Xuân Giao và những tháng ngày biền biệt vắng nhà

04/02/2021

Xuân Giao là một trong những nhạc sỹ chịu khó đi thực tế. Ông có mặt ở hầu hết các cơ sở thuộc mọi tầng lớp công nhân, nông dân, bộ đội. Thời gian ông có mặt ở nhà ít hơn nhiều so với thời gian đi vắng. Có khi liên miên vài tuần. Về nhà được một vài ngày lại đi tiếp.

Đó là những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ thực hiện trên miền Bắc. Bọn sinh viên ngữ văn Đại học Tổng hợp chúng tôi sơ tán tại một vùng hẻo lánh ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Một lần vào mùa hè năm 1967, tôi đạp xe từ đó về Hà Nội (lúc này, tàu chỉ đi ban đêm và rất chật nên chúng tôi đã đạp xe) vuợt cả trăm cây số. 

Đang đi, tôi nghe trên chiếc loa công cộng vang lên một bài hát thật độc đáo lần đầu tiên được nghe: “Chờ gió lên đưa thuyền về. Đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu. Quê nhà mến yêu. Nắng chiều lưu luyến vương bóng cau, làng quê thân yêu. Hò ơ!..”. 

Tôi dừng lại nghe hết thì được biết bài hát có tên “Chào sông Mã anh hùng” của nhạc sỹ Xuân Giao do nghệ sỹ Trung Kiên thể hiện. Ca sỹ thì trước đó tôi đã nghe. Nhưng nhạc sỹ thì đây là lần đầu tiên tôi biết. 

Tuy nhiên, bài hát thật đặc biệt, có giai điệu rất độc đáo được tác giả khai thác từ chất liệu dân ca Thanh Hóa. Nghe lần đầu tiên đã rất ấn tượng. Càng nghe càng thấy thú vị. Và sau đó, bài hát cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian dài khiến tôi phải tìm kiếm rồi học thuộc để hát trong những dịp sinh viên liên hoan văn nghệ.

Cố nhạc sỹ Xuân Giao.

Sau đó, cái tên Xuân Giao đã gắn với nhiều bài hát hay khác, về sau đều trở nên rất nổi tiếng như “Đi tới những chân trời”, “Cô gái mở đường”, “Một vùng lúa quê em”, “Bài ca biên giới”… Cuối năm 1969, sau khi Hồ Chủ tịch từ trần, Xuân Giao viết bài “Em mơ gặp Bác Hồ” thật đáng yêu, chỉ sau một thời gian ngắn đã lan truyền khắp miền Bắc (Khi ấy chưa thống nhất đất nước). 

Về bài hát này, có lần Xuân Giao nói với tôi: “Mình được gặp Bác từ ngày sinh hoạt ở Hướng đạo sinh tại Hải Phòng hồi còn trẻ. Ấp ủ, thai nghén suốt từ đó mà chưa viết được bài nào về Người. Cũng bởi vì cứ định đặt bút viết là lại nghe được một bài hay của tác giả khác, lúc ấy chưa tin là mình có thể vượt qua cái bóng của họ”. 

Tôi nói với ông: “Sau bài “Chào sông Mã anh hùng”, anh trở nên quá nổi tiếng. Sao còn phải e ngại?”. Ông bảo viết về Bác là khó nhất vì nhân vật quá lỗi lạc, như huyền thoại, không cẩn thận sẽ nhạt, công chúng không chấp nhận. 

Ông nói tiếp: “Sau khi Bác qua đời, mình nghe được nhiều bài rất xúc động. Cảm xúc tuôn trào, mình quyết định sẽ viết một ca khúc dành cho tuổi thơ. Cũng bởi vì sinh thời, Bác rất yêu quý thiếu nhi và các cháu cũng rất kính yêu Người. Mình chủ tâm viết bài dành cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo. Bé nào cũng muốn được gặp, được gần Bác nên mình mới viết “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ…”. 

Mình chỉ có ý viết tặng các cô giáo đang dạy ở trường mầm non tại khu phố mình ở để họ dạy các bé hát. Thấy các cháu thuộc nhanh, hào hứng hát, mình đem bài đến gặp nhạc sỹ Mộng Lân khi đó đang phụ trách làn sóng âm nhạc thiếu nhi ở Đài TNVN và được thu thanh, phát sóng ngay. Thế là một thời gian ngắn sau, bài hát lan đi rất nhanh...". 

Có thể nói, không em nhỏ nào thời đó không biết bài hát này. Và nhiều người lớn hôm nay vẫn còn thuộc lòng bởi ngày xưa họ đã từng say sưa hát. Trong kho tàng ca khúc Việt Nam, viết về lãnh tụ cho thiếu nhi hát, bài này của Xuân Giao và bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” của Phong Nhã theo tôi là hai bài hay nhất.

Nhạc sỹ Xuân Giao nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Nghe ca khúc của Xuân Giao, ta cảm nhận được phong vị lãng mạn, trữ tình với giai điệu đẹp, giàu hình tượng. Mới nghe đã thấy thích, càng nghe càng thú vị. Nó thấm vào ta một cách ngọt ngào. “Chào sông Mã anh hùng” đã nhắc ở trên cùng với “Cô gái mở đường” có lẽ là hai bài tiêu biểu cho chất nhạc của Xuân Giao như vừa nói. 

Nếu chỉ nghe mà chưa tiếp xúc, ta dễ hình dung tác giả là người lãng tử, hào hoa, có vẻ “a-ma-tơ” (amateur: tài tử). Nhưng lúc gặp và chơi lâu với Xuân Giao, lại thấy con người ông hoàn toàn khác: chân chất, thuần phác. Ông không có cái khéo léo nhiều khi là khách sáo của người thành thị, cái thâm thúy của giới có học mà có phần bộc trực. Ông bên trong thế nào bộc lộ hết ra bên ngoài thế nấy. 

Lần đầu tiên, tôi được Xuân Giao in cho một bài hát thiếu nhi vào một tập ca khúc khi ông làm việc ở Nhà xuất bản Mỹ thuật - âm nhạc. Khi ấy, một tác giả còn là sinh viên như tôi mà in bài, đứng chung trong một tập bài hát cùng với nhiều nhạc sỹ đã nổi tiếng là một điều hết sức vinh hạnh. 

Biết ơn ông, lần nào từ nơi sơ tán ở Thái Nguyên về, tôi đều đến thăm, biếu ông chè “móc câu”. Nhận rồi, ông rút tiền trả. Tất nhiên là tôi không nhận. Ông thật thà: “Cậu còn là sinh viên, lấy tiền đâu mà mua chè quý thế này? Nhận tiền đi để khi uống hết, mình còn nhờ cậu mua hộ chứ. Không nhận, mình không dám nhờ”. 

Sau đó, lâu lâu, về Hà Nội, tôi lại tìm đến nhà chơi với ông ở phố Bạch Mai. Tôi chủ tâm nói chuyện đến khi đứng lên ra về mới rút chè ra tặng, rồi ra cửa thật nhanh để ông không kịp trả tiền. Cố nhạc sỹ Thái Cơ - người nhiều năm cùng làm việc và thân thiết với Xuân Giao - người nhạc sỹ quê Thái Bình cho biết: “Tính hắn thế. Không vồ vập ai bao giờ dù có thân, quý đến đâu. Nhưng chân thành, tốt bụng''.

Xuân Giao là một trong những nhạc sỹ chịu khó đi thực tế. Ông có mặt ở hầu hết các cơ sở thuộc mọi tầng lớp công nhân, nông dân, bộ đội. Thời gian ông có mặt ở nhà ít hơn nhiều so với thời gian đi vắng. Có khi liên miên vài tuần. Về nhà được một vài ngày lại đi tiếp. 

Bà Dung – phu nhân của Xuân Giao - cho biết rất vui khi được cáng đáng mọi việc để chồng rảnh rang, chuyên tâm công tác và sáng tác. Ngược lại, ông rất tự hào về vợ, luôn cảm ơn bà đã hy sinh tất cả vì mình. Tuy bà là dân “ngoại đạo” âm nhạc nhưng đã can dự vào hầu hết các sáng tác của ông. Mỗi khi viết xong một bài, bà là người ông hát cho nghe đầu tiên và yêu cầu bà góp ý. 

Bà kể: “Bao giờ trước khi sử dụng, ông ấy cũng hát cho tôi nghe và nói tôi phát biểu. Ông đề nghị tôi không được động viên mà phải nói đúng ý nghĩ. Tôi chỉ biết nói: Bài này em nghe chưa vào, bài kia nghe xuôi tai mà không thể nói được cụ thể hơn. Ông ấy bảo phát biểu thế là được rồi. Và ông luôn tìm cách sửa lại khi tôi nói bài “chưa vào” - tức chưa lọt tai. Có khi ông ấy cứ loay hoay rồi âm ư suốt đêm để tu chỉnh lại”. 

Tôi nói với bà: “Có khi nào vì sợ anh ấy thức trắng đêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà chị cứ khen “đại” để anh không thức nữa không?”. Bà cho biết: “Không! Không bao giờ. Ông ấy sẽ biết và cho tôi là vô trách nhiệm”. 

Lúc tôi chưa lấy vợ, Xuân Giao luôn nói với tôi: “Cậu chớ thấy những cô hát hay, xinh đẹp mà lao vào. Phải tìm những cô có thể nhan sắc khiêm tốn hơn nhưng hiểu, cảm thông với công việc, niềm đam mê của mình”. Và ông luôn biết ơn vợ mình, cho rằng không có bà Dung, chắc chắn ông không thể có những tác phẩm như chúng ta đã biết.

Ngoài “Em mơ gặp bác Hồ”, Xuân Giao còn có một ca khúc dành cho tuổi mẫu giáo mà gần như bé nào cũng thuộc mà ít người biết là của tác giả “Chào sông Mã anh hùng”. Đó là bài “Cháu yêu bà”: “Bà ơi bà! Cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng, bạc trắng như vôi…”. 

Xuân Giao nói với tôi rằng ông rất yêu tuổi mầm non, cái tuổi đang bi bô, bập bẹ tập nói, đáng yêu nhất. Quả là không thấy có nhạc sỹ nào chỉ viết có 2 bài dành cho tuổi mầm non lại đều bất hủ, bé nào cũng thuộc lòng.

Năm 2014, Xuân Giao qua đời, hưởng thọ 82 tuổi (ông sinh năm 1932). Với một đời cần mẫn sáng tạo, có cuộc sống đạm bạc bên cạnh người vợ tảo tần, đảm đang, ông để lại những ca khúc sống mãi cùng thời gian, rất xứng đáng với giải thưởng Nhà nước về VHNT ngay từ đợt Chính phủ phong tặng lần đầu tiên. 

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...