Việt Nam sẽ đăng cai cuộc thi Tchaikovsky danh giá?

21/07/2014

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, người vừa đảm nhận vai trò giám khảo cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ (International Tchaikovsky Competition for Young Musicians) diễn ra ở Moskva (Nga), cho biết, ông Andrei Sherbak - Chủ tịch Hiệp hội cuộc thi Tchaikovsky - ngỏ ý muốn đưa cuộc thi này tới Việt Nam.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy đã được mời làm giám khảo cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ lần thứ VIII được tổ chức tại Moskva. Anh cũng chính là người đoạt giải cuộc thi này vào lần thứ III, năm 1997 được tổ chức tại TP. Saint - Peterbourge.

Tài năng Việt thua về đầu tư

Theo chia sẻ của Bùi Công Duy, cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ lần thứ VIII có sự tham gia của gần 150 thí sinh đến từ 20 quốc gia, được chọn lọc kỹ lưỡng qua vòng gửi băng. Ban giám khảo của mỗi bộ môn gồm 11 thành viên, đều là những Giáo sư, nghệ sĩ có uy tín đang giảng dạy, biểu diễn và được ghi nhận nhiều năm trên thế giới, từng đoạt giải thưởng Tchaikovsky.


Thí sinh La Li (Trung Quốc) – giải Nhất Cello

Năm nay, ở cả ba bộ môn đều có sự cạnh tranh khốc liệt vì trình độ chung của các thí sinh rất cao, có quá nhiều thí sinh xứng đáng để có thể vào vòng chung kết nên ban giám khảo đã rất khó khăn để đưa ra lựa chọn của mình, đặc biệt là ở vòng chung kết khi mỗi bộ môn chỉ được phép chọn 6 thí sinh và duy nhất 1 giải Nhất…. Cuộc thi được đánh giá là “bùng nổ” tài năng với sự xuất hiện của nhiều thí sinh xuất sắc, cũng như những thiên tài âm nhạc: La Li (Trung Quốc) - giải Nhất Cello; Alexander Malofeev (Nga) - giải Nhất Piano; Ruslan Turuntaev (Kazakhstan ) - giải Nhất Violin; Soo Been Lee (Hàn Quốc) - giải Nhì Violin…

Từng là thí sinh đoạt giải tại cuộc thi Tchaikovsky, nay ngồi “ghế nóng” giám khảo và cũng là thầy giáo của nhiều học sinh thi quốc tế, nghệ sĩ Bùi Công Duy kể, anh chứng kiến các thí sinh của cuộc thi Tchaikovsky năm nay dành 7 - 10 tiếng/ ngày để tập luyện. Trong khi đó, ở Việt Nam, học sinh dành 2 tiếng/ngày tập đàn thì thầy cũng thấy… hạnh phúc lắm rồi.

“Về năng khiếu, có thể nói các thí sinh Việt không thua kém gì quốc tế. Nhưng chúng ta thua họ về đầu tư, về môi trường văn hóa. Thí sinh đến với Tchaikovsky không với tư duy đi thi mà như tư cách một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ” - Bùi Công Duy lý giải về việc gần 20 năm kể từ năm 1997 VN chưa có thêm thí sinh lọt vào vòng tranh giải cuộc thi này.

Cần 10 tỉ đồng để đưa Tchaikovsky đến Việt Nam

Lý do để Hiệp hội cuộc thi Tchaikovsky muốn đưa cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ đến Việt Nam là bởi họ muốn một quốc gia châu Á đăng cai (sau khi từng tổ chức ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) và Việt Nam lại từng có thí sinh đoạt giải cuộc thi này.

Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ được tổ chức lần đầu vào năm 1992. Các lần tiếp theo được tổ chức luân phiên tại Nhật Bản (1995, 2004), Trung Quốc (2002), Hàn Quốc (2009), Thụy Sĩ (2012)… Năm nay, cuộc thi lại được tổ chức tại Moskva sau 22 năm. Đây là cuộc thi có truyền thống lâu năm, một trong những cuộc thi có uy tín bậc nhất dành cho các nghệ sĩ trẻ tuổi chơi piano, violin, cello và cũng là niềm tự hào của nước Nga.

Khó khăn đầu tiên trong việc đăng cai cuộc thi theo Bùi Công Duy là việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp hội, như: Dàn nhạc, nhạc công đệm đàn… đều phải đạt tầm quốc tế. Thậm chí, họ chỉ đồng ý dùng dàn nhạc từ Nga sang. Vì phải đáp ứng những tiêu chuẩn nói trên mà vấn đề kinh phí mới là thách thức thực sự.

“Theo ước tính, một cuộc thi như vậy cần tới 400.000 - 500.000 USD, tương đương khoảng 10 tỉ đồng. Số tiền này so với kinh phí để tổ chức một chương trình truyền hình thực tế có thể không thấm vào đâu. Nhưng sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới này sẽ góp phần quảng bá và đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam tiếp cận với thế giới” - Bùi Công Duy chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy đã say sưa khi nói về việc đưa cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ, nhưng quả thật, số tiền 10 tỉ đồng không phải chuyện nhỏ. Hy vọng mong muốn của Bùi Công Duy có thể thành hiện thực.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.