Trần Vương Thạch tiếp tục mang nhạc cổ điển đến giới trẻ
NSƯT, nhạc trưởng Trần Vương Thạch dẫn giải những hiểu biết về dàn nhạc giao hưởng, giúp khán giả trẻ tiếp cận loại hình hàn lâm.
Trong chương trình hòa nhạc Giai điệu trẻ số tháng 5, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM (HBSO) giới thiệu đến công chúng chương 1 tác phẩm Thế giới mới của nhà soạn nhạc Antonin Leopold Dvorak (1841-1904).
Sau khi thưởng thức bản giao hưởng, khán giả trẻ được đích thân nhạc trưởng Trần Vương Thạch trình bày các kiến thức nền về nhạc giao hưởng, về kết cấu, ngôn ngữ... của tác phẩm nổi tiếng. Ngoài ra, đây là dịp để khán giả cùng nghệ sĩ trao đổi về cách thưởng thức một tác phẩm giao hưởng, cảm nhận về sự chuyển động của những tuyến âm thanh khác nhau, sự kết hợp để tạo lên nghệ thuật có tính học thuật và sức biểu cảm trong âm nhạc.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch.
Giao hưởng Thế giới mới là tên gọi nổi tiếng của Bản Giao hưởng số 9 cung Mi thứ Op. 95 do nhà soạn nhạc người Cộng hòa Czech Dvorak viết năm 1893 khi ông đảm nhiệm chức danh Giám đốc Nhạc Viện Quốc gia Mỹ (từ 1892 đến 1895). Bản ghi âm giao hưởng này từng được phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong lên mặt trăng trong chuyến bay đầu tiên cùng Apollo 11, năm 1969.
Dvorak sinh ở Nelahozeves gần Prague (Cộng hòa Czech) và gần như sống trọn đời ở đây. Dvorak học nhạc ở trường Organ, trường dạy nhạc duy nhất ở Prague cuối những năm 1850 và trở thành nhạc công đàn violon. Từ năm 1860, ông chơi đàn viola cho Dàn nhạc nhà hát Bohemian - dàn nhạc do Bedrich Smetana thành lập và chỉ huy từ năm 1866. Trong thời gian này, Dvorak bắt đầu được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với nhiều sáng tác được công chúng yêu thích và đánh giá cao. Từ 1892 đến 1895, Dvorak là giám đốc Nhạc viện quốc gia ở thành phố New York, Mỹ. Sau này ông trở lại Prague và làm giám đốc nhạc viện từ năm 1901 đến khi qua đời năm 1904. Cuối cuộc đời, Dvorak sống trong cảnh khó khăn về tài chính. Ông được mai táng tại nghĩa trang Vyšehrad ở Prague.
Nhà soạn nhạc Antonin Leopold Dvorak (1841-1904).
Dvorak sáng tác nhiều thể loại, bao gồm: Chín bản Giao hưởng với chất cổ điển đậm nét, một số bản giao hưởng thơ chịu ảnh hưởng của Richard Wagner, rất nhiều các tác phẩm mang chất liệu âm nhạc dân gian Czech (nổi tiếng nhất với hai tập "Vũ khúc Slavonic"). Ngoài ra, ông còn sáng tác cả nhạc kịch, các tác phẩm thính phòng, ca khúc, thánh ca và các tác phẩm viết cho đàn piano... Ông rất quan tâm đến âm nhạc người Mỹ bản địa và đặc trưng riêng của người Mỹ gốc Phi. “Tôi tin rằng âm nhạc tương lai của đất nước này sẽ được phát triển dựa trên những gì được gọi là âm điệu của người da đen”.
Nhà soạn nhạc vĩ đại người Mỹ đã khẳng định giao hưởng Thế giới mới thực sự là sự giao thoa những nền văn hóa khác nhau. Bản giao hưởng không chỉ nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm của Dvorak mà trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của trường phái âm nhạc Lãng mạn.
Rất đông khán giả đến với chương trình "Giai điệu trẻ" ở TP HCM.
"Giai điệu trẻ" là chương trình nghệ thuật mở cửa miễn phí cho khán giả TP HCM do HBSO tổ chức định kỳ. Mỗi lần tổ chức, chương trình thu hút 800 - 900 khán giả mỗi đêm, trong khi sức chứa của Nhà hát TP HCM chỉ khoảng 500 chỗ. Nhiều khán giả phải tự tìm chỗ đứng hoặc ngồi dưới sàn để được theo dõi chương trình. Qua mỗi lần thực hiện, ban tổ chức đều cố gắng mang đến cho khán giả những kiến thức nền, tổng quan về dàn nhạc giao hưởng, tính năng và màu sắc các nhạc cụ, các bộ phận cơ bản của một dàn nhạc...
Chương trình diễn ra vào 20h ngày 29/5 tại Nhà hát TP HCM. Nhận vé tham dự tại: Trung tâm hỗ trợ sinh viên, quận 1 hay phòng vé Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch.
(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)