Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy - Khê
Đây là tác phẩm mới nhất của GS - nhạc sĩ Trần Văn Khê do NXB Thời Đại ấn hành.
Mở đầu tập sách này tác giả cho biết: “Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ”.
Cả hai cùng sinh năm 1921. Từ tình bạn thắm thiết, GS Trần Văn Khê đã dành nhiều tâm huyết viết tập sách này, trong đó có nhiều chi tiết thú vị. Tác giả kể, có lần Phạm Duy nói với Trần Văn Khê: “Cậu học về âm nhạc dân tộc là để trở thành chuyên gia về môn này, còn tớ chỉ học để biết trong dân gian có những cách nào làm cho thang âm ngũ cung phong phú hơn và những giai điệu sáng tác trên hệ thống ngũ cung, tiền ngũ cung có phong phú đa dạng hơn, không bị nhàm chán mà không đi theo phương pháp của Âu Tây”.
Ngoài kỷ niệm riêng tư, GS Trần Văn Khê còn phân tích, nhận định về lãnh vực âm nhạc của Phạm Duy. Tác giả phân tích những câu, những đoạn nhạc mà ông cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung… Với ca khúc Nụ tầm xuân, nhạc sĩ Trần Văn Khê phân tích: “Trước tiên tôi muốn đề cập tới một nhạc phẩm tiêu biểu mà tôi cho là rất đặc sắc trong cách sử dụng thang âm ngũ cung với một tinh thần sáng tạo của Phạm Duy. Đó là nhạc phẩm Nụ tầm xuân, dựa theo một câu ca dao rất quen thuộc của người Việt Nam:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vường cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em (đi) lấy chồng anh tiếc lắm thay…
Câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, Phạm Duy dùng thang âm ngũ cung dạng II (âm cơ bản La):
Hò - Xự - Xang - Xê - Cống
Mi Fa# La Si Do#
mà cách vận hành giai điệu cũng đi từ Hò lên Liu và trở xuống như bài Lưu Thủy đoản. Nhưng cách sáng tạo của Phạm Duy lại không đi từ thấp lên cao bằng con đường thẳng hay con đường vòng, mà là đi từng bực quãng 5 chồng chất (La-Mi, Mi, Ré-La, Mi-Si, Si, La-Mi, Mi...) để cho chúng ta có cảm giác đi lên từng nấc thang hay “trèo lên cây bưởi”, tay vin cây, chân leo lên từng cành để hái cho được bông bưởi trắng muốt.
Trèo lên, lên, trèo lên, trèo lên, lên, trèo lên
La - Mi, Mi, Re - La, Mi - Si, Si, La - Mi
Cách vận hành giai điệu từ thấp lên cao bằng những quãng 5 chồng chất là cách vận hành mà tôi chưa từng gặp trong dân ca Việt Nam. Khi hát nhạc Phạm Duy, chúng ta chẳng những theo giai điệu từ thấp lên cao mà có cảm giác “thấy” được người trèo lên cây bưởi. Đó là một biệt tài của Phạm Duy”.
Với những người yêu nhạc chắc hẳn sẽ tự rút ra nhiều bài học hữu ích từ phân tích của Giáo sư Trần Văn Khê. Qua đó ta thấy nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ giỏi về phần viết ca từ mà còn là một người biểu diễn sáng tác của mình như một ca sĩ chuyên nghiệp. Sinh thời, khi đọc bản thảo Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy - Khê, nhạc sĩ Phạm Duy đã trả lời qua email cho bạn: “Rất cảm động khi đọc bản thảo của Khê. Khê đã viết ra những lời giải thích rõ ràng về con người Phạm Duy, kể cả xấu tốt... Moa vừa đọc vừa khóc đó Khê ơi!”.
Có thể nói, với tập sách thú vị này công chúng lại có dịp hiểu hơn nữa về tài năng và con người của nhạc sĩ Phạm Duy.
(Nguồn: http://phunuonline.com.vn)