Vinh danh đờn ca tài tử
Lễ đón bằng của UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại diễn ra trang trọng và hoành tránh tại thành phố Hồ Chí Minh tối ngày 11-2 một lần nữa tôn vinh những di sản văn hóa vô giá của Việt Nam.
Biểu diễn đờn ca tài tử ở Bạc Liêu (Ảnh: Báo Bạc Liêu).
Ai đã có dịp tới vùng đất phương Nam và được thưởng thức những tiết mục đờn ca tài tử sẽ cảm nhận sâu sắc niềm tự hào và giá trị của một loại hình nghệ thuật độc đáo này trong buổi vinh danh được truyền hình trực tiếp từ Hội trường Thống Nhất ở thành phố mang tên Bác với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử và đông đảo bà con tham gia buổi lễ.
Hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 dựa trên nền nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, đờn ca tài tử đã trở nên quen thuộc với người dân Nam Bộ. Những bậc tiên phong của đờn ca tài tử được lịch sử ghi nhận như các nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Trần Quang Quờn (thầy ký Quờn), Lê Tài Khị (Nhạc Khị) đã sáng tạo nên một thể loại nhạc mới, phù hợp với tâm trạng của những người dân đất phương nam đi mở cõi. Nỗi lòng nhớ quê hương của những người con xa quê được trút vào tiếng đờn trong đêm khuya thanh vắng càng khiến giai điệu thêm ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha đến khó quên.
Đờn ca tài tử được phát triển lên một tầm cao mới với sự xuất hiện của một trong những bản gốc của đờn ca tài tử là bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã từng trải qua thời thanh niên bươn trải, theo gia đình đi mở đất phương nam. Lúc trẻ, ông là học trò của một trong những bậc thầy của đờn ca tài tử là thầy Hai Khị hay Nhạc Khị ở Bạc Liêu. Nỗi nhớ người vợ tao khang Trần Thị Tấn trong những đêm thao thức cách xa do hoàn cảnh gia đình đã khiến nhạc sĩ Sáu Lầu “rút ruột” viết nên những giai điệu bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang. Bản nhạc Dạ cổ hoài lang với 20 câu, mỗi câu hai nhịp ấy đã trở thành một trong những bản nhạc gốc của vọng cổ. Để rồi các nhạc sĩ, nghệ sĩ đờn ca tài tử sau này phát triển lên bốn nhịp, tám nhịp, 16 nhịp, 32 nhịp và 64 nhịp và thăng hoa thành nghệ thuật cải lương có ảnh hưởng khắp đất nước và được bạn bè quốc tế mến mộ như hiện nay.
Do đặc thù nghề nghiệp, tôi may mắn có dịp được đặt chân đến nhiều tỉnh, thành Nam Bộ. Trong những chuyến đi công tác ấy, ấn tượng để lại sâu đậm trong tôi là nghệ thuật đờn ca tài tử gắn bó mật thiết với đời sống người dân Nam Bộ giống như dân ca quan họ Bắc Ninh với người dân Kinh Bắc vậy.
Ở bất kỳ đâu, dù là một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Cần Thơ, hay một câu hát ru con nơi miệt rừng U Minh Hạ, một buổi biểu diễn đờn ca tài tử ở miệt vườn Thới Sơn trên dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa hay trên chiếc thuyền chở khách ưa nghe vọng cổ rời bến Ninh Kiều vào mỗi hoàng hôn, không khí biểu diễn và thưởng thức loại hình đờn ca tài tử đều sâu lắng, thiết tha như thế.
Kết quả thống kê ban đầu cho thấy sức sống mạnh mẽ của đờn ca tài tử ở vùng đất phương nam đầy nắng gió. Hiện có 2.258 Câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động ở 21 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 14.000 người tham gia sinh hoạt. Những con số trên đã nói lên tính phổ quát và tầm ảnh hưởng của một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo có sức thu hút kỳ lạ mọi người, mọi lứa tuổi đến với môn nghệ thuật độc đáo này.
Đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương không chỉ tạo nên dấu ấn sinh hoạt nghệ thuật quan trọng trong đời sống văn hóa ở trong nước mà đã vươn xa trên thế giới. Những hoạt động sinh hoạt đờn ca tài tử ở Pháp là dịp thu hút đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế thưởng thức.
Từ lâu nay, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, dịp Quốc khánh, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp lại hồi hộp, mong ngóng những tiết mục ca cải lương của nghệ sĩ tài danh Hoàng Lan. Người nghệ sĩ quê ở thành phố Vũng Tàu đã gắn bó với phong trào của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp suốt 40 năm nay. Với giọng ca thiên bẩm, nghệ sĩ Hoàng Lan đã biểu diễn những bài vọng cổ ngọt ngào, trữ tình sâu lắng. Các cuộc biểu diễn của chị ở trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, ở hội quán của Hội người Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris, hay các đợt tổ chức Tết Nguyên đán của cộng đồng người Việt ở các thành phố lớn như Lyon, Marseille, v.v luôn thu hút đông đảo người hâm mộ.
Với cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, phần lớn sinh ra và lớn lên ở miền Nam, được nghe những làn điệu vọng cổ nơi đất khách, quê người vào mỗi dịp Tết càng khiến tình yêu quê hương thêm da diết.
Trong cái lạnh buốt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, những làn điệu vọng cổ do nghệ sĩ Hoàng Lan và các nghệ sĩ trong nước sang giao lưu biểu diễn phục vụ cộng đồng ở nước ngoài những Tết gần đây ngày càng lay động lòng người hơn. Những tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài dường như không dứt. Dù ở khán phòng rộng của trụ sở UNESCO hay ở hội quán ấm cúng của Hội người Việt Nam tại Pháp tọa lạc nơi con phố nhỏ Petit Musc, không khí ủng hộ của khán giả vẫn rộn ràng và nhiệt thành. Những bản nhạc, những lời ca của đờn ca tài tử và những câu vọng cổ đã nói hộ được tiếng lòng của những người con xa quê ngày đêm mong ngóng về nơi đất Mẹ. Những bản nhạc ấy cũng đã nói lên được bản tính mộc mạc, chất phác, trung dũng của những người dân Nam Bộ hiền lành, nhân hậu.
Chứng kiến không khí náo nức nơi trời Âu ấy, tôi tự hỏi: Phải chăng, chính hồn cốt của một loại hình nghệ thuật sinh ra từ đời sống sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng rộng lớn và độc đáo với những nét đặc thù riêng đã khiến cho đờn ca tài tử được hâm mộ và có sức sống lâu bền, khả năng lan tỏa, phát triển rộng khắp đến thế?
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)