Vì nhạc sĩ Hồng Đăng, Hà Nội có nhiều hoa sữa
Là một nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hồng Đăng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim khán giả bằng nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Có một vùng đảo xa”, “Cơn lốc”, “Đường về hoàng hôn”, “Lênh đênh”, “Nhớ ơn Cụ Hồ”, “Hoa sữa”…
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: B.Liên
Duyên phận với nghiệp sáng tác
Nhạc sĩ Hồng Đăng đùa rằng: “Trời đưa tôi đến với nghiệp viết nhạc”. Từ khi đi học lớp Sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam, ông được gặp, học cùng và làm việc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. “Lời mời gọi của âm nhạc” mỗi lúc một lớn, ông bắt đầu dấn sâu vào con đường âm nhạc. Nếu như không có duyên gặp các bạn bè, đồng nghiệp giỏi, có lẽ ông đã chuyển nghề khác.
Sau khi tốt nghiệp nhạc viện, ông chuyên tâm vào sáng tác. Ông viết nhiều tác phẩm khí nhạc (nhạc không lời) và thanh nhạc (nhạc có lời) được khán giả yêu thích. Nhạc sĩ Hồng Đăng tự hào vì mình cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã đóng góp một phần công sức ít ỏi, một lượng tác phẩm tương đối lớn vào nền âm nhạc Việt Nam. Ông có số lượng tác phẩm khí nhạc lớn và là nhạc sĩ viết nhạc phim nhiều. Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, ông còn thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian và Hội Nhà báo Việt Nam. Một thời gian dài trước đây, nhạc sĩ Hồng Đăng đảm nhận chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc (từ năm 1989) và tờ Thế giới Âm nhạc (từ năm 1996).
Với những đóng góp của mình cho nền âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng nói rằng “chưa nhiều, vẫn còn ít lắm”, nhưng ông thực sự vui và hạnh phúc vì đó là tâm huyết của mình. Giọng trầm buồn, ông chia sẻ: “Nếu mà được sống tử tế hơn thì chắc chắn tôi còn sáng tác được nhiều tác phẩm hơn nữa, âm nhạc của tôi sẽ ở một tầm cao mới. Ngày trước, gia đình tôi có một chiếc đàn piano, nhưng vì khó khăn nên tôi bán lâu rồi. Sáng tác nhạc khí cần đàn nó mới chuẩn xác được, sau này mỗi khi sáng tác tôi ngồi tưởng tượng ra những phím đàn.”
Đến bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn túc tắc làm việc, khi thì làm giám khảo, khi thì sáng tác nhạc. Thời gian rảnh rỗi, ông gặp gỡ bạn bè. Ngôi nhà của ông không khi nào ngơi khách ra khách vào, cười nói vui vẻ vì đó là nơi để mọi người gặp gỡ nhau, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng tầm mắt và gắn kết tình cảm thêm bền chặt.
Chưa biết hình thù hoa sữa
Chưa từng nghe thấy, lại cũng chưa được nhìn thấy, ngửi thấy mùi hoa sữa, vậy thì không hiểu duyên cớ gì mà nhạc sĩ Hồng Đăng lại viết về hoa sữa? Khi được hỏi, ông tủm tỉm: “Đã 40 - 50 năm tôi vẫn thấy bất ngờ khi bài “Hoa sữa” tôi viết đi đến với người ta một cách hơi bất thường. Điều ấy làm tôi vui! Có người khen hết lời, có người lại chê hết lời, nhưng chê thì cũng chỉ chê mùi hoa sữa nó nồng nặc, tôi thấy chuyện ấy buồn cười thôi. Ngày trước, diễn viên Đức Hoàn (đóng vai Mỵ trong phim “Vợ chồng A Phủ”) sau khi học đạo diễn đã làm một bộ phim, kịch bản của ông Hoàng Minh Tường. Bà ấy nhờ tôi viết nhạc phim. Yêu cầu đặt ra là cần có một bài hát, viết về mối tình của một đôi trai gái tại Hà Nội, học xong đại học, họ được phân công công tác và họ nên đi hay ở. Tôi loay hoay mãi không biết viết sao thì đúng lúc nhà thơ Hương Trâm bảo tôi, Hà Nội có một loại hoa hay hay, tên là hoa sữa. Lúc ấy tôi có biết hoa sữa là hoa gì đâu, chẳng có tí khái niệm gì về loài hoa này. Tôi chỉ nghĩ nó thơm thơm, ngọt ngọt. Mà viết nhạc có ai bắt phải miêu tả nó như thế nào, hình thù nó ra sao, nó thơm kiểu gì đâu(!?). Tôi tưởng tượng ra tôi viết. Mà bài hát tôi viết cũng toàn những câu bâng quơ thôi: “Kỉ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/ Những bạn bè chung, những con đường nhỏ/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào... anh lại quên em…/ Có lẽ nào... anh lại quên em”. Đầu phố, chỗ chúng ta hay hẹn hò nhau, gặp nhau rồi mùi hương hoa ngọt ngào quanh quẩn đi theo. Những câu hát nói tới tình yêu, nhưng không thúc giục, không mạnh bạo, mà nhẹ nhàng, tinh tế, rất Hà Nội”.
Hiện nay nhiều tuyến phố ở Hà Nội trồng hoa sữa, mà không phải trồng ít, trồng nhiều tới mức mùi thơm nồng nặc, đặc quánh cả không gian, khiến nhiều người dân khó chịu. Nhiều người “đổ lỗi”, họ đang “trách” tại nhạc sĩ Hồng Đăng mà Thủ đô giờ nhiều hoa sữa quá. Ông chính là người khai sinh hoa sữa (?). Nhạc sĩ chia sẻ: “Lỗi thì tôi cũng chẳng có lỗi gì cả, chẳng qua là mọi người yêu bài hát “Hoa sữa”, yêu hình ảnh, mùi hương hoa sữa thì mọi người trồng thôi. Mà tôi cũng nên cảm ơn những người trách tôi. Vì như thế, tôi thấy được tác động của văn học nghệ thuật đi vào cuộc sống đời thường một cách nhẹ nhàng, đơn giản, chẳng cần “đao to búa lớn” gì cả. Chỉ là một bài hát mà làm cho người ta yêu hẳn một loài hoa. Loài hoa ấy dần biến thành biểu tượng của một thành phố, đã có bài hát nào làm được như thế đâu? Điều này rất quý giá cho tiếng nói của văn học nghệ thuật và cũng là niềm vui cho tác giả”.
Nhiều thành phố hiện nay đang chặt bỏ cây hoa sữa. Có người đồng tình, có người nói không với việc này. Nhạc sĩ “hoa sữa” thì cho rằng cái gì cũng cần vừa đủ, nhiều quá hay ít quá đều không hay. Chúng ta hãy trồng đủ để hương hoa thơm man mác lan toả theo chiều gió, làm cho người dân vui, phấn khởi chứ không phải khiến họ khó chịu hay bực mình!
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Những năm 1950, khi còn là học sinh kháng chiến ở Liên khu IV, ông đã bắt đầu sáng tác. Một số ca khúc đầu tay của ông như: “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn cụ Hồ”, “Đời học sinh”...
Hoà bình lập lại, về Hà Nội, ông học lớp Sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Thời gian này ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng Năm” (lời cùng với Thế Bảo), “Giữa mùa sa nhân”, “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn” (lời cùng Nguyễn Liệu)... và một số tác phẩm khí nhạc. Từ đó đến nay, ông hoạt động sôi nổi và đa dạng trong nhiều lĩnh vực như vừa giảng dạy, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, nhạc phim, viết sách, làm báo... |
(Nguồn: http://giadinh.net.vn)