Violinist Đỗ Phương Nhi và bản Concerto của P.I Tchaikovsky
Đã từng nghe Đỗ Phương Nhi solo cùng dàn nhạc qua tác phẩm Carmen Fantasy op25 của P. Sarasate, của Mendelsson hay Saint Sean, toàn những tác phẩm đòi hỏi cảm xúc dồi dào kỹ thuật cao khiến cho khán giả ngỡ ngàng vì tay vĩ còn quá trẻ.
Nhưng lần này, thì em thật “già” và thật “chín” với nghệ thuật của P.I Tchaikovsky dành cho violon, mặc dầu em chưa tròn 16 tuổi. Sẽ không quá khi nói đây là bản concerto viết cho violon đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trong số những tác phẩm cùng thể loại. Khi những thanh âm của chương 1 dừng lại, nhiều khán giả đã không kìm nén được, đứng bật dậy để vỗ tay tán thưởng.
Đỗ Phương Nhi (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
- Lấy đâu ra sự nhuần nhuyễn, sâu sắc và đầy biểu cảm với một chương dài như thể gấp mấy tuổi đời?
Chúng tôi hỏi Đỗ Phương nhi sau buổi diễn. Mồ hôi vẫn còn lấp lánh trên trán, trên cổ và trên đôi vai trần, em cười bẽn lẽn. “ Lấy đâu ra ư? Cháu chẳng biết nữa. Cháu yêu tác phẩm này lắm. Cháu thích và cháu thuộc từ khi còn nhỏ lắm. Nhưng thực sự luyện tập với nó thì cũng hơn một năm nay, và nhất là vào những ngày theo học tại Học viện âm nhạc Barratt - Due (Oslo, Na Uy). Cháu có thể chơi như thế cả 3 chương ạ.
Đỗ Phương Nhi (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
*
Đây là đêm diễn thứ nhất tại Hà Nội của Toyota Concert lần thứ 16. Đêm thứ hai vào 3.08.2013, và những đêm trước tại TP HCM. Trước tiết mục của Đỗ Phương Nhi là bản nhạc vui nhộn Âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc Nhật Yasushi Akutagawa một tác phẩm cho thấy sự phong phú âm sắc của sáo, dàn dây và kèn đồng và “Se chỉ luồn kim”, dân ca quan họ Bắc Ninh được chuyển soạn cho dàn nhạc của Trần Mạnh Hùng. Sau đó, tiếp tục với P.I Tchaikovsky với bản Overture 1812 Op 49 cực kỳ nổi tiếng song cũng vô cùng quen thuộc với người yêu âm nhạc cổ điển Hà Nội. Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam ngày càng xứng đáng với sự trông đợi của khán giả thủ đô về khả năng hòa tấu dưới cây đũa người Nhật Tesuiji Honna. Không nghỉ giải lao, chương trình diễn ra liền mạch mà khán giả vẫn vô cùng hào hứng. Nhạc mục kết thúc rồi, nhưng khán phòng vẫn đầy ắp tiếng vỗ tay, khán giả vẫn ngồi vẫn đòi “bis”, và thế là nhạc trưởng Tesuiji Honna lại vuốt tóc và vung cây đũa lên để dàn nhạc cùng hào hứng thêm ba trích đoạn nữa. Nhưng càng chơi càng hào hứng, cho đến những hợp âm cuối cùng của “Bèo dạt mây trôi” - chuyển soạn của Ngô Hoàng Quân, ông mới dứt khoát, cười, chào, như muốn nói thôi, hãy dừng ở đây nhé. Khán giả dường như hiểu cái thấm mệt của ông. Sau đó, mọi người tràn ra cả hành lang để một lần nữa, cảm ơn ông, cảm ơn dàn nhạc và tài năng trẻ 16 tuổi.
Lịch trình vẫn còn tiếp diễn vào ngày 21/9 sang Nhật Bản nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam Nhật Bản. Những tác phẩm dự kiến sẽ trình diễn gồm 2 bản giao hưởng (số 5 và 7) và Concerto số 5 cho piano của Beethoven, Khúc tưởng niệm cho dàn dây của Takemitsu Toru, tổ khúc ballet Tơ nhện của Y. Akutagawa và Vào chùa do Ngô Hoàng Quân chuyển soạn.
Nghe nói trong chuyến lưu diễn này Dàn nhạc sẽ trình diễn tại ngôi đền Todaiji nổi tiếng với tượng Phật bằng đồng cao 15m ở Nara. Việc trình diễn tác phẩm của Toru tại đây coi như một lời cầu nguyện cho các nạn nhân động đất Nhật Bản 2 năm về trước. (Đây là nơi cách hơn 300 năm, một vị sư ở Huế đã dẫn một đoàn nhạc công sang trình diễn trong một buổi lễ, có lẽ đó là dấu ấn giao lưu văn hóa đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản).
Khác với những lần trước, Toyota Concert chỉ chọn giới thiệu những tác phẩm bán cổ điển, dễ nghe. Năm nay, dường như nhà tổ chức tin vào khả năng cảm thụ của khán giả hơn nen chọn các tiết mục khó hơn, nghiêng về giao hưởng nhiều hơn. Cả bốn tác phẩm được chọn trình diễn lần này đều là những tác phẩm không chỉ hay, rất hay, mà còn đặc biệt là phô diễn được kỹ thuật biểu cảm.
Toyota Concert đã diễn ra 15 lần, lần nào toàn bọ số tiền bán vé cũng dành cho tài năng trẻ Việt Nam và những câu chuyện cần đến sự chăm sóc xã hội, giữ gìn và nâng cao cảm thụ văn hóa tại Việt Nam, hỗ trợ cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam vươn tới đẳng cấp quốc tế.