Tương lai của âm nhạc cổ điển là ở châu Á
Từ ngày 8/8 đến ngày 29/8, Dàn nhạc trẻ Châu Á (Asian Youth Orchestra) quy tụ 103 nhạc công tài năng đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ tham gia trình diễn tại Hồng Kông.
103 thành viên của Dàn nhạc trẻ châu Á năm nay được chọn lọc gắt gao từ hơn 800 người dự tuyển độ tuổi từ 17-27 ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có: Trung Quốc lục địa, Hồng Kông, Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những nghệ sĩ trẻ này đã trình diễn 3 tuần trong Lễ hội mùa hè ở Hồng Kông và 3 tuần tiếp theo sẽ trình diễn cho tour hòa nhạc quốc tế với sự tham gia của các nhạc trưởng và nghệ sĩ solo nổi tiếng.
Vào thứ 7 này, dàn nhạc sẽ thực hiện tour diễn xuyên Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Hồng Kông, và Nhật Bản, trình diễn trước khoảng 20.000 khán giả.
Dàn nhạc trẻ châu Á quy tụ 103 thành viên từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ảnh: The New York Times
Trong những năm qua, dàn nhạc đã từng biểu diễn tại Nhà Trắng, nhà hát Hollywood Bowl và nhà hát Avery Fisher Hall ở New York. Song trong mùa thứ 25 này, Dàn nhạc trẻ châu Á sẽ biểu diễn tại quê nhà của mình. Gala kỷ niệm của dàn nhạc sẽ diễn ra tại Sân vận động trong nhà Hong Kong Coliseum vào ngày 16 tháng 8, sẽ có khoảng 600 nghệ sĩ tham gia trình diễn Bản giao hưởng số 9 của Beethoven.
Nhà soạn nhạc Richard Pontzious, 71 tuổi, quê hương ở San Francisco, Mỹ, là người đồng sáng lập nên Dàn nhạc trẻ châu Á 25. Ông đã từng chứng kiến nhiều thăng trầm ở châu Á từ khi ông chuyển đến Đài Loan sinh sống năm 1967. Ông từng làm trong Nhạc viện Thượng Hải vào năm 1983 và trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên định cư lâu dài kể từ sau cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976), đây cũng là thời kì mà các nhạc cụ và bản nhạc của "tư bản phương Tây" bị hủy bỏ. "Nhạc viện bị tàn phá nặng nề, các nhạc cụ hư hỏng hết trong cuộc Cách mạng văn hóa", ông Pontzious kể lại.
Những gì mà ông chứng kiến thời đó khác xa so với hiện thực của Trung Quốc ngày nay, với những nhà hát lộng lẫy mới và những nghệ sĩ độc tấu danh tiếng như Lang Lang, Yundi Li và Jian Wang. Ông nói rằng, "Nếu bạn nhìn vào khán giả ở châu Âu, bạn sẽ thấy toàn những người cao tuổi. Điều đó trái ngược hoàn toàn so với ở đây. Tương lai của âm nhạc cổ điển là ở châu Á. Ở đây, mọi người đang mang cả những em bé đến các buổi hòa nhạc".
Dàn nhạc trẻ châu Á được thành lập năm 1990 ở Hồng Kông bởi hai nhà soạn nhạc tài ba Yehudi Menuhin và Richard Pontzious, tương tự như Dàn nhạc trẻ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, đoàn nhạc châu Âu này được bảo trợ bởi một thể chế liên chính phủ, trong khi Dàn nhạc trẻ châu Á hoạt động nhờ tài trợ tư nhân và tự mình kết nối các quốc gia châu Á vốn còn nhiều cách biệt. Ông Pontzious nói rằng, tinh thần của nhóm châu Á rất gần với Dàn nhạc giao hưởng Đông Tây (West-Eastern Divan) ở Seville, Tây Ban Nha với mục tiêu kết nối những nhạc công đến từ những đất nước khác biệt về chính trị ở Trung Đông.
Kể từ buổi công diễn đầu tiên năm 1990, Dàn nhạc trẻ Châu Á đã có hơn 300 buổi hoà nhạc tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc, phục vụ cho hơn một triệu khán giả đến xem hoà nhạc. Hàng triệu khán giả trên khắp thế giới đã được xem và nghe Dàn nhạc biểu diễn qua các kênh truyền hình CNN, CNBC, NHK, RTHK Hong Kong, Star TV. Dàn nhạc đã từng đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Việt Nam năm 2011.
(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)