Trịnh Công Sơn - triết gia lãng tử
Không chỉ là triết học, mà còn là một thứ triết học đầy màu sắc, đa góc cạnh và cũng thật giản đơn, giản đơn đủ để thẩm thấu vào lòng người một cách âm thầm, thật khó dứt; hay đó cũng là cái tình yêu đầy thăng hoa rồi chợt lắng đọng vào tâm can của mỗi người.
“Ông-nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một lãng tử tài danh của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20, một triết gia thực thụ, bậc thầy về ca từ, sử dụng âm nhạc thuần khiết đưa triết học tới và ru hồn người, một thứ triết học thật gần gũi và dễ cảm thụ; đôi lúc là đầy mê hoặc, buộc người nghe phải không thôi nghĩ về nó” - ít ra tôi đã nghĩ về nền âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thế.
Không chỉ là triết học, mà còn là một thứ triết học đầy màu sắc, đa góc cạnh và cũng thật giản đơn, giản đơn đủ để thẩm thấu vào lòng người một cách âm thầm, thật khó dứt; hay đó cũng là cái tình yêu đầy thăng hoa rồi chợt lắng đọng vào tâm can của mỗi người.
Trong các sáng tác của mình, Trịnh Công Sơn luôn thể hiện đậm nét các thái cực tình yêu, đó là yêu quê hương và đất nước, yêu con người và thiên nhiên, yêu cả những điều gì thuộc về bản chất và minh triết, tôi ngẫm mãi mà thấy đúng.
Tính nhân bản sâu sắc về hình ảnh một người Mẹ minh triết đầy nhẫn nại, bao dung và yêu thương trong Huyền thoại Mẹ, một cái tôi minh triết đầy ắp khẩn thiết của “xin cho tôi”, một cái quy luật thiên nhiên minh triết của “bốn mùa thay lá” thoát lên màu sắc vô thường của kiếp nhân sinh, có ở ắt có đi, có cho ắt sẽ được nhận lại…
Nắn nót từng ca từ giàu có, thắm đượm tình yêu thương nồng nàn, người nhạc sĩ tài danh này luôn biết cách để ru hồn người chìm đắm trong các cung tầng của cảm xúc, cái lắng đọng vô vi của tâm hồn, “ru đời đi nhé” là một cách ông đã làm như thế - “ru đời đi nhé” để rồi “cho ta nương nhờ lúc thở than” - ông như muốn gửi hồn mình vào sự bao dung của cuộc đời vậy, chỉ có cuộc đời mới cho ông những lúc thở than của tâm hồn.
Ông muốn đem lời ca tiếng hát mà kết nối lòng người yêu thương không ranh giới, một tình yêu đồng bào liên đới rạo rực, mãnh liệt với “nối vòng tay lớn” - “nối lại một vòng Việt Nam”; nhìn về quá khứ để thấy một tương lai rực sáng mặt trời với “ta đã thấy gì đêm nay”, đấy chính là rực sáng của lòng người đã qua bao đổ nát một thời, là sáng rực của màu cờ, đất nước trong tương lai.
Không chỉ là triết học, là đạo lý, là tình yêu, mà lịch sử cũng đã đi vào ca khúc của ông thật trung thực, được ghi lại đầy màu sắc nhưng không kém phần gai góc, lưu dấu muôn đời.
“Hát trên những xác người”, “bài ca dành cho những xác người” tiêu biểu trong những năm tháng lịch sử dân tộc ghi dấu thêm những biến cố đau thương, khắc sâu trong tâm hồn bao thế hệ, để rồi đúc kết lại sau đó là những niềm tin yêu bất diệt vào tương lai dân tộc, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông luôn biết cách hình tượng hóa sống động sự kiện như thế, đó là cách mà không ai có thể “lai tạo” được, chỉ có sự sâu xa về bản chất và tâm hồn mới có thể làm được điều đó.
Cuộc sống này ông được nhận, thì ông sẵn sàng để nó đi một cách nhẹ nhàng không luyến tiếc, bản thân ta là cát bụi thì sau này ta sẽ lại trở về với cát bụi, ấy là lẽ tự nhiên sinh tồn vạn vật - ông tôn thờ lẽ tự nhiên ấy: “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” để rồi một mai “tôi về làm cát bụi” - ông chấp nhận rất bản năng.
Tình yêu của tôi đối với nhạc Trịnh không phải là cách tôi hiểu hết ca từ trong sáng tác của ông, mà chính là cách ông đưa giai điệu len lõi vào tâm hồn rất nhẹ nhàng, đặt chúng mãi nằm lại trong tim mình lúc nào không hay.
Thật khó để diễn tả cảm xúc lòng mình với nhạc Trịnh, vì tôi chẳng thể diễn tả hết tâm hồn mình đang nghĩ gì đâu, giá như tâm hồn tôi biết lên tiếng thay thì sẽ hay biết bao !
Có người cho rằng, nhạc Trịnh là “nhạc già”, là “ủy mị”, là cho “người có tuổi” nghe để hoài niệm về một thời xa vắng, phi hiện thực…! âm nhạc nghệ thuật đích thực là trường cửu, là muôn đời và không có tuổi, ranh giới và thời gian đâu thể nói tại đây !
Nhạc chính là tâm hồn, tâm hồn là gắn kết với nhạc, tôi vui thì nhạc vui, tôi man mác thì tiếng nhạc vẫn đồng hành với tôi cơ mà, có khi nào bỏ rơi tôi đâu!
“Trịnh Công Sơn-triết gia lãng tử ru hồn thiên hạ”, tôi đã trót yêu thương nhạc của ông, muốn mãi được quấn quýt cái cảm xúc được “cảm” và “niệm” về nhạc của ông. Có lẽ, điều này sẽ thay đổi khi cuộc đời tôi thay đổi - khi mà mọi người thắm nén hương tưởng niệm cho tôi yên ngủ dưới nấm mồ sâu lạnh./.
(Nguồn: http://motthegioi.vn)