Trích tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân: kỳ 1- Má Ái Liên
Danh ca Ái Vân vừa giới thiệu tự truyện “Để gió cuốn đi” được First News - Trí Việt và NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Kỳ 1: MÁ ÁI LIÊN
Má nổi danh năm 16 tuổi. Tuổi ấy, tôi cũng bắt đầu nổi tiếng, không phải vì nghiệp ca hát, chỉ vì may mắn được đóng phim “Chị Nhung”...
Tác giả: ÁI VÂN
Tôi sinh ra vào lúc 11 giờ 15 phút ngày 30-10-1954, sau giải phóng thủ đô tròn 20 ngày. Ba tôi thường hay cốc đầu tôi, nói: “Con bé này sinh vào thời khắc quá đặc biệt”. Còn nhỏ, tôi không thấy có gì thật đặc biệt cả. Có gì đặc biệt cái tuổi ngựa đâu nhỉ? Lớn lên thấy ba nói đung đúng, lớn nữa thấy ba nói đúng thật… Nếu tôi sinh trước năm 1954 thì toàn bộ bi kịch của tôi và gia đình tôi trong cuốn sách này sẽ không có...
Ái Vân (bìa trái) và em gái Ái Xuân trong một lần song ca thời bé.
(Ảnh tư liệu của nhân vật)
Thành danh rất sớm
Má Ái Liên sinh ngày 25-11-1920 ở ngõ Nghè, gần đền Nghè, nay là phố Lê Chân-Hải Phòng. Má là con gái của ông Thái Đình Lan và bà Trần Thị Sinh... Bà ngoại vốn là diễn viên cải lương thuộc gánh hát Liên Hiệp Ban, gánh hát gia đình chuyên diễn ở rạp Hải Đài ngay trước cổng ngõ Nghè. Ngoại đem má vào rạp Hải Đài hằng đêm, đặt má nằm nôi ở cánh gà, xong một lớp diễn lại chạy ra cho bú. Lớn lên chút, ngoại để má chạy loăng quăng ở hậu đài, buồn ngủ thì leo lên cái ghế bành rách ở nơi trang điểm nằm khoanh tròn ngủ say sưa.
Được nghệ sĩ Út và nghệ sĩ Mười Cụt dạy hát cho, lại được ông Canh Thân (còn gọi là Tino Thân, má gọi ông bằng cậu), bà trẻ Trần Thị Lượng và bà trẻ Trần Lan Phương (hai bà là em gái của bà ngoại) người dạy hát, người dạy đàn, 8 tuổi má vừa hát vừa đánh đàn kìm, 10 tuổi vừa hát vừa đàn nguyệt…, thiên hạ lác mắt. Ban nhạc Đồng Ấu của gia đình ra đời. Cô bé Ái Liên bé tí xíu cũng là thành viên ban nhạc này, rất oách.
Năm má 11 tuổi (1931), má theo ông bà ngoại sang Hồng Kông. Má tiếp tục học tiếng Anh, tiếng Pháp ở trường dòng Mary Couvent School. Có lẽ nhờ khiếu âm nhạc mà má tiếp xúc với ngoại ngữ không mấy khó khăn. Má giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Quảng Đông. Tại đây, má đã tiếp xúc với tân nhạc, học đàn mandolin, piano, chơi cả guitar lẫn trống jazz.
Lúc này, thanh niên trong nước đã tiếp xúc với tân nhạc. Có phong trào chuyển ngữ những ca khúc do các ca sĩ lừng danh châu Âu như Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hay hát, đặc biệt là Tino Rossi - ca sĩ Ý cực kỳ nổi tiếng những năm 1930. Đã có những “Hội Ái Tino” được lập ở Hà Nội, Hải Phòng.
Năm 1936, từ Hồng Kông trở về, ca sĩ Ái Liên 16 tuổi trong bộ áo đuôi tôm trắng, mũ ống trắng (kiểu mũ của nghệ sĩ Pháp Maurice Chevalier thường đội), tay cầm can trắng nhảy cracket điệu nghệ với một loạt ca khúc “lời ta nhạc tây” đã làm khán giả trong Nam ngoài Bắc “ngây ngất đắm say” (từ dùng của bà ngoại).
Má về lại Hải Phòng tham gia gánh hát Liên Hiệp Ban, cùng Sĩ Hùng, Đào Mộng Long, Lan Phương… Cuối năm 1936, má tham gia cuộc thi “Người đẹp Bắc Kỳ”, kiểu như thi hoa hậu hiện nay, và đoạt giải cao nhất.
Cùng xây nền cho nhạc nhẹ Việt
Càng lớn, tôi càng đeo lấy bà ngoại để ngoại kể chuyện má, soi xem mình có giống má được chút nào nữa không. Ngoại kể sơ sịa vậy thôi, toàn “hình như” với “có lẽ”. May ngoại còn giữ được một cuộn báo từ thời đó, nặng chừng một cân. Tôi nghiến ngấu đọc cuộn báo trong nhiều năm nhưng cũng chẳng nhớ được bao nhiêu. Từ ngày bà ngoại mất, năm 1966, cuộn báo cũng mất đi đằng nào, thật tiếc.
Đại khái ca khúc “lời ta nhạc tây” là các ca khúc Việt được viết theo điệu tây. Thời kỳ này, một số nhạc sĩ cải lương bắt đầu viết cả tân nhạc. Cậu tôi - nhạc sĩ Canh Thân chuyên soạn cho cải lương - đã viết bản tân nhạc có tên “Cô hàng hoa” rất được thanh niên ưa thích. Một nhóm thanh niên Hà Nội gọi là “Nhóm Tricéa” đã hăm hở viết tân nhạc. Lê Yên thì có “Bẽ bàng”, “Nghệ sĩ hành khúc”… Văn Chung có “Tiếng sáo chăn trâu”, “Bên hồ liễu”, “Bóng ai qua thềm”... Lê Thương ở Hải Phòng cũng có “Xuân năm xưa”… Thời tôi học trường nhạc, khi thầy Nguyễn Văn Thương về làm hiệu trưởng, tôi mới biết bản “Trên sông Hương” thầy đã viết từ năm 1936 theo phong cách tân nhạc lúc bấy giờ. Số lượng bài hát tân nhạc Việt thực tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần lớn là các ca khúc nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, tôi chưa từng biết đến, tôi chép ra để phục vụ bạn bè.
Má vừa hát tân nhạc vừa chơi đàn tây rất điệu. Vừa hát vừa chơi guitar, đệm trống jazz hay piano… thời này là một cái gì đó rất “khủng” ở Việt Nam. Các hãng đĩa Odéon (Pháp), Béka (Đức) thu đĩa hơn chục bài tân nhạc má hát, một sự kiện lừng danh lúc bấy giờ. Cùng với tiếng hát tân nhạc Kim Thoa, tiếng hát tân nhạc Ái Liên được phát liên tục trên radio Sài Gòn. Từ đó, tiếng tăm Ái Liên nổi như cồn.
Má được truyền nghề cổ nhạc nhưng lại khởi nghiệp bằng tân nhạc, vở diễn đầu tiên của má là một vở nhạc kịch. Má thủ vai Yến trong vở “Kịch trường vạn tuế” của Trần Ngọc Diệp, một trong những vở nhạc kịch hài đầu tiên của Việt Nam, được báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau khen là “một tài năng lớn đầy hứa hẹn”. Ái Liên vừa là hoa hậu tân thời (giải nhất Người đẹp Bắc Kỳ) vừa là giọng ca tân nhạc thời thượng, các báo Sài Gòn thi nhau gọi má là “Chim họa mi đất Bắc”; báo Pháp yêu mến gọi má là “Bông hồng Á Đông”.
Ái Liên là nghệ sĩ cải lương chính hiệu, thời nào cũng được ưa chuộng. Thời Pháp được vua Bảo Đại đích thân gắn huy chương Ngân Tiền, hòa bình lập lại được Cụ Hồ đích thân gắn Huy hiệu Bác Hồ. Với 150 vai diễn trong 140 vở cải lương, hiếm ai còn nhớ má từng là ca sĩ tân nhạc vang bóng một thời nên tôi muốn nhắc lại điều này để cùng ghi nhớ.
Nhạc nhẹ Việt Nam cũng bắt đầu từ đó. Nó bắt đầu từ những bản tân nhạc do các nhạc sĩ “cải cách” sáng tác, các ca sĩ “tân thời” như Ái Liên, Năm Châu và Kim Thoa biểu diễn. Ba ca sĩ thời thượng Ái Liên, Năm Châu và Kim Thoa (hình như còn có cả Năm Phỉ?) đua nhau hát các bài hát “lời ta nhạc tây”: “Sau em”, “Anh không còn tình yêu nữa”, “Hoàng hôn ở Viên”, “Quý bà”, “Bambinella”, “Bài hát cho Nina”, “Điệu tango huyền bí”, “Cây đàn tình yêu”, “Chuyện người tình tôi”… Họ say sưa hát mà không hề biết chính họ đã khởi đầu cho dòng nhạc nhẹ Việt Nam, bắt đầu từ đất Bắc.
Chẳng ngờ 50 năm sau, vào thập kỷ 80 thế kỷ XX, tôi đã có tên trong những ca sĩ đầu tiên khởi động lại dòng nhạc nhẹ nửa thế kỷ bị lãng quên trên đất Bắc.
Cuộc đời mới thú vị làm sao!