Trần Tiến người hát thuê đầu thế kỷ
16 tuổi rưỡi, rời trường đại học, anh đi rửa thùng nấu phở, kéo xe ba gác chở bánh mỳ, làm hậu đài cho đoàn văn công. Tức mình Tiến tập hát, len được vào dàn đồng ca, tốp ca, rồi đơn ca.
Được dăm bữa, nghe khán giả kháo nhau “ông này Trần Hiếu hay Trần Tiến” - đâm nản. Thế là quyết tâm viết nhạc.
Nhạc sĩ đi bụi
Ảnh nhạc sĩ cung cấp
Xong giao hưởng tốt nghiệp ĐH Sáng tác Nhạc viện (1978), Trần Tiến: “Xin phép các thầy cho em viết ca khúc. Vì người dân đang cần hát về tình yêu, về cái tôi của họ, bao năm nay toàn ca khúc tuyên truyền cổ động”.
Đang bị cơ quan (Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội) cảnh cáo vì vào Nam chơi quá phép, anh được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (theo tiến cử của Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Nguyễn Quang Sáng) gửi thư mời vào Sở Văn hóa TPHCM làm việc.
Nhưng vào đến nơi thì bác Kiệt lại lên trung ương, không có người cấp nhà, Trần Tiến về ở với Trịnh Công Sơn. Sau khoảng nửa năm thấy: “Cứ ăn chạc, ngủ chạc hoài kỳ lắm. Thế là đi ra đường, các vườn hoa đều ngủ cả”. Ngủ dễ thế vì thời kiếm sống ở Hà Nội, anh đã có thâm niên lang bạt đêm hôm với các bậc sĩ phu Bắc Hà ngoài công viên...
Thấy anh Tiến đúng là có tiếng mà chẳng có miếng, nhóm Sao Sáng rủ đi hát đám cưới. “Thế là đỡ đói bữa đó. Cứ thế sống năm đó. Khủng khiếp lắm! Năm 1980”. Thế mà đây lại là thời kỳ thăng hoa trong sáng tác của anh.
Một hôm, ông Tịnh- em trai Trịnh Công Sơn đi đường thấy Trần Tiến râu ria, hốc hác: “Sao anh bỏ nhà đi. Bà già vẫn nhắc anh. Anh Sơn đi tìm anh hoài...”. Thực ra lúc đó, do có chút xung khắc từ đời trước để lại, nên anh chưa chịu về nhà họ hàng. Trịnh Công Sơn khuyên: “Tính cứ khảng khái thế. Không hàm ơn ai thì bao giờ trả ơn được? Mà trả ơn cuộc đời nó lớn hơn chứ!”.
Thế là Trần Tiến về nơi mà anh đang ngồi tiếp chuyện tôi bây giờ- căn gác cũ kỹ và ấm cúng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Vậy mà nghe nói anh ở biệt thự có bể bơi, con gái tặng quà sinh nhật bằng xe ô tô (nhưng anh không nhận)...
“Tôi viết như điên để phục vụ vợ con. Biệt thự đó là dành cho hội phụ nữ” - Anh cho hay. Nhưng “hội phụ nữ” - tức vợ và hai con gái nhạc sĩ - tạm thời sống và làm việc ở London, nên biệt thự Trần Tiến cho thuê.
Thế giới riêng của Trần Tiến giờ rộng chừng 20m2. “Giường của trẻ con mồ côi tôi nuôi này. Nuôi xong tôi lấy giường đó tôi ngủ” - Trần Tiến trỏ chiếc giường cá nhân trải chiếu tre, lọt thỏm trong cái bàn làm việc hình chữ L. Đối diện là bàn đá tiếp khách - đục thủng ở giữa lấy chỗ đặt nồi lẩu khi có độ nhậu. Còn phòng thu được cải tạo từ... phòng toa lét. “Tôi thích sống giản dị à” - Anh bày tỏ. “Mà thực ra kinh tế cũng chỉ có thế này. Tiền thì tôi lo cho vợ con cho nó sướng đã”.
Trần Tiến thăm các chuyên gia dầu khí Việt Nam tại sa mạc Sahara Ảnh: Nhạc sĩ cung cấp
Những ca khúc... đặt hàng
Năm kia, phim Trung úy đặt anh một giao hưởng mở màn hoành tráng với giá năm chục triệu. “Nếu tôi nhận phải bỏ ra hai năm là ít. Mà một bài hát giờ tôi viết khoảng hai tháng đã được năm mươi triệu”.
Trần Tiến có khi là người viết khúc salsa đầu tiên của Việt Nam - cho lớp khiêu vũ của những người thợ gạch ngói ở Hạ Long. Nhận thù lao, anh tặng lại các nguyên mẫu 20 triệu đồng. Nhạc sĩ: “Viết salsa nghiên cứu mất 4 tháng trời. Thế là lỗ chứ gì!”. 50 triệu đồng là giá tối thiểu, nhạc sĩ khẳng định.
Riêng Tùng Dương: “Con có 8 triệu thôi, con cứ gửi bố - không phải nhuận bút mà để bố nhậu - bố viết cho con bài new-age”. Thế là ca sĩ được bài Ối a và một trận mắng vì cho vào đĩa dám đổi thành Nhức nhối.
Tháng 8/2008, Trần Tiến đi sa mạc Sahara - nơi các chuyên gia dầu khí Việt Nam đang giúp nước bạn khai thác dầu để viết với giá 10.000 USD/bài. Lại có người hứa cho 1 triệu đô để viết nhạc kịch như Broadway, làm anh cất công sang Mỹ nghiên cứu mất hai tháng.
Dự án không thành nhưng: “Viết cái gì là tôi được làm việc, nghiên cứu. Càng được mời viết bao nhiêu, tôi càng trẻ ra bấy nhiêu, quên tuổi già, quên là mình đã rất yếu(?)”. Nói rồi chẳng ngại vạch áo khoe lưng nhằng nhịt các vệt cạo gió giác hơi.
Tất nhiên cũng có lúc anh tự đặt hàng như những bài viết trong thời chiến hay thời Trần trụi 87, Rock đồng hồ, Ý nghĩ trong phòng hải quan... Những bài hát phản ánh trực diện đời sống với một lời lẽ mạnh bạo, ít nhạc sĩ nào bì kịp.
Trần Tiến vẫn còn lưu công văn cấm anh sáng tác và biểu diễn của Sở Văn hóa TPHCM. Đến nỗi anh phải chạy ra Hà Nội cầu cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và được một câu giải oan: “Trần Tiến không kích động bạo loạn, mà kích động lòng yêu nước!”. Giờ thì anh nói: “Cũng không nên viết về thời cuộc nhiều nữa(!). Phải thay đổi chứ. Cuộc đời cho tôi như thế, bắt tôi phải như thế, chứ có phải tôi muốn thế đâu!”.
Mươi năm lại đây, Trần Tiến ít xuất hiện. Mãi năm chẵn 60, anh mới ra một đĩa tự hát Có một thời như thế (2007). Còn năm ngoái thì tươi mới hơn với album Trần Tiến do Hà Trần sản xuất. Ca khúc - nhất là không phải tình ca - để lâu e cũng bị nguội. Nhưng anh đã nói: “Tôi viết cần gì nổi tiếng. Tôi viết để tôi sống”. Nghe đâu Trần Tiến vẫn còn thứ “siêu âm nhạc” (lời của nhạc sĩ Ngọc Đại) “phòng thân” nên mới ung dung ở ẩn như vậy?
Quãng 1999, đang nhậu với Trịnh Công Sơn, bỗng đâu một nữ nghiên cứu sinh người Nhật đến phá ngang. Tức cảnh trước cuộc trao đổi bất đồng ngôn ngữ giữa hai người, Trần Tiến buột miệng: Âm dương nằm ngang/ Ngũ hành nằm dọc/ Em chưa biết đọc/ Em nằm nghiêng/ Em vẫn nằm nghiêng ngó mặt trời xanh/ Em đợi anh... Trịnh Công Sơn: “Bài hay quá, Tiến vừa bịa ra à?” “Bịa đấy!” “Bịa tiếp đi!” Thế là xong một bài. “Ngày mai uống rượu tiếp, bịa tiếp nhé!” - Trịnh Công Sơn giao hẹn. Khúc đầu tiên của loạt bài Ra ngõ cuối thế kỷ ra đời như thế.
“Anh Sơn bảo, tôi không thể viết được khủng khiếp đến như Trần Tiến. Tiến chịu khó tiếp tục cái hướng này đi - Trần Tiến kể - Thế là hôm nào (anh Sơn) cũng gọi điện, hôm nay là khúc thứ bao nhiêu rồi. Hát ngay trên telephone. Và đến khi xong là 43 đêm. Anh Sơn mới bảo, xưa anh nổi tiếng nhờ tập ca khúc Da Vàng. Tiến thì nổi tiếng quá rồi, nhưng giờ nếu Tiến đưa thứ âm nhạc này ra thì Tiến sẽ khủng khiếp lắm!”.
Cho lời khuyên có trọng lượng, Trịnh Công Sơn giúi cho Trần Tiến 30 triệu đồng để đưa Bảo Phúc phối khí. Nhưng đến nay, công chúng vẫn mới được biết đến 3 khúc: Độc huyền cầm, Ra ngõ tụng kinh và Ra ngõ mà yêu. Đôi lần lên truyền hình, anh cũng phun ra vài câu cho khán giả cười bò.
Trần Tiến không đi kiện
Ảnh nhạc sĩ cung cấp
Đầu 1997, Trần Tiến tiên phong chống nạn xâm phạm bản quyền trong âm nhạc. Anh thắng kiện một hãng thu âm Nhà nước. Cũng trong khoảng thời gian đó, tác quyền Trần Tiến bị xâm phạm ở quy mô quốc tế.
Anh nhớ lại: “Đợt này tôi kiện được nhiều tiền lắm... Nhưng thôi, nhờ người ta mà mình thành công cả thế giới biết. Ngu gì kiện!”. Mới đây, Trần Tiến cất công sang London mới kiếm được đĩa tuyển chọn 20 bài hát quốc tế của Kim Yonja - đại diện Việt Nam trong đó là Sao em nỡ vội lấy chồng.
Bài hát qua giọng diva Nhật Bản gốc Hàn Quốc cùng Dàn nhạc Giao hưởng New York vang lên khi Việt Nam được LHQ tuyên dương vì thành tích điều hòa dân số. Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến có mặt lúc đó cảm động rơi nước mắt. Sau đó, theo Trần Tiến, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời Kim Yonja sang song ca bài này với NSND Lê Dung - Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đệm.
Vào quãng 1994. Trần Tiến được mời đến xem, tất nhiên bí mật được dành riêng cho anh tới phút chót... Cuối bài hát, ca sĩ quỳ trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhạc sĩ bước lên, anh hỏi: “Cô có biết lá diêu bông là gì không?”. Và tự trả lời: “Chính là giọt nước mắt lăn trên má cô!”. Khán giả tha hồ vỗ tay... Tất nhiên cảnh này nằm ngoài dự kiến của cả bên đặt hàng (Ban Dân số T.Ư Đoàn) lẫn người được đặt.
Hà Nội thu muộn, nắng vàng, Trần Tiến có mặt theo đặt hàng của ai đó. Anh cho biết, một năm làm 3 chuyến thế này là đủ chỉ tiêu. Thảnh thơi bên bát phở, cốc cà phê xong, anh ra chợ giời kiếm con xe đạp cho khỏe chân. Bên hàng nước, mọi người hỏi thăm, dạo này bác sống ở đâu, còn bán hàng không. Trả lời: ‘‘Vâng nhạc tôi vẫn bán đều!”. Chị hàng xe đon đả: ‘‘Ôi anh Tiến, cái bài Ôi quê tôi của anh hay thật đấy!!” Hẳn chị muốn nói tới Quê nhà. ‘‘Lê Minh Sơn (tác giả Ôi quê tôi- PV) rất thông minh - Trần Tiến kể - Bố nó bảo con phải đến bác Cường (nhạc sĩ Nguyễn Cường- PV), phải tìm chú Trần Tiến- nhận làm con hai người đó. Nó đến ông Cường trước, rồi Cường giới thiệu với mình. Nó thích bài Độc huyền cầm lắm. Tất nhiên người mới sáng tác bao giờ cũng bị ảnh hưởng. Chuyện đó bình thường. Beethoven còn ảnh hưởng Mozart mà...”. Trần Tiến hay kể hồi mới viết ca khúc, anh phải giở bản nhạc Trịnh ra trước mặt, nhìn vào đó để viết ngược lại. ‘‘Ông ấy chiếm trọn tâm hồn tôi, đùa đâu! Nhạc của ông ấy thì tôi không trọng, nhưng tâm hồn của ông, con người của ông, lời của ông quá hay. Làm gì có Trịnh Công Sơn thứ hai trên đất nước Việt Nam! Vì thời đó mới sinh ra con người Huế đấy...”. |
(Nguồn: https://www.tienphong.vn/)