Trịnh Công Sơn với “đóa hoa vô thường” sự sáng tạo nghệ thuật theo quy luật tình cảm – cảm xúc
Mỗi con người đều có quan niệm khác nhau về cái đẹp và từ đó mà góc độ đánh giá cái đẹp trong một tác phẩm nghệ thuật của họ cũng khác nhau. Bất chợt ta nhìn thấy một cánh rừng trong mùa thay lá, một bức tường đổ nát chông chênh rêu xanh phủ kín, một bức tranh cũ treo lệch… và ta cảm nhận chúng đẹp, đẹp theo cách riêng. Những con người có tâm hồn sáng tạo sẽ tô điểm thêm để biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy nghệ thuật rất gần gũi và thân thiết với đời sống con người, một điều gì đó rất gần, rất xa… nhưng không thể không tồn tại… Vậy nghệ thuật là gì?
Nghệ thuật chính là thành quả, là giá trị sáng tạo của con người, không có trong thế giới tự nhiên. Nghiên cứu nghệ thuật không thể tách rời việc nghiên cứu cái đẹp, mặt khác là phải phát hiện những ranh giới giữa cái đẹp và nghệ thuật trong thực tiễn sáng tạo cũng như trong khái niệm khoa học. Đôi khi người ta không phân biệt cái đẹp và nghệ thuật hoặc tuyệt đối hóa vai trò của cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, từ cái đẹp đến nghệ thuật là những bước đi của sự phát triển về tinh thần, những chuyển hóa chức năng trong hoạt động sáng tạo của con người. Từ cái đẹp phổ biến, thông thường như một quy luật trong hoạt động, hành vi của con người, bất cứ người nào cũng có khả năng này song điều đó chưa đủ để trở thành nghệ thuật, chưa phải là nghệ thuật. Muốn vượt qua ranh giới này cần có những điều kiện chủ quan (phải có khả năng sáng tạo) và khách quan (công phu, tài vật, trí thức, thời gian) để đi vào ngưỡng cửa nghệ thuật, tạo ra tác phẩm của nghệ thuật ứng dụng. Từ nghệ thuật ứng dụng bước thêm một bước mới có thể đạt đến nghệ thuật thuần túy, có nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng muốn chuyển hóa thành nghệ thuật thuần túy phải gạt bỏ chức năng thực tế – sử dụng còn lại chức năng thẩm mỹ – nghệ thuật, chỉ để thưởng ngoạn về mặt tinh thần mà thôi.
Ban đầu những yếu tố của nghệ thuật như nhạc điệu, màu sắc, vần thơ… làm phương tiện truyền cảm để chuyên chở nội dung tư tưởng triết lý, đạo đức, những tri thức khoa học và lịch sử, những tín điều tôn giáo… Đó là sự liên kết tay đôi giữa nghệ thuật với các hình thái ý thức khác, gọi là nghệ thuật ứng dụng – lưỡng tính. Nhưng đời sống nội tâm và hành vi ứng xử, gọi chung là hành động – sống của con người trở thành một nội dung riêng biệt của nghệ thuật, thì nghệ thuật thuần nhất – đơn tính ra đời. Nghệ thuật không còn là phương tiện truyền cảm để phục vụ cho các hình thái ý thức khác, mà tự mình là một hình thái độc lập, gọi là nghệ thuật thuần nhất (hay thuần túy) – đơn tính (chỉ có một tính năng thẩm mỹ nghệ thuật, không mang tính sử dụng, tính ích dụng).
Tóm lại, hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, là một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn của con người, đi theo quy luật của cái đẹp ở trình độ phát triển cao, nhằm phục vụ cho con người một đời sống tinh thần phong phú, đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của con người vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ.
Nghệ thuật là một hoạt động tinh thần – thực tiễn không phải đơn thuần là hoạt động tinh thần. Đó là một mô hình đa diện phản ánh toàn bộ những hình thái hoạt động quan trọng nhất của con người: thực tiễn, giao tiếp, nhận thức và giá trị. Nghệ thuật thực hiện mô hình hóa cuộc sống của con người nhằm tái hiện một cách toàn diện những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tình cảm của con người. Ý thức nghệ thuật khác với các hình thái ý thức khác ở đặc trưng cảm tính – cụ thể, đặc trưng tình cảm, thể hiện đặc trưng ở phạm trù hình tượng. Trong đó, thao tác miêu tả và biểu hiện là hai thao tác quen thuộc nhưng có ý nghĩa rất lớn của đặc trưng hình tượng. Không có một loại hoạt động nào ngoài hoạt động nghệ thuật lại có sự kết hợp chặt chẽ việc phản ánh đối tượng khách quan (miêu tả) và việc phản ánh tư tưởng tình cảm chủ quan của con người sáng tạo (biểu hiện), nhất là ở thành phẩm cuối cùng của nó. Trong các yếu tố trên thì yếu tố cảm xúc – cá biệt của chủ thể sáng tạo là quan trọng nhất, là cái phôi đầu tiên để tạo nên hình tượng.
Trong phạm vi nhỏ, tôi muốn đề cập đến một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật, “Nghệ thuật là sự sáng tạo theo quy luật tình cảm - cảm xúc”. Một tác phẩm nghệ thuật được phôi thai và thành hình xuất phát từ ý tưởng của người nghệ sỹ. Người nghệ sỹ phải có cảm xúc, có tình cảm khi nhìn thấy, nghe thấy hay cảm thấy một hình ảnh nào đó, một điều gì đó. Hay nói cách khác người nghệ sỹ cần có một trái tim giàu xúc cảm với khối óc và bàn tay hoa mỹ để làm tươi đẹp và phong phú thêm cuộc sống. Tôi vẫn luôn cảm thấy rằng nghệ thuật đòi hỏi sự cô đơn hay nói như ai đó đã nói đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn “nỗi cô đơn chính là vực thẳm linh hồn mà nghệ thuật cần đạt tới, như đạt tới chân thân của mình, để từ đây biết khước từ mọi ảo tưởng cuộc đời”. Dĩ nhiên, không ai khuyến khích hướng đến sự cô đơn nhưng dường như một tâm hồn cô đơn dễ dàng đồng điệu với cái đẹp, cảm nhận nó và từ đó vượt lên trên cái đẹp thông thường, đạt được sự thăng hoa trong nghệ thuật…
Ở đây tôi chọn lĩnh vực âm nhạc, âm nhạc của Trịnh Công Sơn để minh họa cho đặc trưng cơ bản này. Âm nhạc được xếp vào loại hình nghệ thuật đơn tính và thuộc nhóm thời gian. Nghệ thuật đơn tính chính là nơi tất cả phẩm hạnh của cái đẹp hội tụ lại, nơi sự sống con người hóa thân. Âm nhạc có đặc điểm chung là diễn đạt được sự biến đổi và phát triển, diễn đạt tính quá trình của tâm trạng và hành động. Từ phương thức xây dựng hình tượng đến cấu trúc của thể loại và tác phẩm, kể cả ngôn ngữ, đều tuân thủ và khai thác tối đa quy luật thời gian, đều mang tính chất quá trình, tính phát triển.
Nhưng cũng vì mang tính thời gian nên bên cạnh yếu tố sở trường cũng có sở đoản: thiếu sự đứng yên, sự tĩnh tại trong không gian, phải khắc phục bằng cách tạo ra các yếu tố kỹ thuật, tạo ảo giác về không gian, về sự tĩnh tại. Đó là lối xây dựng hình tượng kiểu nhắc lại, trùng lặp theo hình trôn ốc và dùng ngôn ngữ đa thanh. Nghệ thuật âm nhạc là nghệ thuật âm thanh vì lẽ nó tác động đến con người một cách nhanh nhất, mạnh nhất và nhạy nhất; là nghệ thuật thời gian vì nó miêu tả được tâm trạng và cuộc sống của con người trong một quá trình biến đổi và phát triển; và âm nhạc còn là nghệ thuật biểu diễn vì nó trải qua ba lần sáng tạo: sáng tác, trình diễn và người nghe thưởng thức. Ngoài những đặc điểm chung trên thì âm nhạc còn có đặc điểm ngôn ngữ. Yếu tố ngôn ngữ của âm nhạc là nhịp điệu. Để đắp vào bộ khung nhịp điệu đó, âm nhạc có yếu tố giai điệu. Và do âm nhạc là nghệ thuật trình diễn, không miêu tả nên ngôn ngữ của âm nhạc có tính ước lệ, không mô phỏng theo âm thanh hay động tác có thật trong đời sống. Người cảm thụ cần có sự hiểu biết về ngôn ngữ, giai điệu của âm nhạc (bao gồm cấu tạo âm giai, điệu thức, hòa thanh, phức điệu) đồng thời cũng cần hiểu các thể loại và phương tiện nhạc khí có tính năng gì.
Âm nhạc có hai nhóm thể loại: thanh nhạc và khí nhạc. Trong mỗi nhóm lại có những thể loại khác nhau, ví như trong thanh nhạc có làn điệu, ca khúc, nhạc kịch (opera); trong khí nhạc có khúc luyện, nhạc khúc, sonate, tổ khúc, concerto, symphonie, với quy mô diễn tấu mà phân thành nhạc thính phòng hay giao hưởng. Ngoài cách phân biệt trên còn có cách phân biệt theo quy mô dàn nhạc như độc tấu, hòa tấu, giao hưởng. Tính thời gian phản ánh trong cấu tạo thể loại ở độ dài ngắn và sự biến đổi, sự luân chuyển các chương, đoạn có tính chất khác nhau.
Trong một tác phẩm âm nhạc, thì phần giai điệu (cao độ) thể hiện sự đẹp đẽ của nghệ thuật, đó cũng chính là phần “máu thịt” của tác phẩm; phần nhịp điệu (trường độ) với những âm dài ngắn khác nhau xuất hiện liên tục theo chu kỳ được xem là phần “xương” của tác phẩm; âm sắc sẽ khác nhau và tiêu biểu cho mỗi giọng người trình diễn; cường độ chính là độ mạnh nhẹ của âm và sắc thái âm nhạc sẽ thể hiện tình cảm trong khi biểu diễn ở từng đoạn hoặc trên cả bản nhạc.
Cũng nhằm minh họa cho đặc trưng trên, xin chọn tác phẩm “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn. Âm nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ không xa lạ gì với mỗi con người Việt Nam. Từ lâu lắm, ông đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận. Nhạc của ông không đơn giản chỉ là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài, mỗi ca khúc là một khúc tâm sự, một câu chuyện dài chưa đoạn kết. Nguồn cảm hứng của nhạc Trịnh khơi nguồn từ những nỗi khổ đau trong đời người, nỗi thất vọng, sự chông chênh, những gì không vuông tròn, đối xứng. Cảm xúc của ông dường như luôn đi trước một bước. Trong nỗi sống hình thành nỗi nhớ và nỗi chết, mới gặp gỡ mà đã có dự cảm chia lìa, mất mát… Những cặp phạm trù buồn – vui, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau, đắng – ngọt luôn tồn tại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng và từ đó lặng lẽ đi vào từng ca khúc của ông. Ông quê ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nhưng sinh ra tại Đắc Lắc. Ca khúc đầu tay của ông được sáng tác năm 1958 mang tên “Ướt mi”. Cho đến khi mất, ông đã sáng tác được hơn 700 tác phẩm chia thành 3 chủ đề lớn: Tình yêu – Quê hương – Thân phận. Ông sống với quan niệm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi”. Và như thế, người nghệ sĩ đã sống trọn với đời, với người.
Trịnh Công Sơn bước chân vào loại hình nghệ thuật thời gian này như một định mệnh. Người khác diễn đạt tâm hồn mình bằng tiếng nói, chữ viết và nhiều phương tiện khác còn ông lại có khuynh hướng nghiêng về những ca khúc. Qua ca khúc, ông đã đến gần và đã di xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng gánh nhẹ giùm những phiền muộn… Đối với ông, ca khúc chính là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ sinh thành…†
“Đóa hoa vô thường” vừa là dạng liên khúc vừa mang dáng dấp trường ca. Với phần nhạc dạo đệm trước mỗi đoản khúc, bài hát kể về một tình sử triết lý giữa chữ ”ái” và chữ “tâm”. Ở đây, tôi chọn ca khúc này để phân tích cũng một phần do yếu tố chủ quan bởi tôi thích và lấy làm lạ trước cấu trúc của ca khúc này. Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Đóa hoa vô thường” thì đến nay vẫn còn có những cách giải thích khác nhau. Một lần trên đài FM có phát thanh về nguồn gốc ra đời tác phẩm này. Theo đó thì Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc này xuất phát từ một bức tranh ghép trong một buổi triển lãm. Đó là một bức tranh vẽ ghép gồm mười bức nhỏ kể về câu chuyện một người bị mất trâu. Tâm trạng của người này thể hiện rõ qua những bức họa nhỏ hơn. Một người đàn ông mua được một con trâu tốt, ông rất vui mừng dắt trâu về và lấy làm hớn hở vì từ nay đã có trâu tốt đi cày. Lo sợ bị mất trâu nên ông đã đóng một cái chuồng thật chắc và buộc trâu vào. Nỗi vui mừng không kéo dài được bao lâu… Một buổi sáng thức giấc, ra thăm trâu, ông chỉ thấy còn lại vỏn vẹn cọng dây thừng buộc trâu nằm trơ trọi trên chiếc cọc. Thất vọng, hụt hẫng… Kẻ nào đó đã lấy đi niềm vui của ông… Nội dung của những bức vẽ là thế… Trịnh Công Sơn luôn nhận ra cái lẽ vô thường trong trời đất. Vô thường bàng bạc trong âm nhạc của ông khiến người nghe cảm thấy bâng khuâng và không cần hiểu hết ý nghĩa cũng đã thấy hay lắm rồi. Và trong đó còn chứa đựng chiều sâu triết lý làm rung động đến sâu thẳm tâm hồn mỗi con người… Với “Đóa hoa vô thường”, Trịnh Công Sơn đã nhạc hóa lý thuyết và lý thuyết hóa nhạc2. Toàn bài là một chuyện tình với ẩn chứa đâu đó hình ảnh một người phụ nữ đẹp, một “đóa hoa vô thường”. Với đoạn đầu tiên, nhịp 6/8 thong dong như lời tâm tình kể về khi đi tìm tình:
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
…
Trong vườn mưa tạnh tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh…
Ở đây, ta thấy ông đã sử dụng ngôn ngữ siêu thực. Những sự vật bình thường, nhỏ bé nay đã được con mắt người nhạc sĩ ưu ái: “Một hồn giấy mới”
Tìm mãi rồi cũng đến lúc gặp được tình. Nhịp 2/4 hớn hở ở đoạn hai đã miêu tả tâm trạng vui mừng khi đưa tình về:
Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
…
Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân
Ở đoạn thứ ba, ông nói rằng bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất. Nhịp êm ái, nồng thắm càng như tăng thêm nỗi hạnh phúc của những kẻ yêu nhau và được gần bên nhau:
Sen hồng một nụ em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào
Thế nhưng đoạn sau nhạc trở nên hiu hắt với nhịp 4/4 đều đặn, “một thời yêu dấu đã qua”:
Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần
…
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà
Ông lại viết rằng “Con sóng biển dâu đã mang tình về chốn cũ”. Nhịp trong đoạn này vừa dồn dập, vừa mang đến cảm giác mênh mông:
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
…
Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xa tựa như
Vừa đến nơi chia lìa…
Ông đã sử dụng ngôn ngữ hiện sinh tạo cho người nghe tâm trạng khúc mắc, gây khắc khoải, bế tắc để tâm tình “Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà”.
Rồi nhạc bỗng đang mạnh và liền nhau lại trở nên êm dịu để đi vào đoạn kết “từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường”. Sao lại như vậy? Ông giải thích rằng “Tình do tâm ta mà sinh. Có khi tình mất mà tâm còn động vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi”:
Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
…
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường…
Như vậy, từ chữ “ái” đến chữ “tâm”, Đóa hoa vô thường đã trình bày một quá trình chuyển hóa trong đó chuyện đời cũng như chuyện tình diễn biến dưới hình thức đối nghịch từng đôi, từng cặp như “tôi” với “em”: tìm – gặp, gặp – mất, mất – còn, có – không. Vô thường, trong Trịnh Công Sơn, không có gì khác hơn là từ cái “có” đi vào cái “không”. Những ý tưởng đối nghịch như thế luôn tồn tại trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn và tạo thành nét riêng ông đặc sắc.
Trịnh Công Sơn là vậy – người nghệ sỹ bằng tình cảm, cảm xúc của mình đã để lại những tác phẩm đi vào lòng mỗi con người theo cách riêng, mãi với thời gian. Ông cũng là một “đóa hoa vô thường” – nở giữa đất trời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Lâm Vinh, Tài liệu Nghệ thuật học, ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2000 – 2001.
2. TS. Lâm Vinh, Mỹ học (về cái đẹp – về nghệ thuật – về con người), ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
3. Bửu Ý, Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
4. Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
5. Trịnh Công Sơn – người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
6. Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm nhạc, 1995.
* PHỤ LỤC
ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG
(Trịnh Công Sơn)
*Nhịp 6/8 Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai * Nhịp 2/4 Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo |
* Nhịp 3/4 Sen hồng một nụ em ngồi một thuở * Nhịp 4/4 Một chiều em đứng cuối sông * C Từ đó trong vườn khuya |
________________________________
(*) Giáo viên cơ hữu Khoa ĐNÁ Học, ĐH Mở Bán công TP.HCM
† Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 273-274.
2 Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 143.