Toscanini: Nghệ sỹ của lương tâm
Không nhạc trưởng bậc thầy (maestro) nào được tôn kính hơn hay bị nhiếc móc hơn ông. Giờ đây đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cuộc đời ông một cách công bằng.
Nhạc trưởng Arturo Toscanini. Nguồn: Sony Classica
Một biểu tượng của văn hóa đại chúng
Tôi còn nhớ năm 1952, trên chiếc tivi đen trắng nhỏ xíu, một ông già đầu bạc và bộ ria mép cắt tỉa trang nhã đang đánh nhịp bằng tay phải và dẫn dắt một màn trình diễn bùng nổ overture William Tell của Rossini– những âm hình đàn dây lướt nhanh được chơi với tốc độ nhanh sửng sốt, tác phẩm được trình bày một cách chính xác và mạnh mẽ, những tiếng timpani vạm vỡ vạch ra các câu nhạc và khẳng định một áp lực tăng lên theo các crescendo (mạnh dần). Đó là Arturo Toscanini chỉ huy NBC Symphony trong buổi hòa nhạc trên truyền hình ngày 15/3/1952. Sau đó hai tuần, Toscanini mừng sinh nhật 85 tuổi.
Trong nhiều năm, Arturo Toscanini đem lại những buổi biểu diễn âm nhạc đỉnh cao cho những người yêu nhạc cổ điển Mỹ: vào cuối thời kỳ Suy thoái, năm 1937, RCA - hãng sở hữu hai mạng lưới truyền thanh NBC, đã thành lập một dàn nhạc để ông chỉ huy và duy trì nó cho đến năm 1954. Từ New York, NBC Symphony trình diễn các buổi hòa nhạc được phát sóng trên đài phát thanh quốc gia và rồi bắt đầu năm 1948 là trên truyền hình quốc gia.
Những năm Toscanini chỉ huy NBC có lẽ là dấu mốc đỉnh cao của sự phổ biến âm nhạc cổ điển ở Mỹ. Vào thời đó, cả những người nghiệp dư lẫn các nghệ sĩ chuyên nghiệp khi nghe các chương trình phát sóng của NBC Symphony, đã cố gắng hết mình để chơi theo. RCA đã phát hành hàng chục bản thu âm do Toscanini và dàn nhạc thực hiện (hầu hết trong số đó từ các chương trình đã phát sóng trực tiếp), cũng như các buổi biểu diễn chọn lọc được thực hiện với New York Philharmonic và Philadelphia Orchestra. Gương mặt trắng xanh của Toscanini và đôi bàn tay nổi bật trên nền đen đậm trong những tấm ảnh album quyến rũ một cách huyền bí của Robert Hupka, một kỹ sư âm thanh và là cháu nhà soạn nhạc Ignaz Brüll – một người bạn của Brahms..
Cách Toscanini chỉ huy tác phẩm của Beethoven, Berlioz, Brahms, Verdi, Wagner và Debussy khiến phần trình tấu của các nhạc trưởng khác trở nên “mờ nhạt”. Ông nổi tiếng là tuân thủ một cách chặt chẽ tổng phổ, chấm dứt việc thực hành tùy tiện và diễn dịch một cách thái quá. Ông dẫn dắt các tác phẩm đạt tới đỉnh điểm, các chi tiết trữ tình được “vuốt ve” một cách tinh tế song được dồn gấp về phía trước. Với bất kỳ dàn nhạc nào, âm thanh ông tạo ra đều chắc nịch, trong trẻo, trào dâng và rạng rỡ. “Cấu trúc âm nhạc với niềm đam mê” là điều mà nghệ sĩ piano trẻ Rudolf Serkin đã cảm nhận trong một buổi Toscanini chỉ huy bản giao hưởng số 2 của Brahms. Các nhạc trưởng nổi tiếng khác, trong đó có Bruno Walter, Pierre Monteux và đôi khi cả Wilhelm Furtwängler, đều thừa nhận ông là người vĩ đại nhất trong các nhạc trưởng – một số nói là “vô song”.
Các nhạc trưởng nổi tiếng khác, trong đó có Bruno Walter, Pierre Monteux và đôi khi cả Wilhelm Furtwängler, đều thừa nhận ông là người vĩ đại nhất trong các nhạc trưởng – một số nói là “vô song”.
Vào những năm 1930 và trong thời chiến, người ta ngưỡng mộ ông không chỉ vì âm nhạc. Opera, luôn luôn là trung tâm của văn hóa châu Âu, vào thời điểm đó đã trở thành yếu tố khuếch trương chủ nghĩa dân tộc và vận động chính trị. Sau năm 1931, Toscanini từ chối chỉ huy ở Ý để phản đối Mussolini, kẻ đã nhử ông bằng các vinh dự và các vị trí chính thức; sau đó báo chí phát xít sỉ vả ông. Hitler từng nài xin ông tôn vinh nghệ thuật Đức Thần thánh và chủ trì các màn “nghi lễ” những tác phẩm của Wagner tại Liên hoan Bayreuth. Khi Toscanini từ chối, các bản thu âm và chương trình phát sóng của ông bị cấm ở Đức. Thay vì đến Bayreuth, ông làm việc với dàn nhạc Palestine mới thành lập (sau này là Israel Philharmonic), một dàn nhạc chủ yếu tập hợp những người tị nạn Do Thái, năm 1936 và 1937. Toscanini không tuyên bố điều gì song những tình cảm của ông đã được biết đến rộng rãi, và ông trở thành một ngôi sao chỉ đường cho những người chống phát xít. Sau chiến tranh, Isaiah Berlin [1] tuyên bố ông là “vị anh hùng có phẩm cách và truyền cảm hứng nhất về mặt đạo đức của thời đại chúng ta – hơn cả Einstein (với tôi), thậm chí còn hơn cả siêu nhân Winston.”
Những đánh giá trái chiều
Trong những thập kỷ gần đây, danh tiếng của Toscanini đã phai nhạt khá nhiều. Nhiều người đã chuyển sang ngưỡng mộ các nhạc trưởng khác, ví dụ Furtwängler được đánh giá cao về mặt âm nhạc và xúc cảm hơn cả chất thôi thúc bùng cháy của Toscanini. Theo quan điểm của họ, Toscanini nhiều khi không mấy quan tâm đến các đoạn nhạc trầm tư sâu lắng; ông là lực sĩ chứ không phải triết gia. Thẩm mỹ âm nhạc của ông được hình thành từ Beethoven và Verdi. Không thèm bước sang thế kỷ 20, ông bỏ qua những khám phá về nhịp điệu và hòa âm độc đáo gây sững sờ của Stravinsky, Bartók, Schoenberg, Berg...
Thương gia S.L. Rothafel (trái) thuyết phục Toscanini cách “tô vẽ” âm nhạc cổ điển để thu hút thêm công chúng. Nguồn: www.loc.gov
Nhà phê bình kiêm nhà soạn nhạc Virgil Thomson phàn nàn về sự thiếu hụt phẩm chất cá nhân ở Toscanini, nguyên nhân khiến ông quan tâm nhiều các tác phẩm kinh điển hơn là tác phẩm thế kỷ 20. Theodor W. Adorno, triết gia Mác-xít và nhà lý thuyết về nhạc 12 âm, thì cho ông là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản hàng hóa còn nhà lịch sử âm nhạc Joseph Horowitz dù thừa nhận sự vĩ đại của Toscanini trong Understanding Toscanini (Hiểu Toscanini, 1987) vẫn chế giễu con người công chúng của ông, xem ông sống nhờ vào những lời đánh giá khoa trương. Có thể họ khó chịu trước cách ông góp phần làm cho âm nhạc cổ điển đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng trong một thời gian ngắn.
Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Toscanini, nhà sử học âm nhạc Harvey Sachs đã xuất bản một cuốn tiểu sử mới, Toscanini: Musician of Conscience (Toscanini: Nghệ sĩ của lương tâm, Liveright). Đó là một biên niên sử chi tiết, hết sức nghiêm chỉnh nhưng cũng rất hấp dẫn và thú vị về âm nhạc và xã hội, đã lý giải vì sao các màn trình diễn của Toscanini hấp dẫn đến thế – và với một số người thì khó chịu đến thế.
Hãy xem xét bản giao hưởng số 9 của Beethoven - một trong những tượng đài quen thuộc nhất nhưng cũng dễ làm thoái chí bất cứ nhạc trưởng nào. Trước khi diễn tập tác phẩm tại London, năm 1939, Toscanini viết cho Ada Mainardi, người tình và bạn tâm giao âm nhạc-chính trị lâu năm của mình: “Chương nhạc đầu của bản số 9 luôn khiến anh thất vọng”, và ông trích dẫn vài dòng từ Dante về hành trình đọa đày qua cửa địa ngục. “Dante và Beethoven! Thế là đủ khiến em run rẩy!” Vào lúc bắt đầu phần tái hiện của chương này, Beethoven đã rẽ mở thiên đường bằng những làn sóng âm thanh đầy chấn động. Đây sẽ là khoảnh khắc mang tính khải huyền trong màn trình diễn của bất kỳ nhạc trưởng nào còn Toscanini thì đơn giản là xuất sắc hơn thế. Trong màn biểu diễn năm 1952 với NBC Symphony, ông xuất phát bằng cách mới. Thay vì chỉ dẫn các nhạc công timpani chơi suốt đoạn nhạc bằng tiếng rền vang cuồn cuộn liên tục như các nhạc trưởng khác làm (kiểu Furtwängler và Herbert von Karajan), ông đã dùng timpani tại đỉnh điểm mỗi ba crescendo trong đoạn – tổng cộng ba lần, một sự chất chứa năng lượng gần như là khủng khiếp, như thể nguyên tử đang bị phân chia hết lần này đến lần khác. Và trong suốt đoạn nhạc, Toscanini giữ tempo nhanh cho toàn bộ chương nhạc. Chơi với loại tốc độ và sức mạnh này, các nghệ sĩ của NBC Symphony đạt tới những giới hạn khả năng của con người. Nhưng điều gì được truyền đạt bằng cuộc tấn công vào khả năng này? “Sự thất vọng”? “Cơn thịnh nộ” của Toscanini chăng? Sự thách thức của điều phải đến chăng? Sự thách thức của cái chết chăng?
Bản thu âm đặc biệt Requiem Verdi từ năm 1951 cũng đưa ra cùng sự khuấy động và đau đớn xé lòng, cùng những câu hỏi như thế. Trong đoạn “Dies Irae”, chủ đề chắc chắn là cái chết. Các kèn trumpet – vốn triệu hồi những linh hồn từ mọi ngóc ngách trên trái đất để phán xử, bắt đầu vang lên, thoạt tiên lặng lẽ và sau đó sự nài nỉ càng lúc càng lớn hơn và, khi phần còn lại của bộ đồng bắt vào, và hợp xướng, ta có thể nghe thấy tiếng Toscanini trên những ầm ĩ hỗn loạn gào lên vừa đủ nghe “Piu forte!” (hay có lẽ là “Tutta forza!”), một ông già nổi khùng đang đòi hỏi nhiều hơn nữa. Nhưng không còn gì nữa, chúng ta đã đạt đến tận cùng của ý chí con người, ham muốn của con người và cả nỗi sợ hãi của con người. Thế mà Toscanini đã nói với một đồng nghiệp: “Trong cả đời nghệ thuật của mình, tôi chưa từng có khoảnh khắc thực sự hài lòng nào.”
Tạo ra những biến đổi trong trình diễn và thưởng thức âm nhạc
Ông sinh năm 1867, tại Parma, một thành phố nhỏ nằm giữa Bologna và Milan vào cuối thế kỷ 19 có 5 nhà hát opera thuộc loại này hay loại khác, và ông theo học một nhạc viện địa phương bằng chi phí của nhà nước. Năm 1886, ông làm chỉ huy hợp xướng cho một đoàn opera Ý trong chuyến lưu diễn ở Rio de Janeiro. Một nhạc trưởng người Brazil thất bại và Toscanini, ở tuổi mười chín, đã đảm nhiệm trình diễn Aida, chỉ huy vở opera bằng trí nhớ. Mùa diễn đó, ông đã chỉ huy 17 vở opera khác. Vào những năm ngoài hai mươi, ông vội vã chạy từ thành phố nhỏ này sang thành phố khác – Brescia, Verona, Turin, Novara... – tập hợp các đoàn hát nghèo cùng đám nghệ sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp của họ lại để trình diễn các tác phẩm chưa bao giờ được nghe ở những nơi như vậy. Năm 1898, ông trở thành nhạc trưởng chính tại La Scala - nhà hát opera hàng đầu của Ý ở Milan, nơi ông rời bỏ (đôi khi vì chán ghét) và trở quay trở lại hết lần này đến lần khác.
Khi Toscanini còn trẻ, mỗi đêm tại nhà hát opera là một dịp vui vẻ tội lỗi. Ánh sáng được chiếu suốt các màn biểu diễn – đó là một nơi giao thiệp xã hội. Các nhạc công dàn nhạc có thể lười biếng, các ca sĩ được yêu thích sẽ tô điểm các aria của họ bằng các nốt cao tự thêm vào và phần encore, và khán giả đáp lại bằng sự tung hô và lời kêu gọi nhạc trưởng và ca sĩ quay trở lại sân khấu. Lúc nào cũng có các tác phẩm mới được dàn dựng (đến tận những năm 1920, 35–40% kịch mục của La Scala là tác phẩm mới) và chúng đều được đón nhận hay phản đối một cách om sòm. Tại La Scala và các nơi khác, Toscanini đã thực hiện 24 buổi công diễn lần đầu, trong đó có các vở Pagliacci của Leoncavallo, La Bohème, La Fanciulla del West và Turandot của Puccini.
Dù ở đâu Toscanini cũng cố gắng hết sức: bất kỳ vở opera nào đáng được biểu diễn phải dàn dựng một tác phẩm tổng hòa những phông cảnh, trang phục, dàn dựng và cách chỉ huy dàn nhạc, tất cả đều hỗ trợ cho ý đồ tác phẩm – một quan niệm mang tính cách mạng khi ấy. Khi Toscanini cuối cùng đã đưa đoàn La Scala đến Vienna năm 1929, Herbert von Karajan ở tuổi 21 đã tham dự buổi biểu diễn vở Falstaff của Verdi: “Từ ô nhịp đầu tiên, cứ như thể tôi đã bị một cú giáng. Tôi hoàn toàn bối rối trước sự hoàn hảo đã đạt được. Sự ăn khớp giữa âm nhạc và phần biểu diễn trên sân khấu là cái gì đó hoàn toàn không thể tưởng tượng.”
Việc tạo ra các màn trình diễn như thế này có thể là thử thách khắc nghiệt đối với dàn nhạc và với chính Toscanini. Ông thường nhẹ nhàng với các ca sĩ, đặc biệt là các ca sĩ đang học vai mới, nhưng với các dàn nhạc, ông có thể là một kẻ khủng bố, bẻ gãy gậy chỉ huy, xé khăn tay, phá hủy đồng hồ, ném đồ và hét lên bằng cái giọng khàn khàn: “Pezzi di somari che siete perdio! Vergogna, matti! Vergogna!” (Các người thật là một lũ ngu độn, lạy Chúa! Xấu hổ thay cho các người, lũ ngu ngốc điên rồ!) Trong một buổi biểu diễn tại La Scala năm 1902, ông đã bực dọc bởi hành vi tai quái của khán giả đến nỗi xông ra khỏi bục chỉ huy và đập đầu vào cửa kính. Có một cái gì đó vừa hài hước vừa ấn tượng về một thời kỳ mà việc biểu diễn là vấn đề sống còn. Nhưng các nghệ sĩ bị sỉ nhục hầu như luôn luôn tha thứ cho ông – họ biết ông đang đau khổ. – và nhiều người chính thức công nhận rằng được chơi nhạc cùng ông là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời họ.
Bắt đầu chỉ huy New York Philharmonic vào năm 1926, ba năm sau ông trở thành giám đốc âm nhạc của dàn nhạc. Đây là lần đầu tiên ông có một dàn nhạc của riêng mình. Những tác phẩm ông chơi cùng dàn nhạc hết sức đặc biệt, trong đó có bản thu âm Giao hưởng số 7 của Beethoven năm 1936 là màn trình diễn mà nhạc trưởng James Levine coi là bản thu âm dàn nhạc hoàn hảo nhất mà mình biết.
Năm 1936, trở nên mệt mỏi với việc trình diễn mỗi chương trình bốn lần cho các buổi hòa nhạc đặt vé trước của Philharmonic, Toscanini từ chức, trở về Milan và thề sẽ không bao giờ làm giám đốc âm nhạc của dàn nhạc nữa. Năm sau, người đứng đầu RCA, David Sarnoff, đã gửi một sứ giả đến đề nghị Toscanini trở lại và chỉ huy một dàn nhạc được tuyển lựa kỹ càng. Toscanini yêu cầu, và có được, toàn quyền kiểm soát kịch mục và các nghệ sĩ solo, và có quyền phê duyệt hoặc phủ quyết bất kỳ bản thu âm nào xuất phát từ các chương trình phát sóng.
Toscanini cuối cùng cũng xuất hiện vào tháng 12/1937. Samuel Antek, một nghệ sĩ violin trong dàn nhạc, nhớ lại buổi diễn tập đầu tiên đã bắt đầu như thế nào:
Ông mặc một chiếc áo khoác alpaca màu đen cắt may giản dị với cổ cồn cao, chiếc quần sọc trang trọng và đôi giày mũi nhọn kiểu dép lê. Khi ông bước lên bục chỉ huy, bằng một tín hiệu được sắp đặt trước, tất cả chúng tôi đứng lên như những con rối đột nhiên bị xô vào đời bằng sức căng dồn nén. Ông nhìn quanh, dường như hoang mang trước hành động bất ngờ của chúng tôi, và phác nhẹ một cử chỉ chào mừng bằng cả hai cánh tay, một nụ cười máy móc làm bừng sáng gương mặt xanh xao của ông trong chốc lát. Hơi xấu hổ, chúng tôi lại ngồi xuống. Sau đó, bằng một giọng chói tai, ông hô lên “Brahms!” Ông lia nhanh mắt nhìn chúng tôi chòng chọc rồi nâng tay lên. Bằng một nhát tuyệt vời, cây gậy đi xuống. Một âm thanh sôi động đột nhiên vọt ra từ các nhạc công căng thẳng như máu trong huyết quản... “So! So! So!” ông gầm lên. “Cantare! Sostenere!” [Hát lên! Duy trì!]
Trở lại Ý năm 1931, tại Bologna, Toscanini bị những tên côn đồ phát xít gây hấn trên đường tới một buổi biểu diễn. “Chúng có thể làm bất cứ điều gì”, về sau ông nói trên điện thoại với Ada Mainardi. (Viên cảnh sát mật đã ghi âm các cuộc gọi của ông.) “Lời hứa không còn tồn tại nữa. Hôm nay họ không nhớ những gì họ đã nói hôm qua. Thật đáng xấu hổ! ”Lựa chọn cuối cùng của Toscanini – lưu vong ở thế giới mới. Năm 1939, Toscanini quay trở lại châu Âu trong một thời gian ngắn để chỉ huy tại Liên hoan Lucerne. Vào tháng 9, sau khi chiến tranh nổ ra, ông cùng vợ đột ngột rời khỏi Pháp trên con tàu vượt đại dương Manhattan. Trái tim ông ở Ý, nhưng ông thấy thoải mái khi sống ở khu Riverdale của thành phố New York, chỉ huy NBC Symphony cho đến khi ông mất tập trung tại một buổi hòa nhạc vào tháng 4/1954. Ông qua đời ba năm sau đó, chỉ một thời gian ngắn sau sinh nhật thứ chín mươi của mình. ¨
(Nguồn: https://www.newyorker.com/magazine/2017/07/10/the-toscanini-wars)
---------------------------------------------------------------
[1]. Sir Isaiah Berlin (1909–1997): nhà lý luận xã hội và chính trị, triết gia và nhà sử học người Anh gốc Nga.