Vĩnh biệt nhạc sĩ Mai Sao: Nhớ điệu nhạc múa sạp

04/03/2013

Nhạc sĩ Mai Sao.

Sáng 28.2 - ngày cuối cùng tháng 2 năm nay - tại nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội) bình dân và ấm cúng, rất đông người đã đến tiễn đưa một nhạc sĩ chừng như vô danh trong làng nhạc Việt Nam, nhưng lại có một đóng góp khiêm nhường mà lại rất lớn cho việc quảng bá chiến thắng Điện Biên Phủ ra thế giới.

Đó là nhạc sĩ Mai Sao. Người viết nhạc cho "điệu múa sạp" lừng danh đã tạ thế vào hồi 5 giờ 45 phút ngày 24.2.2013 tại Hà Nội ở tuổi 88.

Nhạc sĩ Mai Sao tên khai sinh là Trần Khổng Dung. Ông sinh năm 1926, đồng niên với các nhạc sĩ Huy Du, Phong Nhã. Khi cách mạng Tháng Tám thành công, Mai Sao 19 tuổi đã hòa vào nhịp thăng hoa của dân tộc và sau đó là cuộc trường kỳ kháng chiến. Câu chuyện ông là người viết nhạc cho điệu múa “sạp” nổi tiếng để "mang chuông đi đấm nước người" sau chiến thắng Điện Biên qua nhiều nước trên thế giới đã trở thành huyền thoại nhiều năm trong làng nhạc.

Ngày giải phóng Hải Phòng 13.5.1955, tôi - một cậu bé 6 tuổi - lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một điệu múa đặc biệt của Việt Nam mang tên “Múa sạp”. Thật lạ lùng, điệu múa và âm nhạc của nó ngay lập tức ám ảnh tôi. Âm nhạc và múa thật kỳ diệu so với những gì tôi biết trước đó ở Hải Phòng bị tạm chiếm. Nó cứ mang mang trong tôi suốt nhiều năm khi tôi đã rất thuộc giai điệu nhạc múa theo cách những người sau đó thực hiện điệu múa này là tự hát lên các nốt theo nhạc điệu “sòn sòn sòn đô sòn - sòn sòn sòn đô rê...”. Ám ảnh về một sáng tạo cứ theo tôi mãi nhiều năm cho đến khi tôi được gặp nhạc sĩ Mai Sao năm 1985 trong một cuộc cùng đi sáng tác ca khúc cho tỉnh Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi và Bình Định). Anh Mai Sao đã không ngần ngại kể cho tôi chuyện về điệu múa.

...Ngày ấy, sau chiến dịch Hòa Bình, văn công quân đội “lượm” được một món đặc biệt Tây Bắc. Đó là điệu nhảy “sạp”. Điệu nhảy thật đơn giản. Hai cây tre thon, dài chừng bốn mét gọi là “sạp”. Một chị ở một đầu, một anh ở đầu bên kia, ngồi gõ “sạp” theo nhịp trống. Một đôi nam nữ nhảy ra. Hai cây tre mở ra khép lại. Diễn viên trong sạp hoặc ngoài sạp cứ vỗ tay đều đều theo nhịp gõ. Cũng có nhạc đệm. Có lúc na ná cò lả. Có lúc na ná trống quân. Tại bãi lửa trại cùng thưởng thức nhảy “sạp” đêm đó, có nhạc sĩ Tử Phác và nhà thơ Hoàng Cầm - Trưởng đoàn văn công Quân khu Việt Bắc cùng nhạc sĩ Mai Sao - người chủ trương dùng mấy điệu nhạc trên cho “sạp”. Sau đêm diễn, khi ngồi trao đổi. Hoàng Cầm nói với Tử Phác rằng múa thì độc đáo, nhưng phần nhạc không ổn. Nhạc như thế thì khác nào bắt các cô gái Thái đội nón thúng quai thao. Phải có đúng âm nhạc của “sạp”.

Tử Phác cũng cho rằng phải có một nhạc múa “sạp” đúng là nhạc của miền Tây Bắc. Và thế là Tử Phác yêu cầu Mai Sao phải tìm hiểu để viết ra một nhạc múa phù hợp. Tiếp thu chỉ thị của “thủ trưởng” Tử Phác, Mai Sao trở lại Tây Bắc. Ở đó, anh cùng Bàng Thúc Hiệp đã đi nghe nhiều điệu “khắp” (hát) dân ca Thái và sau nhiều tháng, Mai Sao đã viết ra điệu nhạc múa “sòn sòn sòn đô sòn - sòn sòn sòn đô rê...” theo ngũ cung “rề - mi - son - la - đố” về trình làng tại Tổng cục Chính trị vào mùa hè 1952.

Ngay lập tức, điệu nhạc múa “sạp” này được O.T.K nhiệt liệt. Nó đã được phối khí một cách nhuần nhụy, tinh vi với các nhạc cụ dân tộc: Trống cái, trống cơm, khèn, sáo mèo, nhị, đàn tranh, đàn bầu cùng với các nhạc cụ Tây phương như accordeon, guitare, violon, clarinet... Điệu nhạc được dùng cho điệu múa đã được nhạc trưởng Lê Đóa phối hợp cùng đạo diễn múa Ngọc Minh đưa lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

Ngày giải phóng thủ đô, múa “sạp” được trình diễn nhiều đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình ca nhạc của quân đội. Một nữ ký giả Ba Lan đã rưng rưng nói về múa “sạp”: “Thật tuyệt diệu. Điệu múa khiến toàn thân tôi rung lên dường như có thiên thần nhập vào cơ thể vậy”. Cặp vợ chồng chuyên viên văn hóa Tiệp Khắc cũng nhận xét: “Chúng tôi có may mắn đi xem ca múa nhạc nhiều châu lục. Chưa từng thấy một vũ khúc dân gian nào như múa sạp Việt Nam”.

Nữ phóng viên Pháp Madeleine Riffaud của Báo Nhân Đạo cũng nói: “Sạp đẹp và uy nghiêm như những bức tranh lễ hội cơ đốc giáo ở Ý”. Điệu múa “sạp” cùng âm nhạc của nó sau đó đã được mang đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Từ sau đấy cho đến khi thống nhất đất nước, không còn có được cuộc song hành nào của chiến thắng với một tác phẩm nghệ thuật độc đáo như múa “sạp” cùng âm nhạc giản dị và cao sang của nó. Sau dâng hiến này, nhạc sĩ Mai Sao tuy vẫn sáng tạo, nhưng vẫn không thể có tác phẩm nào ghi dấu ấn lớn lao như nhạc múa “sạp”. Chỉ có những cái gần tới nhạc múa “sạp” mà thôi. Nhạc sĩ Mai Sao đã nói với tôi như thế trong đêm Mộ Đức.

Ở đời, thật khó khăn khi vượt qua một đỉnh cao do chính mình tạo ra. Nhạc sĩ Mai Sao là thế. Tuy vẫn yêu âm nhạc, vẫn viết ra những “Rẽ sóng ra khơi”, “Gửi em cô gái trồng cam”..., nhưng ông cũng phải mãn nguyện với sự nghiệp của mình ở nhạc múa “sạp” từ 60 năm trước với tên mọi người đặt cho: “Ông nhạc sạp”. Và thanh thản ra đi ở tuổi 88. Thương tiếc ông và nhớ sao điệu nhạc múa “sạp” ấy từ thuở xa xa...

 (Nguồnhttp://laodong.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...