Với nhạc sĩ Tiến Luân

30/07/2014

Viết về nhạc sĩ Tiến Luân thật không dễ vì các lý do sau: một, có nhiều bài báo về anh, từ báo giấy đến báo online; hai, viết không khéo sẽ gây hiểu lầm là Tiến Luân chắc sắp tung album gì đây nên cần “đánh bóng”; ba, phải viết thế nào để… ngay cả chính Tiến Luân đọc cũng thấy… gật gù.

+ Anh nghĩ sao về 3 lý do ấy?

+ NS Tiến Luân: Tôi nghĩ nhà báo cường điệu thôi, chứ thiệt tình khi ca khúc được hát, làm gì có tiếng vỗ tay khen… nhạc sĩ. Có đủ mọi giải thưởng để tôn vinh một giọng hát, nhưng hiếm hoi giải thưởng ghi nhận các nhạc sĩ, nhạc công. Cũng đâu có nhiều bài báo giới thiệu nhạc sĩ ngoài báo Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

+ Anh nhắc đến nhạc công. Điều này, thập niên 80 ở thế kỷ trước dường như được khán giả quan tâm hơn cả ca sĩ?

+ Khán giả ngày trước quan tâm nhiều đến ban nhạc vì đơn giản là ngàyđó không có quá nhiều ca sĩ, ban nhạc như hiện nay. Ít ban nhạc vì sân khấu ca nhạc cũng chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Song phải nói là đa phần đều đông khán giả. Hồi đó, trên các sân khấu ban nhạc và ca sĩ đều biểu diễn “live”, mỗi ban nhạc đều do một nhạc trưởng giỏi chỉ huy, dẫn dắt. Những tên tuổi được nhắc kể nhiều là ban nhạc Quốc Dũng, ban nhạc Lê Hựu Hà, ban nhạc Đài Truyền hình với tên tuổi của Lý Được, ban nhạc Tháng Tám với tên tuổi Thanh Long Bass…

Trước đây chưa có công nghệ hỗ trợ nên nhạc công phải thật giỏi mới mong tìm được chỗ đứng ở ban nhạc. Giỏi được hiểu theo nghĩa đen là xem bài nhanh, đánh tại chỗ và ngon lành. Để làm được ít nhất những đòi hỏi ấy, ngoài năng khiếu, đây là những cái ảo nên khó tồn tại lâu. còn là chuyện cần học hành tử tế mới mong có chỗ đứng vững chắc trong những ban nhạc toàn là nhạc sĩ nổi tiếng.

+ Hèn gì dân Sài Gòn trước 1975 vẫn nhớ đến chàng trai rất trẻ nhưng đã là cây guitar bass hào hoa ở Queen Bee; và sau đó là thành viên ban nhạc Quốc Dũng thập niên 80-90 thế kỷ trước. Thời kỳ này không thấy xảy ra “tai tiếng” như chuyện mượn “beat”…

+ Đúng là tôi chơi guitar bass ở Queen Bee và cũng là cựu thành viên ban nhạc Quốc Dũng, nhưng hai từ “hào hoa”, xin phép không dám nhận đâu. Những người chơi nhạc lúc đó, tự thân phải có trình độ cơ bản về âm nhạc, và cùng chút tài năng rồi với sự đam mê nghề nghiệp, họ luôn hiểu rằng cần khổ luyện thì mới hy vọng kết quả tốt. Bằng ngược lại sẽ bị loại ngay. Ngày nay thì nhờ kỹ thuật thiết bị âm thanh, công nghệ lăng xê và… scandal nên nhạc sĩ, ca sĩ rất mau nổi tiếng. Nhưng nhất những đòi hỏi ấy, ngoài năng khiếu, đây là những cái ảo nên khó tồn tại lâu.

Nhắc lại chút chuyện cũ cũng về ban nhạc. Những năm đầu thập niên 1990, ở TP.HCM bắt đầu phát triển các phòng thu (studio), nhiều người có giọng hát tốt (kể cả ca sĩ) đổ xô đến các studio để làm album riêng cho mình. Thế rồi, có những ca sĩ lấy phần phối khí đã thu ở trong các studio ra hát trong các buổi diễn của mình và công chúng thấy hay hơn là có một ban nhạc đệm bình thường. Nhất là khi phong trào karaoke du nhập vào Việt Nam, một số ca sĩ không có điều kiện thu phần nhạc đệm trong các studio bèn lấy phần nhạc đệm trong karaoke ra hát. Nếu “rủng rỉnh” tiền bạc thì ca sĩ chọn một số bài hát “tủ” để nhờ các nhạc sĩ (hoặc thuê studio) phối âm phối khí riêng cho mình, cách làm này đã tạo được hiệu quả cao về hiệu ứng công chúng. Từ đó các ca sĩ đua nhau thu nhạc phối riêng cho mình qua hình thức đĩa nhạc đệm và đẩy các ban nhạc vào chỗ... thất nghiệp!

Đáng sợ nhất là từ khi có hiện tượng ca sĩ xài đĩa nhạc đệm. Vẫn biết hát với ban nhạc sẽ không “mượt” bằng hát play back, nhưng cái chất “live” của ban nhạc sẽ tạo cảm hứng cho ca sĩ, và họ sẽ hát có hồn hơn.Niềm vui của nhạc công là được chơi nhạc, được thể hiện mình chứ đứng “làm tượng” thì... kỳ quá!

+ Chút tò mò: Tiến Luân lấy cảm hứng từ thực tế mùa nước nổi miền Tây, hay từ... nước lũ sau cơn mưa/ triều cường của đất Sài Gòn để viết “Quê em mùa nước lũ”?

+ Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. “Quê em mùa nước lũ” viết năm 2000, là năm Thìn bão lụt. Bài hát được viết từ… gợi ý của ca sĩ Hương Lan, và cũng chính Hương Lan là người đầu tiên hát khai sinh ca khúc này. Qua tạp chí Âm Nhạc Việt Nam, cho tôi một lần nữa cảm ơn ca sĩ Hương Lan.

+ Anh là dân Sài Gòn, vậy mà gần như các ca khúc đều mang đậm chất miền Tây. Chắc nghệ danh Tiến Luân có gốc gác cũng liên quan miền Tây?

+ Dạ không. Chỉ là… nịnh bà xã thôi. Tiến Luân là ghép tên Kim Liên với Hoàng Tuấn thành Tuấn Liên, nói lái là… Tiến Luân!

+ Nếu tóm tắt trong vòng 100 chữ về “Tiến Luân”, thì Nguyễn Hoàng Tuấn muốn nói gì?

+ Đam mê âm nhạc và luôn hiểu cần học hành cho tử tế để có thể sống lâu dài bằng nghề nghiệp mà mình đã chọn. Đừng chạy theo những giá trị ảo. Chỉ có khổ luyện và luôn cầu thị mới mong sống thủy chung với nghề.

Tôi tâm niệm rằng cần biết học cùng hành và lao động tử tế thì mới mong sẽ cho một kết quả tốt, bền vững.

Người xưa có câu: “có bột mới gột nên hồ”, không có ca khúc hay, không có những cảm xúc chất chứa trong những ca từ, giai điệu thì sẽ không thể có một bài hát hay. Dù ca sĩ có “tài năng”, giọng hát có “mê hoặc lòng người” đến đâu đi chăng nữa cũng không thể nổi tiếng với một ca khúc tồi! Nói cách khác, không có ca khúc chắp cánh, ca sĩ sẽ không thể bay cao, bay xa trên bầu trời âm nhạc được. Tuy nhiên, các ca sĩ nhận cát-sê hàng trăm triệu để trình bày một ca khúc, nhưng đôi khi tác giả của bài hát đó chỉ nhắc tên đã là điều…hạnh phúc. Tiền tác quyền cho một nhạc sĩ (nếu may mắn) được trả theo đợt và chắc chắn nó nhỏ hơn rất nhiều con số “khủng” mà các ca sĩ nhận được trong mỗi lần đi diễn.

Nhạc công là những thành viên trong một ban nhạc chuyên đệm đàn cho ca sĩ hát. Sự thành công của một ca khúc mang nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu sự cộng hưởng giữa ca sĩ và nhạc đệm.

Nhạc sĩ Tiến Luân sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Hội viên Hội Âm nhạc Tp.HCM, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từng là cây guitar bass nổi tiếng ở phòng trà Queen Bee trước 1975, cựu thành viên ban nhạc Quốc Dũng lừng lẫy ở Nhà hát Quận 10 thập niên 80 - 90 cùng với Kim Tuấn, Quốc Dũng, Quang Đạt, Mỹ Linh, Văn Quyến, Tùng Châu. Tiến Luân hiện làm công tác biên tập, hòa âm phối khí cho các trung tâm băng nhạc. Trong khoảng 170 ca khúc của ông có một số bài nổi tiếng như: “Quê em mùa nước lũ”, “Mong em còn ngày mai”, “Những trái tim hồng”, “Chờ anh hát lý duyên tình”, “Nợ em một khúc dân ca”, “Phải em Lý ngựa ô”, “Lao xao mùa xuân”, “Điệu nhạc xuân”...

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...