Tôn trọng sở hữu trí tuệ là tự trọng

15/05/2013

Với quan điểm sở hữu trí tuệ cũng là một thứ tài sản và cần được bảo vệ như bất kỳ tài sản nào, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã tổ chức festival âm nhạc “Artwork is Work” (Nghệ thuật là làm việc) với các nghệ sỹ Việt Nam và từ Philippines, Thái Lan, Mianma,… như một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tác quyền trong nghệ thuật ở Việt Nam.


Ông Michael Turner - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ (giữa) - phát biểu trong họp báo festival Artwork is Work

Trong không gian thân thiện của bar Cama, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò truyện với ông Michael Turner - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - về vấn đề này.

Vì sao Đại sứ quán Mỹ lại quan tâm đến vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam?

- Để bảo vệ ý tưởng hiện tại và khuyến khích sự phát triển của các ý tưởng mới, chúng ta cần phải bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việc bảo vệ các ý tưởng và phát minh của con người cũng như việc xây dựng một môi trường lành mạnh nuôi dưỡng các ý tưởng mới sẽ khuyến khích sự đổi mới bén rễ và phát triển.

Chúng tôi tin rằng vấn đề sở hữu trí tuệ cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ cá nhân nào trên thế giới vì trong mọi lĩnh vực, từ âm nhạc đến thi ca, hay việc phát triển các chương trình máy tính… khi bạn sáng tạo một tác phẩm, bạn đã phải lao động cực nhọc.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, khuyến khích mọi người tôn trọng, bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như ở bất kỳ nơi nào khác, là rất quan trọng. Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc với các tổ chức, các nghệ sĩ Nam Á để nâng cao việc ý thức bảo vệ tác quyền cho người dân.

Tôi nghĩ rằng tôn trọng sở hữu trí tuệ là việc tôn trọng công sức lao động của con người, giống như cách chúng ta vẫn tôn trọng bất kỳ tài sản nào trên thế giới. Điều quan trọng là giúp mọi người biết tôn trọng và tìm cách sử dụng các sở hữu trí tuệ một cách hợp pháp.

Ngoài festival âm nhạc Artwork is Work, Đại sứ quán Mỹ có những chương trình nào khác để xúc tiến vấn đề này?

- Để khuyến khích người dân hiểu hơn về sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã tổ chức chuỗi các sự kiện khác nhau, mỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động. 3 tuần trước, chúng tôi đã tổ chức chiếu một bộ phim do ngôi sao điện ảnh Tom Cruise đóng vai chính; chúng tôi cũng kết hợp với Chính phủ Việt Nam và với Bảo tàng Việt Nam để bàn về vấn đề sở hữu trí tuệ; chúng tôi cũng ký kết một hợp đồng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Việt Nam để họ có thể mang tác phẩm của mình vào trưng bày trong khu vực chiếu phim. Song song với việc festival Artwork is Work (ngày 11/5), chúng tôi tổ chức hội thảo trực tuyến, nơi mọi người có thể tham gia hỏi đáp về vấn đề sở hữu trí tuệ.


Thành viên ban nhạc 18+ (Việt Nam) trao đổi tại cuộc họp báo

Chúng tôi rất vui mừng vì Chính phủ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức đều ủng hộ vấn đề sở hữu trí tuệ, vì đây không phải là một vấn đề riêng của nước Mỹ, hay của châu Âu, mà là vấn đề toàn cầu. Các nghệ sĩ mà các bạn gặp gỡ trong festival Artwor is Work đều từ các nước châu Á, như Việt Nam, Burma, Singapore, Phillipines…

Công sức sáng tạo của họ cần phải được tôn trọng. Nếu sáng tạo nghệ thuật không được tôn trọng, nghệ sĩ không thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, nghệ thuật sẽ dần bị thui chột, và thế là cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức đều bị mất mát.

Vẫn biết rằng sở hữu trí tuệ cần được tôn trọng, nhưng theo ông, liệu có hiện tượng người nghèo bị bỏ lại sau, không thể tiếp cận nghệ thuật cũng như các thành tựu khác, chỉ vì họ không thể đủ tiền chi trả?

- Ở Việt Nam đã có những chương trình âm nhạc lớn được tổ chức miễn phí, rồi các chương trình nghệ thuật trên truyền hình, đài phát thanh… Điều đó chứng tỏ rằng hoàn toàn không có chuyện nếu bạn nghèo, bạn không thể tiếp cận nghệ thuật.

Mặt khác, tôi cho rằng nhiều người nghe có đủ khả năng tài chính để tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật một cách hợp pháp. Khi bạn ủng hộ sở hữu trí tuệ, ủng hộ các nghệ sĩ, đó là một sự công bằng. Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng rất nhiều nghệ sĩ cũng… nghèo! Nếu chúng ta tôn trọng các nghệ sĩ, có nghĩa là chúng ta tôn trọng mình và tôn trọng lẫn nhau, thì mới có thể có một nền nghệ thuật đẹp!


Luật sư Gils Cooper

“Đằng sau việc tổ chức festival âm nhạc Artwork is Work là nỗ lực của chúng tôi nhằm quảng bá cho vấn đề sở hữu trí tuệ, giúp các nghệ sĩ độc lập trình diễn các tác phẩm âm nhạc của chính mình.

 

Bảo vệ tác quyền là một vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đó là điều kiện căn bản để khuyến khích sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực gì, trong đó có âm nhạc. 

 

Các nghệ sĩ là người sở hữu các tác phẩm của mình, và họ có quyền có thu nhập từ đó. Với việc đưa các nghệ sĩ độc lập đến sân khấu, chúng tôi hy vọng góp phần xây dựng và ủng hộ cộng đồng sáng tạo ở Việt Nam, châu Á cũng như trên toàn thế giới”.

Luật sư Gils Cooper - Đồng sáng lập tổ chức Cama, cộng sự của Công ty Luật Mỹ Duane Morris

Festiva âm nhạc Artwork is Work được tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ và Cama – một tổ chức hoạt động nhằm xúc tiến các hoạt động nghệ thuật. Festival diễn ra từ 14 - 23 h ngày 11/5 tại Câu lạc bộ Mỹ (18 - 20 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự có mặt của các ban nhạc rock đến từ Myanmar, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Philippines… cùng các hoạt động khác như nghệ thuật sắp đặt thị giác, giới thiệu ẩm thực châu Á...

(Nguồnhttp://gdtd.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.