Về hai bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

11/07/2017

Lưu Hữu Phước (1921-1989) là một nhạc sỹ lớn, cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông đã gắn với những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Ông là tác giả của nhiều bài hùng ca giải phóng, có sức thôi thúc mạnh mẽ quần chúng tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng. 

Các thế hệ công chúng không thể quên những ca khúc của ông đã đi vào lịch sử: "Bạch Đằng giang", "Lên đàng", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch", "Tình Bác sáng đời ta", "Bài ca giải phóng quân" (ký tên Lưu Nguyễn - Long Hưng), "Giờ hành động", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Sẵn sàng chiến đấu", "Giải phóng miền Nam"… Hai bài hát thiếu nhi nổi tiếng của ông cũng nằm trong số những ca khúc hay nhất dành cho tuổi thơ: "Reo vang bình minh", "Thiếu nhi thế giới liên hoan".

Đặc biệt, Lưu Hữu Phước có hai bài có số phận thật độc đáo. Đó là "Tiếng gọi thanh niên" và "Hồn tử sĩ". Về bài "Tiếng gọi thanh niên" - một bài hát không bạn trẻ nào ra đời trước Cách mạng Tháng Tám lại không biết: "Này thanh niên ơi! Tiến lên dưới cờ giải phóng/ Đồng lòng cùng đi, đi, đi, sá gì thân sống…".

Bài hát độc đáo ở chỗ trở thành quốc ca của cả chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu lẫn chính quyền Việt Nam Cộng hoà, sau đó do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống (Đệ nhất Cộng hoà) rồi Đệ nhị Cộng hoà của Nguyễn Văn Thiệu, tuy tác giả là một nhà hoạt động cách mạng, một người cộng sản tiêu biểu - là đối phương, ở trận tuyến đối ngược với họ.


Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước.

"Tiếng gọi thanh niên" được ra đời năm 1941, lúc đầu mang tên "Tiếng gọi sinh viên". Có lần tôi được nghe Lưu Hữu Phước kể: Năm 1940, lúc 19 tuổi, học xong tú tài ở Sài Gòn, ông được cha mẹ cho ra Hà Nội theo học trường thuốc để mong con mình sau này trở thành bác sỹ. Ra một nơi mới lạ, tâm hồn chàng trai chưa vợ đang phơi phới, yêu đời, các bạn sinh viên lại rất ham mê ca hát.

Vốn có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, lại võ vẽ nhạc lý, chơi được một vài nhạc cụ thông dụng như ghi-ta, măng-đô-đin, Lưu Hữu Phước nghĩ ra việc sáng tác một bài hát cho sinh viên hát. Thế là bài "Tiếng gọi sinh viên" ra đời vào một đêm tháng 4-1941. Các bạn rất thích phần âm nhạc, không cần phải sửa gì. Nhưng phần lời ca còn nhiều chỗ chưa ổn nên mọi người đã xúm vào cùng sửa chữa. Sau đó, các bạn lấy bài này làm bài hát công khai của sinh viên.

Ngày 15-3-1942, Tổng hội Sinh viên tổ chức một đêm ca nhạc tại đại giảng đường của nhà trường nhằm lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện - nơi các sinh viên y khoa về thực tập và rất muốn chọn một bài hát làm bài "Sinh viên hành khúc" chính thức có lời bằng tiếng Pháp (La Marche des Éstudiants).

Lưu Hữu Phước đã đưa cho bác sỹ Nguyễn Tôn Hoàn là Trưởng ban Âm nhạc của Tổng hội sinh viên Đại học Hà Nội khi ấy mấy bài mình sáng tác để vị này chọn. Và bài "Tiếng gọi sinh viên" đã được lựa. Tuy nhiên, bác sỹ Hoàn nhận thấy phần ca từ vẫn cần sửa thêm nên đã thành lập một hội đồng duyệt (trong đó có các ông Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng về sau trở thành hai người bạn thân thiết của Lưu Hữu Phước và GS Hoàng Xuân Nhị, sau này là Chủ nhiệm khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Và bài hát đã chính thức được công nhận, trở thành "Sinh viên hành khúc". Mùa hè năm đó, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra lễ mãn khóa rất long trọng, có Toàn quyền Đông Dương Decoux và nhiều quan chức cao cấp Pháp - Việt tới dự.

Một ban nhạc của hải quân Pháp được huy động đến phục vụ buổi lễ. Khi ban nhạc này diễn tấu bài "Sinh viên hành khúc" thì mọi người, trong đó có Decoux đều đứng dậy. Cũng trong buổi lễ có hai người hát rất hay bài này là hai nữ sinh viên tên là Nguyễn Thị Thiều và Phan Thanh Bình.  Đó cũng là hai người đầu tiên hát rất thành công bài này, được người nghe hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhân một lần kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương, "Sinh viên hành khúc" được các sinh viên Trường Đại học Đông Dương cất lên hùng tráng ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì (Phú Thọ) - nơi tọa lạc Đền Hùng. Sau khi bài hát vang lên và lan truyền ở Hà Nội, các sinh viên đã đưa vào trình diễn tại Nhà hát Lớn ở Sài Gòn, được đông đảo công chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Từ đó, bài hát lan truyền khắp nơi, trở nên nổi tiếng.

Năm 1949, Pháp thành lập Chính phủ quốc gia Việt Nam, mời cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng, Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Thủ đô là Sài Gòn. Bác sỹ Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị lấy "Sinh viên hành khúc" làm Quốc ca của Quốc gia Việt Nam. Được Bảo Đại chấp nhận, bài hát đổi tên thành "Thanh niên hành khúc", có phần lời ca được sửa lại như sau: "Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống/ Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên/ Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…".

Sau năm 1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên làm Thủ tướng. Sau đó, họ phế truất Bảo Đại để đưa ông Diệm lên làm Tổng thống, lập nên Việt Nam Cộng hòa. Nền "Đệ nhất Cộng hòa" ra đời từ đây. Tháng 3-1956, Quốc hội lập hiến của Việt Nam Cộng hòa khai mạc, có nội dung chọn quốc kỳ và quốc ca. Về quốc kỳ, họ vẫn sử dụng cờ nền màu vàng có 3 sọc đỏ ở giữa (vốn có từ thời Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu). Về Quốc ca, họ chủ trương thi tuyển.


Tiếng gọi thanh niên” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.​

Một số nhạc sỹ có tên tuổi lúc đó đã tham gia như Phạm Duy với bài "Chào mừng Việt Nam", Hùng Lân dự hai bài là "Nhân dân cách mạng Việt Nam" và "Việt Nam minh châu trời đông", Ngô Duy Linh với bài "Một trời sao", Ngọc Bích và Thanh Nam với "Suy tôn Ngô Tổng thống"…  Trong số những bài này thì "Việt Nam minh châu trời đông" của Hùng Lân đã từng được Quốc dân đảng dùng làm đảng ca từ năm 1945.

Nhưng quốc hội lập hiến lúc đó vẫn quyết định chọn quốc ca có từ thời Bảo Đại nhưng đổi lại tên là "Tiếng gọi công dân", rồi yêu cầu Đài Phát thanh Sài Gòn sửa lại lời ca cho phù hợp với thời vận mới, với chính thể của họ. Lời mới của bài như sau: "Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng/ Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống/ Vì tương lai quốc dân/ Cùng xông pha khói tên…".

Đến thời Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống (Đệ nhị Cộng hòa), ông ta vẫn quyết định giữ nguyên quốc ca và không sửa chữa gì. "Tiếng gọi công dân" mà khởi thủy là "Tiếng gọi sinh viên" ra đời từ năm 1941 của Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ (chủ yếu là Lưu Hữu Phước) vẫn là quốc ca của Việt Nam Cộng hòa.

Về sự việc bài hát của mình bị chính quyền ngụy qua hai nền cộng hòa tự ý đổi lời, làm quốc ca để phục vụ những ý đồ chính trị, Lưu Hữu Phước rất bất bình và đã nhiều lần chính thức lên tiếng phản đối. Nhưng chính quyền Ngụy không tôn trọng, mà vẫn tiếp tục sử dụng làm quốc ca cho mãi đến ngày 30-4-1975 mới chấm dứt với sự sụp đổ chính thể của họ.

Trường hợp đặc biệt thứ hai là bài "Hồn tử sĩ". Lúc sáng tác bài này, Lưu Hữu Phước đặt tên là "Hát giang trường hận" nhằm tưởng nhớ, ghi công đức của Hai Bà Trưng - hai vị anh hùng liệt nữ đầu tiên của nước ta. Lịch sử ghi nhận rằng, sau khi cầm quân chiến đấu ngoan cường với giặc Đông Hán bên Tàu, bị thất bại, hai bà đã tuẫn tiết ở sông Hát.

Cảm phục tấm gương quả cảm của hai bà làm rạng danh truyền thống của phụ nữ Việt Nam, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài này (trước Cách mạng Tháng Tám). Bài hát có giai điệu trầm, buồn, rất phù hợp với không khí tưởng niệm trong các tang lễ và lời lẽ thống thiết: "Đêm khuya âm u, ai khóc than trong gió đàn/ Sóng cuốn Trưng nữ vương/ Gợi muôn ngàn bên nước tràn/ Hồn ai đang thổn thức trên sông/ Hồn quân Nam đang khóc trên sông…".

Về sau, tác giả đổi tên bài thành "Hồn tử sĩ", lời ca cũng được sửa như ngày nay: "Đêm khuya âm u, ai khóc than trong sương mù/ Gó rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù/ Hồn ai kia đau xót chơi vơi/ Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi…". Lúc đầu, bài hát được sử dụng trong các buổi tang lễ của Nhà nước và sau khi chào cờ có phút mặc niệm để tưởng nhớ các liệt sỹ. Nhưng chỉ tấu giai điệu chứ không hát lời nên công chúng không mấy người biết, mà chỉ nghe giai điệu quen thuộc. Về sau được dùng rộng rãi trong nhiều gia đình khi có tang lễ.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.