phẩm tùy tiện, cẩu thả hoặc che đậy, lấp liếm cho sự bất lực vì thiếu hụt kiến thức cơ bản.
- Dù mượn danh hậu hiện đại để sao chép, cóp nhặt, trích dẫn, tái sử dụng, chiếm đoạt nguyên bản đã có làm của riêng, tác phẩm vẫn khó vượt qua búa rìu dư luận, đặc biệt vào lúc bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cực “hot”.
- Dù ít tính đặc tuyển hơn nhạc hiện đại và tận dụng nhiều chất liệu bình dân, nhưng hậu hiện đại vẫn khó hiểu, khó nghe, khó phổ cập, đặc biệt với công chúng Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận nó như một nhu cầu bức thiết. Nhiều nguyên tắc thông thường trong phương thức sáng tác và cảm nhận âm nhạc, như tính thống nhất, tính tương phản bị loại bỏ, đồng thời mở tới vô hạn chất liệu sáng tác, bao gồm cả những thứ bị coi là phản âm nhạc. Đây có thể là những nguyên cớ biến tác phẩm thành sự đánh đố người thưởng thức và biến tác giả thành kẻ tự kỉ tự sướng trong cuộc chơi cô độc.
Với những điểm thuận - nghịch khó lường như vậy, âm nhạc hậu hiện đại không phải hình mẫu để ta cấp tập rập khuôn cho bằng người, cũng chẳng phải đại dịch khiến ta gồng mình chống chọi khỏi lây nhiễm. Nếu khái niệm cũ - mới về cách thức biểu hiện chỉ là cái vỏ có hạn định đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ đương thời ở phương Tây, thì trong điều kiện xã hội mang những đặc thù của riêng ta chẳng nhất thiết phải tuyên ngôn cho chủ nghĩa này hay tuyên chiến với chủ nghĩa kia mới chứng tỏ được khả năng hòa nhập. Và nếu có tiếp nhận, nhất định dân ta biết chọn cái phù hợp để biến hóa của người thành của mình, thế kỉ XX đã chứng tỏ khả năng đó bằng những cuộc tiếp biến âm nhạc phương Tây để có một nền nhạc mới hôm nay.
Đối với cái mới, kể cả cái mới lạ khó chấp nhận, thái độ quá nghi kị và thường trực định kiến ở thời buổi này không còn đem lại an toàn tuyệt đối cho môi trường âm nhạc trước nguy cơ ô nhiễm. Thật giả không lẫn lộn mãi được, hư danh rồi cũng chẳng bền lâu, vì thời gian không ủng hộ những tác phẩm núp bóng những trường phái thật kêu mà ít ai hiểu nổi để che đậy sự non yếu về tay nghề và đuối sức trong sáng tạo.
Cứ để nhạc sĩ thực tài, thực tâm, thực sự cá tính tự chọn lựa phương thức biểu hiện thích hợp với tạng của mình cho những sáng tác độc đáo mà không nghịch dị với cộng đồng. Và, để họ có được bầu không khí khích lệ cách tân, có đủ không gian rộng mở và thời gian kiểm chứng cho những thể nghiệm sáng tạo - đấy mới là chuyện đáng bận tâm xem nó có thực hay chưa.
12-7-2008