Trần Nhật Minh: "Tôi khắt khe với chính mình"

07/05/2013

Trong những nỗ lực đi tìm khán giả, chương trình Giai Điệu Trẻ do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và Thành đoàn phối hợp tổ chức định kỳ hàng tháng đã chinh phục được không ít công chúng trẻ. Trong chương trình này, việc trực tiếp chỉ huy và diễn giải của một “hot boy” dòng nhạc hàn lâm: thạc sĩ âm nhạc, nhạc trưởng trẻ tuổi nhất nước Trần Nhật Minh, cũng là một trong những sức hút…

* Trước đây, khi Giai Điệu Trẻ mới bắt đầu, không ít người đã tỏ ra không mấy tin tưởng về “liệu pháp đi tìm khán giả” này của Nhà hát, khi trả lời phỏng vấn, anh cũng có nói là phải sau hai năm mới đo được hiệu ứng. Giờ chương trình đã bước sang năm thứ ba với 15 đêm diễn, câu trả lời đó như thế nào?

- Ở những chương trình đầu, Thành Đoàn phải đưa thư mời đến tận các trường học, các tổ chức Đoàn, nhưng những chương trình gần đây, khán giả đã tự đến Nhà hát lấy vé. Nhiều bạn điện thoại cho chúng tôi để hỏi về những chương trình tiếp theo. Không ít ý kiến phản hồi khá tốt đã gửi về Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của Thành Đoàn… Tất cả cho thấy nỗ lực của chúng tôi đã mang lại những hiệu ứng khá tích cực. Câu trả lời rõ nhất là ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ đến xem, như chương trình gần đây, khán phòng không còn chỗ trống.

* Được biết, để có được một chương trình biểu diễn (miễn phí) trong vài tiếng đồng hồ như vậy, mấy chục con người đã phải miệt mài tập luyện suốt cả tháng trời nhưng tiền bồi dưỡng (do Nhà nước tài trợ) lại rất… tượng trưng, các anh động viên nhau thế nào trong thời buổi mà cái gì cũng được đo đếm qua lăng kính thị trường?

- Chương trình của chúng tôi quy tụ trên dưới 40 người, vừa ca sĩ, vừa nhạc công, tất cả đều tự nguyện. Điều may mắn của tôi là được làm việc với những người chuyên nghiệp hoặc đang hướng tới sự chuyên nghiệp. Giá trị tinh thần là vũ khí duy nhất của chúng tôi cho chương trình này. Ca sĩ có những người đã nổi tiếng như Ngọc Tuyền, Thanh Nga; nhạc công có những người giỏi được trong giới nể trọng như Anh Khoa… khi tham gia chương trình này, họ phải bỏ những show riêng.

* Là nhạc trưởng song tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm... anh đều không hơn họ, vậy nhờ vào đâu anh chỉ huy được họ?

- Tôi nghĩ, tất cả đều vì công việc. Hai bên tôn trọng lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau và biết lắng nghe nhau. Tôi đưa cho họ một món ăn mới và nói đây là món ngon. Thoạt đầu, có người kêu khó, nhưng rồi vì muốn thách thức mình nên tất cả đã cùng nhau tìm cách vượt qua. Ai cũng có công việc riêng để bận rộn. Nếu không thực sự đam mê, không yêu thích, không có gì níu kéo được họ.

* Qua chương trình Giai Điệu Trẻ, người ta hiểu rằng, âm nhạc cổ điển đang cần tìm khán giả. Trong khi đó, một số ca sĩ nhạc nhẹ lại muốn “bắt tay” với dòng nhạc hàn lâm để “nâng cao” đẳng cấp về chuyên môn. Theo anh, trong trường hợp này, ai cứu vớt ai?

- Có thể mỗi người đều có mục tiêu riêng, hoặc thật sự muốn tìm lối đi mới, hoặc chỉ là để đánh bóng tên tuổi, nhưng việc ca sĩ nhạc nhẹ tìm đến nhạc giao hưởng nói chung là một xu hướng tích cực. Ai làm được đều đáng khen, bởi mọi sự thay đổi đều là những thử thách. Qua vài lần tham gia với vai trò người của “giao hưởng”, tôi tự thấy chưa hài lòng về những gì đã làm, bởi chưa tìm ra phương thức kết hợp để có thể tạo ra sự hài hòa. Chưa thể nói gì được nhiều vì tất cả các hình thức “bắt tay” vừa qua của chính tôi hay của người này người kia vẫn đang còn ở dạng thử nghiệm. Muốn cho ra một sản phẩm tốt, cần có nhiều điều kiện, trong khi quanh ta, nhìn đâu cũng thấy thiếu.

* Từng tốt nghiệp loại giỏi ở các nhạc viện nổi tiếng của Liên bang Nga, từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về chuyên ngành chỉ huy hợp xướng, sau 5 năm về nước làm nghề, anh được gì khi cuộc sống hàng ngày vẫn nương nhờ bố mẹ?

- Đúng là nếu chỉ với thu nhập của mình, tôi sẽ khá chật vật, nhưng tôi may mắn được gia đình hỗ trợ mọi mặt từ tinh thần đến vật chất. Sau 5 năm về nước, cái được lớn nhất của tôi là hạnh phúc tinh thần vì được làm nghề và có chỉ ở đây, tôi mới có nhiều cơ hội để thử thách mình.

* Tài năng, đẹp trai, trẻ tuổi… cảm giác anh thế nào khi được xem là một “hot boy” của dòng nhạc hàn lâm?

- Ai làm nghệ thuật cũng mong có người quan tâm đến việc mình làm. Tôi sẽ không cảm thấy “khó chịu” gì nếu sự quan tâm đó không cản trở công việc. Tôi rất sợ sau một buổi diễn, được người ta nhận xét kiểu như bộ quần áo rất đẹp, gương mặt rất xinh… Tất nhiên, có thêm điểm cộng nào cũng tốt, nhưng giá trị thật ở một người theo dòng nhạc cổ điển lại nằm ở một phạm trù khác.

* Xin cám ơn anh.

(Nguồnhttp://phunuonline.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...