Trở thành nghệ sĩ là một hành trình khổ luyện

07/10/2016

Trước hiện trạng "xã hội đang mọc lên tua tủa cái gọi là nghệ sĩ từ những chương trình truyền hình", nghệ sĩ vi-ô-lông Trịnh Minh Hiền cho rằng "Việc đổ lỗi cho truyền hình là vô nghĩa"...


Nghệ sĩ vi-ô-lông Trịnh Minh Hiền

“Tôi nghĩ chúng ta đều biết ngày càng có nhiều kênh truyền hình được mua, mà thứ được mua sẽ làm những gì người bỏ tiền muốn. Đáng tiếc, kênh truyền hình thực sự lại phải lùi lại sau các kênh tự mua đó. Vì thế, việc đổ lỗi cho truyền hình là vô nghĩa", nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền chia sẻ.

Công chúng vẫn còn nhiều suy nghĩ về hình ảnh nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển: khổ luyện nhưng nghèo lắm. Liệu rằng họ còn đúng nữa?

Ít tiền là một thực tế trong đời sống của nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển. Kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền chỉ số ít nghệ sĩ cổ điển làm được. Một số nghệ sĩ mà môn họ theo đuổi không thời thượng, họ chỉ có thể chơi trong dàn nhạc nào đấy, đời sống khá chật vật. Vì thế, tôi không thể trả lời theo cách: không chúng tôi không khổ đâu. Tuy vậy, tôi hoàn toàn phản bác cách nhìn: nghèo đi đôi với hèn.

Con người bây giờ vô tâm lắm, họ có thể quẳng ra một câu kiểu như: “học hành làm gì lắm, đâu kiếm được tiền đâu”, mà họ không biết rằng, một người được học hành bài bản đứng cạnh người nhiều tiền, kiếm tiền bằng mọi giá, bao giờ cũng rất khác nhau. Cái đáng trân trọng, rất nhiều khi đứng về phía người không có tiền. Mà tôi là người tiêu biểu về chuyện khinh người giàu.

Khinh người giàu: Đó có phải là một cảm giác cực đoan không?

Có thể những người giàu tôi gặp không được hay lắm. Họ giàu nhưng họ rất đáng thương. Mà trong xã hội này có rất nhiều người đáng thương nhưng không hề biết mình đáng thương. Một người không thể cảm được một bản nhạc hay, một bức tranh đẹp đã là sự thiệt thòi rồi. Tôi tin mỗi người đều có một khoảng trống trong trí não của mình là để dành cho việc cảm thụ nghệ thuật, nhưng họ cứ đổ xô chạy theo kim tiền, để cuối cùng đời sống nó vô cảm đi. Và tôi thấy thương lắm.

Nhưng nhìn lại, chị cảm giác thế nào khi thấy những người bằng trang lứa đang kiếm được rất nhiều tiền, dù chưa chắc đã cảm được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật đích thực mà chị đề cập tới?

Nghệ sĩ vi-ô-lông Trịnh Minh Hiền từng được biết đến qua chương trình Bài hát Việt, với nhiều ca khúc dự thi và đạt giải cao như “Gọi tôi Hà Nội”. Hiện chị là nghệ sĩ chơi đàn trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, bên cạnh đó Trịnh Minh Hiền tham gia 2 nhóm tứ tấu và chơi trong 3 ban nhạc ở Hà Nội.

Tôi nghĩ để trở thành nghệ sĩ là một hành trình khổ luyện. Không có ai tự nhiên trở thành nghệ sĩ cả. Sự khổ luyện cao nhất là trải nghiệm thực sự với đời sống của chính mình. Phải có nỗi niềm, phải có sự chia sẻ mới có thể hát lên được sự đồng cảm.

Oái oăm là, có nhiều người không phải là nghệ sĩ nhưng hình thức trông còn hơn cả nghệ sĩ. Họ còn có thể kiếm tiền được bằng điều đó. Nên cứ nói là nghệ sĩ nhưng ai mới là nghệ sĩ trong số những người ta tưởng là nghệ sĩ ấy là một cuộc phân định khá cam go đấy.

Song tôi vẫn chăm chú quan sát những nghệ sĩ dân gian truyền thống, họ lụi cụi làm công việc của mình, và tin vào con đường của họ. Tôi trân trọng họ hơn rất nhiều những người thành đạt trong thời thượng bây giờ.

Chị có cảm giác thế nào về những chương trình truyền hình sản sinh ra “rất nhiều tài năng” và chị có bất bình về một xã hội đang mọc lên tua tủa cái gọi là nghệ sĩ?

Tôi nghĩ chúng ta đều biết ngày càng có nhiều kênh truyền hình được mua, mà thứ được mua sẽ làm những gì người bỏ tiền muốn. Đáng tiếc, kênh truyền hình thực sự lại phải lùi lại sau các kênh tự mua đó.

Vì thế, việc đổ lỗi cho truyền hình là vô nghĩa. Nếu có, chúng ta nên tiếc về một nền giáo dục mà sự thẩm thấu nghệ thuật không được đặt ra và coi nặng từ đầu. Chúng tôi rất buồn khi Việt Nam không có một kênh nào như Ariang của Hàn Quốc. Chúng ta cứ chê Hàn Quốc, nhưng chúng ta phải thừa nhận họ đầu tư rất lớn cho nghệ thuật chiều sâu, nghệ thuật uyên bác. Họ quá showbiz, nhưng họ không quên đầu tư cho những cái dài hơi hơn. Hàn Quốc hiện đang là đất nước mà trẻ em học cổ điển có trung bình thấp tuổi nhất trên thế giới. Trẻ em Hàn hiện nay hầu như đều biết chơi một loại nhạc cụ.

Nhìn vào sự xô bồ ấy, chị thấy sao?

Tôi không thấy gì, tôi vẫn vui với con đường của mình. Tôi tin mình có một giá trị khác.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

(Nguồn: http://nongnghiep.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...