Trần Hiếu tự hào về kỷ lục 'NSND cao tuổi nhất còn đi hát'

13/09/2018

Giọng ca gạo cội hãnh diện vì giữ phong độ ca hát, dạy học đều đặn ở tuổi ngoài 80.

Nghệ sĩ Nhân dân dự chương trình tôn vinh các kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 tại TP HCM, tối 26/8. Ông được mời lên sân khấu với tư cách người đoạt danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân cao tuổi nhất còn biểu diễn trên sân khấu". Ông cũng thể hiện ca khúc chủ đề của sự kiện - Vinh quang Kỷ lục gia Việt Nam (nhạc sĩ Vũ Đình Ân sáng tác) - với dàn hợp ca.

Trần Hiếu dự sự kiện tối 26/8 với bộ vest, mũ beret quen thuộc. Ảnh: Mai Nhật.

Nghệ sĩ tâm sự sau hai năm giữ kỷ lục, ông vẫn lâng lâng niềm tự hào. Ông gọi hơn 70 năm ca hát của mình là "bước đi của số phận". Trần Hiếu bắt đầu đi hát từ năm 11 tuổi, đến năm 81 tuổi, ông đoạt kỷ lục này. "Điều này âu cũng là cái lạ. Hiếm ai ở tuổi ngoài 80 mà vẫn chạy show như tôi", ông hóm hỉnh.

Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng cho Trần Hiếu, dựa trên sự tư vấn của hội đồng chuyên môn gồm hơn 120 thành viên. Hai tiêu chí để trao danh hiệu lúc ấy là: Trần Hiếu là NSND lớn tuổi nhất tính đến thời điểm trao danh hiệu còn tham gia ca hát và quá trình đi hát của ông diễn ra đều đặn.

Ngoài kỷ lục đi hát lâu, Trần Hiếu cũng hãnh diện về chất giọng nam trầm (bass) hiếm có của mình. Ông từng đứng đầu danh sách tám người có thể hát nốt nhạc thấp nhất Việt Nam và được một tổ chức xác lập kỷ lục tặng kỷ niệm chương. Ông đã rèn khả năng hát ở quãng giọng thấp từ khi sang Bulgaria du học thập niên 1980. Khi gặp gỡ một số giọng nam trầm ở nước bạn, họ thách đố nhau ai có thể hát được nốt trầm nhất. Sau khi các đồng nghiệp Bulgaria hát xong, Trần Hiếu thể hiện cuối cùng và khiến họ ngỡ ngàng thán phục.

Trần Hiếu đang dạy hát ở Nhạc viện TP HCM và một số trường dạy thanh nhạc. Ông thường xuyên nhận lời hát trong sự kiện hoặc đêm nhạc của các đồng nghiệp trẻ. Cao điểm, một tháng ông diễn 16 buổi. Ông hiện sống trong chung cư Bộ đội Biên Phòng (quận Gò Vấp, TP HCM).

Trần Hiếu sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông là bố ca sĩ Trần Thu Hà, anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến. Năm 1954, ông tốt nghiệp khoa thanh nhạc Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Sau đó, ông về làm ca sĩ đơn ca tại Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Ông từng đi học tại Nhạc viện Sofia ở Bulgaria trong ba năm. Từ năm 1986 đến 1991, ông là diễn viên đơn ca ở Nhà hát Tuổi trẻ. Ông nổi tiếng với các ca khúc Con voi (Nguyễn Xuân Khoát), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Lãnh tụ ca (Lưu Hữu Phước), Tôi là Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh)... và thành công trong công tác giảng dạy, đào tạo.

Ở sự kiện, nhiều nghệ sĩ nhận kỷ niệm chương như Nguyễn Phùng Phong (ghi nhớ 500 chữ số ngẫu nhiên trong thời gian ngắn nhất), Nguyễn Văn Lượng (đạo diễn hơn 220 phim về đời sống văn hóa, con người Việt Nam), Mai Đình Tới(nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế nhất châu Á)...

Nghệ sĩ Mai Đình Tới (phải) và Nguyễn Phùng Phong nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

Ngày hội kỷ lục gia Việt Nam tổ chức hàng năm. Sự kiện hướng đến các cá nhân, tổ chức có sáng tạo và cống hiến trong việc quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam đến thế giới.

(Nguồn: https://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...