Từ Hà Nội nhớ về nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Sáng nay như nhiều buổi sáng, Hà Nội lại vang lên bài ca “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Đầu đông, trời se lạnh mùa hoa sữa đang ngào ngạt tỏa hương trên khắp các đường phố thân quen Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, Bờ Hồ... mùi hương đã đi vào trong thơ ca, tiềm thức của người Hà Nội. Hương hoa ấy trong ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đưa tôi trở lại với những kỷ niệm về người nhạc sĩ tài hoa, những năm tháng tôi được gặp ông ở những năm 90 của thế kỷ trước.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm đã khắc sâu trong tâm hồn người yêu nhạc. Nói về ông, về những ca khúc bất hủ của ông đã có rất nhiều bài báo, trang sách, thông tin truyền thanh truyền hình... Với bài viết này, tôi muốn chia sẻ về những tình cảm quý mến, chân thành dành cho con người hiền tài, nhân hậu đối với cá nhân tôi.
Gặp ông lần đầu vào năm 1994, nhưng năm 1995 tôi mới có cơ hội được tiếp xúc trò chuyện nhiều, đó là dịp diễn ra Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V, thời gian không nhiều nhưng ông đã để lại trong tôi những ấn tượng, tình cảm đẹp... Ánh mắt trìu mến, thân thiện của ông ngày ấy như vẫn đang lặng lẽ nhìn tôi đâu đây nơi phố phường thân yêu giữa lòng Hà Nội... Hồi đó tôi được cơ quan Hội cử đón tiếp, sắp xếp phòng ở khách sạn cho các nhạc sĩ phía Nam. Công việc rất bận rộn nhưng khi đã tạm ổn, tôi quay lại phòng các nhạc sĩ xem còn thiếu gì nữa không, qua phòng ông gặp nhạc sĩ Phạm Mimh Tuấn cũng đang ở đó, ông vui vẻ hỏi thăm công việc và cuộc sống của tôi rồi nhờ nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chụp cho tôi và ông bức ảnh làm kỷ niệm. Ông bảo anh chị em Văn phòng Hội chu đáo quá, lần này ra Hội ông vui lắm.
Từ đấy cho tới những lần sau khi có công việc ra Hà Nội ông thường gọi điện cho tôi khi thì mời cùng ăn trưa với đoàn, khi thì giúp ông một số giấy tờ hoặc mua sắm gì đó, mọi việc hầu như tôi đều giúp ông hoàn tất đầy đủ, nhưng riêng việc ăn uống tôi hay từ chối vì ngại hoặc bận việc riêng, rồi một lần khiến tôi nhớ mãi. Hôm đó sau khi kết thúc cuộc họp buổi chiều ông gọi tôi đến vẻ trân trọng: “Ngày mai mình phải xa Hà Nội rồi, mình mời Xuân Tình chiều nay dùng cơm cùng mình và đoàn nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh nhé...”. Tôi xin lỗi không thể dự được, khuôn mặt hiền của ông bỗng nghiêm lại, nhìn thẳng vào tôi ông nói: “Mình rất quý Xuân Tình vì sự chân thành và nhiệt tình, chu đáo, chỉ có mời một bữa ăn chia tay, tại sao khi nào Xuân Tình cũng từ chối vậy, có ai làm gì em đâu ?”. Ông coi tôi như người em nhỏ, người bạn có thể chia sẻ tâm tình. Tôi đứng như trời trồng và biết mình không thể từ chối. Tối đó rất vui cùng các nhạc sĩ với những câu chuyện hài hước thú vị...
Những điều giản đơn ấy giờ đây đã trở thành kỷ niệm in đậm trong tôi... Những năm ông trọng bệnh, cơn tai biến đã khiến ông không còn được trở lại Hà Nội, nơi đã nuôi dưỡng ông trưởng thành, đã cho ông gặp và có được người vợ hiền yêu quý, đã tạo cho ông nguồn cảm xúc mãnh liệt để khi chia tay Thủ đô trở về miền Nam, khúc hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời đến khi ông đi xa... Đó cũng là điều đau buồn nhất đối với ông và những người Hà Nội luôn mong đón chờ ông .
Đã gần hai năm trôi qua sau ngày ông mất (9.1.2013) giai điệu nồng nàn tình yêu Hà Nội của ông vẫn ngân lên đâu đây trong mỗi căn nhà, hàng cây, đường phố và trong tâm khảm những người yêu âm nhạc của ông, những người Hà Nội luôn nhớ tới vị nhạc sĩ già, nhân hậu, cây đại thụ lớn trong rừng cây âm nhạc Việt Nam.